Một số bà mẹ cho con ăn thiếu chất béo những năm đầu đời, dẫn đến việc trẻ không hấp thụ tốt các vitamin thiết yếu, trong khi đó, ở lứa tuổi học đường lại có không ít trẻ thừa cân do ăn quá nhiều chất béo.
Các mẹ nuôi con nhỏ thường thích thịt nạc, nấu cháo cho con phải chọn nạc thăn nõn nà không dính mỡ.
Nhưng theo bà Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ dưới 6 tháng tuổi có nhu cầu trên 50% năng lượng khẩu phần từ chất béo, giai đoạn trên 6 tháng tuổi nhu cầu năng lượng từ chất béo có giảm nhưng vẫn ở mức 30-40%.
Do không phải bà mẹ nào cũng đánh giá đúng về vai trò chất béo, nên một khảo sát gần đây cho thấy trẻ trong nhóm được khảo sát chỉ được đáp ứng 18% nhu cầu chất béo.
Có nên đề xuất trong vòng bán kính bao nhiêu mét kể từ trường học là không được bán các thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt? Trong các bữa ăn trường học, cha mẹ có thể chấp nhận chi trả giá bữa ăn cao hơn để thành phần thực phẩm hợp lý hơn hoặc cha mẹ chế biến bữa ăn tại nhà cho con mang tới trường.
Bà LÊ BẠCH MAI
Dưới 1 tuổi, trẻ rất cần chất béo
Nuôi con thứ 2 và có nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng gia đình chị Nguyễn Vân Ly ở Cầu Giấy, Hà Nội vẫn rất e ngại thịt mỡ, mỡ động vật khi chế biến thức ăn cho con trai.
Bình thường khi chiên xào thức ăn, gia đình chị vẫn dùng dầu thực vật, khi nấu cháo cho con trai thì ngoài bổ sung thịt heo nạc, cá, tôm, thịt bò tùy bữa, chị còn nêm thêm một chút dầu ăn nhưng chỉ coi là “gia vị”, không phải là thành phần chính.
Theo bà Lê Bạch Mai, cách nấu nướng như thế này là rất phổ biến ở nhiều gia đình Việt. Các mẹ, các bà coi chất béo là “gia vị”, nêm nếm thêm mà không biết rằng đây là thành phần rất quan trọng trong bữa của trẻ, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi.
“Chất béo cung cấp 50% nhu cầu năng lượng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Thoạt nhìn sữa mẹ rất loãng, nhưng rất giàu chất béo và phù hợp nhất với sinh lý phát triển của trẻ. Khi trẻ qua 6 tháng và bắt đầu ăn giặm, trẻ có thể sử dụng cả chất béo được tinh chế và chất béo từ thực phẩm, như da cá, phần nạm, gầu ở thịt bò hay da gà vịt. Nhóm trẻ trên 6 tháng tuổi, nhu cầu chất béo chiếm 30-40% năng lượng khẩu phần”- bà Mai cho biết.
Tuy nhiên theo khảo sát gần đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ chỉ được đáp ứng 18% nhu cầu chất béo. Vì thiếu chất béo, nên theo bà Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ bị thiếu “môi trường” để hấp thu 4 vitamin tan trong chất béo là vitamin A, D, E và K.
Có thể một phần vì lý do này, dù năm nào cũng tổ chức ngày vi chất dinh dưỡng bằng cách cho trẻ uống vitamin A liều cao vào 1-2 tháng 6 hằng năm, nhưng 5 năm vừa qua tỉ lệ trẻ em bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng chỉ giảm được 1%.
Gánh nặng kép
Đó là cán cân ngày càng trở nên khó giải quyết giữa tỉ lệ trẻ em thấp còi theo tuổi và trẻ thừa cân béo phì.
Theo bà Lâm, một số điều tra gần đây tại các đô thị lớn nhất nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở các trường học nội thành, trường trọng điểm có thể lên tới 30-40%. Trong khi tỉ lệ trẻ thấp còi theo tuổi cũng còn xấp xỉ 25%.
Một gánh nặng kép nữa là trong khi trẻ lứa tuổi nhà trẻ thiếu chất béo, thì nhóm học đường lại thừa chất béo vì ăn quá nhiều, quá thừa dinh dưỡng.
“Chúng tôi đang tiển khai thực đơn bữa ăn học đường mẫu tại một số trường ở các đô thị lớn kể trên. Qua khảo sát tại các trường có nhiều cha mẹ kinh tế khá giả, cả cha mẹ và thầy cô đều chưa chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng cân đối, mà mới chú ý đến ăn ngon và ăn theo thị hiếu của trẻ, nhiều trường cho trẻ ăn quá nhiều, vượt quá nhu cầu của trẻ”- bà Lâm cho hay.
Với thực đơn học đường, các nhà dinh dưỡng đề xuất các trường điều chỉnh bữa ăn của trẻ theo hướng cân đối, có thể số bữa không giảm nhưng món ăn thay đổi, như thay chiếc bánh ngọt trong bữa xế bằng trái bắp, hoặc các trường trẻ lười ăn rau/thực đơn có ít rau xanh thì bổ sung rau xanh và khuyến cáo thay đổi cách chế biến ngon miệng hơn với trẻ.
Bà Lê Bạch Mai thì nhấn mạnh một vấn đề cần được lưu ý nữa là nên có quy định về sản phẩm bán tại căngtin trường học vì căngtin nhiều trường bán nhiều nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, điều này cũng gây khó khăn khi gia đình và nhà trường muốn con trẻ được ăn uống hợp lý.
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.