Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:08

Rắn độc cắn là một loại nhiễm độc do động vật thường gặp nhất. Phát hiện sớm loại rắn cắn kịp thời rất quan trọng.

Việt Nam có 135 loài rắn trong đó có 31 loài rắn độc chia thành hai nhóm chính: rắn độc sống trên cạn (18 loài) và rắn độc sống ở biển (13 loài)

Rắn độc cắn: biểu hiện, xác định loại rắn độc, xử trí cấp cứu
Rắn độc cắn: biểu hiện, xác định loại rắn độc, xử trí cấp cứu

Nhóm rắn độc sống trên cạn, thường gặp:

– Họ rắn hổ gồm: cạp nong (Bungarus fasciatus), cạp nia (Bungarus candidus), hổ mang miền Bắc (Naja atra), hổ mang miền Nam (Naja kaouthia), hổ mang chúa (Ophiophagus hannah),…

– Họ rắn lục gồm: rắn lục xanh (Viridovipera stejnegeri), rắn lục xanh miền Nam (Cryptelytrops popeorum), rắn lục tre (rắn lục môi trắng – Cryptelytrops albolabris), lục hoa cải (Protobothrops jerdonii), rắn khô mộc (Protobothrops mucrosquamatus), lục Mã Lai (Chàm quạp – Colloselasma rhodostoma ), lục mũi hếch (Deinagkistrodon  acutus), …

Nhóm rắn độc sống ở biển, gồm: đẹn đuôi gai (Aipysurus eydouxi), đẹn khoang (Hydrophis cyanoccinctus), đẹn bụng vàng (Hydrophis coerulescens), đẹn vết (Hydrophis ornatus), đẹn cạp nong kim (Hydrophis fasciatus), đẹn sọc dưa (Pelamis platurus), đẹn đầu nhỏ (Microcephalophis gracilis)…

Do thiếu các thông tin cần thiết về phóng tránh và xử trí rắn độc cắn nên vẫn còn nhiều trường hợp đáng tiếc bị rắn độc cắn, nạn nhân được sơ cấp cứu không đúng cách, tới cơ sở y tế chậm trễ dẫn tới nhiễm độc nặng, di chứng hoặc tử vong.

Nguyên nhân bị rắn cắn

– Do tai nạn: thường bị cắn khi làm ruộng, đi đường hoặc đi vào rừng. Nạn nhân có thể bị cắn vào tay khi đánh bắt cá, thò tay vào hang để bắt cua, ếch, dỡ đống gạch, đống củi, kiểm tra chuồng gà ban đêm, ngủ trên nền đất vào ban đêm (kể cả ở trong nhà),…

– Do nuôi, bắt: nhiều khâu trong công việc nuôi bắt rắn, đặc biệt khi gặp rắn, người dân thường không xua đuổi rắn mà chủ động bắt rắn để bán hoặc thịt rắn dẫn tới bị cắn.

– Nguyên nhân khác: chêu, chọc rắn đang nuôi trong chuồng bị rắn phun nọc vào mắt. Trẻ em thấy rắn độc nhỏ do không biết đã vồ bắt nghịch chơi,…

Biểu hiện khi bị rắn độc cắn

Họ rắn hổ

Đặc điểm rắn:

– Rắn hổ mang (rắn hổ đất, hổ mang bành, hổ phì, hổ mèo) có cổ bạnh và phát ra âm thanh đặc trưng khi đe doạ hoặc tấn công. Có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, thậm chí gần khu dân cư.

– Rắn hổ chúa: cổ cũng bạnh nhưng không bạnh rộng, có hai vảy lớn ở đỉnh đầu, có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, hiện nay còn được nuôi ở nhiều nơi. Kích thước lớn (có thể nặng hàng chục kilôgam), dài tới vài mét.

– Rắn biển (con đẻn): sống ở biển hoặc vùng cửa sông, đuôi dẹt như mái chèo.

– Rắn cạp nong, cạp nia: khoang đen-trắng rõ (rắn cạp nia), khoang đen-vàng (rắn cạp nong), thường ở vùng trung du, đồng bằng, khu vực gần nước.

Biểu hiện nhiễm độc:

– Tại vùng vết cắn: đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.

– Toàn thân: đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,…dễ tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ gây khó thở.

Họ rắn lục

– Đặc điểm rắn: đặc điểm nổi bật chung của họ rắn lục là đầu hình tam giác, mắt có con ngươi hình elíp dựng đứng.

– Rắn lục xanh: có màu xanh lá cây các mức độ khác nhau, thường ở vùng rừng núi cả ba miền.

– Rắn khô mộc, rắn lục mũi hếch: thân màu nâu hoặc giống như màu cành cây khô, thường ở vùng rừng núi phía Bắc.

Rắn choàm quạp: thân màu nâu, thường ở vùng rừng phía Nam.

Biểu hiện nhiễm độc: Sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Tử vong do chảy máu, mất máu.

Chẩn đoán khi bị rắn độc cắn

Để chẩn đoán xác định rắn độc cắn và do loại rắn độc gì, bác sĩ sẽ dựa vào các biểu hiện bệnh qua hỏi bệnh, khám, xét nghiệm và theo dõi.

Bạn cần cung cấp thông tin về nơi bị rắn cắn (mỗi vùng có một số loại rắn nhất định sống), đặc điểm của rắn (nếu nhìn thấy), các biện pháp sơ cứu đã áp dụng.

Bạn cần mang rắn đã cắn (nếu đang giữ) đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng, lưu ý rắn tưởng đã chết nhưng vẫn có thể cắn người. Nếu ở xa, bạn có thể nhờ người chụp ảnh của rắn và gửi qua email trước để giúp cho việc chẩn đoán nhanh và chữa trị kịp thời.

Điều trị khi bị rắn độc cắn

Cấp cứu ban đầu

– Động viện bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng, không để bệnh nhân tự đi lại nếu vết cắn ở chân (vì vận động vùng bị cắn làm nọc độc vào cơ thể nhanh hơn).

– Cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.

– Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim.

– Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động (xin xem ở dưới đây).

– Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện vận chuyển, nên gọi điện báo trước để được tư vấn.

– Vết cắn ở đầu, mặt, cổ: khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.

– Nếu bệnh nhân khó thở: hô hấp nhân tạo với điều kiện có tại chỗ (thổi ngạt, bóp bóng Ambu,…).

Chú ý:

Không mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc.

Không đợi ở nhà và chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến bệnh viện vì sẽ muộn và mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện.

Không chích rạch vết cắn nếu rắn lục cắn vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch.

Không làm các biện pháp khác, như: chườm đá, gây điện giật,…

Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn cắn

Dùng băng rộng khoảng 5-10 cm, dài vài mét, có thể băng chun, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Cởi đồ trang sức ở vùng bị cắn vì dễ gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Không cố cởi quần áo vì dễ làm vùng bị cắn cử động, có thể băng đè lên quần áo.

Đặt băng

Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (vẫn còn sờ thấy mạch đập, đủ để luồn một ngón tay qua giữa các nếp băng).

Bắt đầu băng từ ngón chân tới gốc bẹn hoặc nách.

Dùng nẹp cứng (miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) để cố định chân, tay.

Vết cắn ở bàn, ngón tay, cẳng tay:

Băng ép bàn, ngón tay, cẳng tay.

Dùng nẹp cố định cẳng bàn tay.

Dùng khăn hoặc dây treo lên cổ bệnh nhân.

Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc có thuốc giải độc (bác sĩ quyết định thời điểm tháo băng ép).

Vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực.

Không băng ép khi rắn lục cắn: rắn choàm quạp, lục xanh, khô mộc.

Vận chuyển

– Duy trì biện pháp băng ép và bất động, khẩn trương vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là bằng ô tô.

– Trong khi vận chuyển nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

– Lưu ý bạn không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên vì đường xa và có thể bị nguy hiểm trên đường đi mà không được hỗ trợ.

Tại Bệnh viện

Các biện pháp chữa rắn độc cắn hiện nay là:

– Dùng thuốc giải độc (huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu):

– Tác dụng: để trung hoà (hủy) các nọc độc có trên cơ thể bệnh nhân, đây là chính là thuốc đặc trị và là biện pháp điều trị tốt nhất hiện nay.

– Để có hiệu quả, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, dùng càng muộn hiệu quả thuốc càng giảm hoặc không còn tác dụng.

– Thuốc cần được dùng tại cơ sở y tế theo phác đồ và có sự theo dõi chặt chẽ.

Bạn cần thông báo cho bác sĩ tiền sử bị dị ứng hoặc các bệnh có tính chất dị ứng như chàm, hen phế quản, để bác sĩ có biện pháp chuẩn bị.

Các biện pháp chữa triệu chứng, chăm sóc: ví dụ giảm đau, thở máy,…

Phẫu thuật ghép da, tạo hình: khi bị rắn độc cắn bị tổn thương nặng trên diện tích lớn, một phần của chân, tay.

Phòng tránh rắn độc cắn

Những điều nên làm

– Bạn nên biết nhận dạng các loài rắn độc, biết được môi trường sống, thức ăn, đặc tính hoạt động của một số loài rắn.

– Khi gặp rắn nên chủ động tránh, nếu không tránh được thì không nên làm những cử động đe doạ rắn. Cần cảnh giác đặc biệt rắn sau mưa, trong mùa lũ lụt, mùa gặt hái và ban đêm.

– Đề phòng rắn biển cắn, ngư dân tránh động vào rắn biển, tránh bắt rắn trong lưới và trên đường đi. Đầu và đuôi rắn không dễ gì phân biệt. Có nguy cơ rắn biển cắn khi bơi lội, giặt quần áo nơi nước đầm thuỷ triều, cửa sông, bãi biển.

– Phải chuẩn bị những dụng cụ cần thiết khi đi rừng núi, đồng ruộng, nương rẫy:

Phải đi ủng hoặc giầy cao cổ.

Mặc quần áo vải dày, đội mũ rộng vành.

Phải có gậy khua rắn.

Nếu đi đêm phải có đuốc hoặc đèn pin.

Phải biết cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn.

Thợ bắt rắn phải dùng kẹp để bắt.

Không nên

– Trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được.

– Không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối.

– Không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần (nếu cần phải dùng gậy hay chân có đi giầy).

– Thận trọng khi phải kiểm tra chuồng gà, ổ gà vào ban đêm.

– Không dùng tay bẻ cành cây, lấy củi trong đêm.

– Không đi chân không vào rừng, nương, rẫy (nhất vào ban đêm).

– Không trêu chọc rắn độc (cần khuyên bảo kỹ các em nhỏ).

– Không nên sờ vào miệng rắn, ngay cả khi rắn đã chết, đã chặt đầu hoặc giả vờ chết (một số rắn giả chết để tránh bị tấn công).

– Không nên ngủ dưới đất vì rắn hay lui tới những chỗ ấm.

– Thường xuyên kiểm tra nhà phát hiện nơi rắn hay trú ẩn (mái lợp tranh rạ, mái hiên, tường rơm có khe nứt lớn, khoảng trống không bịt kín của ván sàn).

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook