Thứ Ba, 22/05/2018 | 16:58

Bệnh tim dường như vẫn chưa được phụ nữ quan tâm đúng mức. Trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn nam giới do các cơn đau tim, suy tim và đột qụy.

Để khống chế và kiểm soát tốt bệnh tim mạch và đột quỵ, chiến lược tối ưu vẫn là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ không kiểm soát được

Có những yếu tố nguy cơ không thay đổi được. Những nguy cơ đó ở phụ nữ là: Có tiền sử gia đình về bệnh động mạch vành hoặc cơn đau tim, xảy ra ở các thành viên dưới 55 tuổi hoặc trong các thành viên nữ dưới 65 tuổi trong gia đình; tuổi từ 55 trở lên; Đang sau giai đoạn mãn kinh hoặc đã phẫu thuật cắt buồng trứng; Đã từng bị tiền sản giật khi mang thai hoặc đái tháo đường thai nghén, hoặc sinh con nhẹ cân; Tiền sử gia đình bị bệnh tim sớm, đặc biệt là ở chị em ruột là một yếu tố nguy cơ đặc biệt quan trọng ở phụ nữ.

Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát

Có những yếu tố nguy cơ thay đổi được. Giải quyết tốt các yếu tố này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Đó là: Thừa cân hoặc béo phì; Lối sống ít vận động hoặc không tập thể dục; Hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá; Tăng huyết áp; Cholesterol toàn phần cao và/hoặc cholesterol HDL thấp; Mắc bệnh đái tháo đường; Mắc hội chứng chuyển hóa; Tăng nồng độ protein phản ứng C (CRP); Sử dụng thuốc ngừa thai, đặc biệt nếu đang hút thuốc.

Nguy cơ bệnh tim ở phụ nữ - Kiểm soát cách nào?Phụ nữ thường xuyên tập thể  dục giảm nguy cơ béo phì và bệnh tim.

Cách nào để kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ?

Cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch có thể áp dụng cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, nếu là phụ nữ cần lưu ý:

Béo phì và lối sống thụ động là hai yếu tố nguy cơ phổ biến hơn ở phụ nữ sau mãn kinh so với nam giới cùng độ tuổi. Phụ nữ thường là người gánh phần chăm sóc chính cho gia đình nên khó khăn hơn trong việc sắp xếp quỹ thời gian để duy trì tập thể dục thường xuyên. Do đó, phụ nữ lớn tuổi có thể đặc biệt dễ rơi vào bị động và béo phì đều là yếu tố nguy cơ mạnh mẽ cho bệnh tim và đột quỵ. Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là rất quan trọng.

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chiếm tỷ lệ cao trong các cơn đau tim ở phụ nữ dưới 45 tuổi, đặc biệt đã có tiền sử gia đình bị bệnh tim. Nếu đồng thời đang dùng thuốc ngừa thai, tình hình càng tồi tệ hơn. Sự kết hợp của thuốc lá và thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ bệnh tim sớm lên gấp 20 lần. Bỏ hút thuốc lá ngay và tránh xa môi trường có khói thuốc.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính cho bệnh tim và đột quỵ. Tăng huyết áp rất phổ  biến ở phụ nữ trên 55 tuổi. Thực tế cho thấy, tăng huyết áp ở phụ nữ thường không được phát hiện sớm và không được điều trị một cách hiệu quả theo khuyến cáo.

Bất thường lipid máu: cholesterol cao và rối loạn các thành phần lipid khác làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Mức HDL (cholesterol tốt) thấp là yếu tố nguy cơ quan trọng hơn ở phụ nữ so với nam giới. Bằng chứng cho thấy mức LDL rất thấp làm tăng HDL đáng kể, có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược bệnh động mạch vành. Kiểm soát cholesterol tốt bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và điều trị bằng thuốc nhóm statin.

Bệnh đái tháo đường: Đái tháo đường týp 2 đang trở nên phổ biến hơn, nguyên nhân gốc rễ là béo phì. Đái tháo đường nên được xem như một bệnh mạch máu cũng như là một bệnh về chuyển hóa đường vì đái tháo đường làm tăng mạnh nguy cơ bệnh tim mạch. Phụ nữ bị bệnh đái tháo đường tăng gấp 6 lần nguy cơ bệnh tim.

Hội chứng chuyển hóa đặc biệt phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ cần có 3 trong 5 yếu tố nguy cơ sau đã được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa: Nam có vòng bụng ≥ 90cm, nữ có vòng bụng ≥ 80cm; Triglycerid máu ≥ 150mg/dl; HDL-C < 40mg/dl (nam) và <50mg/dl (nữ); Huyết áp ≥ 130/85mmHg; Tăng glucose máu khi đói ≥ 100mg/dl. Một khi bạn đã có hội chứng chuyển hóa, nguy cơ mắc bệnh tim gấp đôi và nguy cơ bị đái tháo đường týp 2 nhiều gấp 5 lần. Đó là lý do thường nghĩ đến bệnh đái tháo đường khi bị hội chứng chuyển hóa.

Protein phản ứng C (CRP): là một yếu tố nguy cơ quan trọng hơn ở phụ nữ so với nam giới. Đặc biệt ở phụ nữ, viêm là nguyên nhân chính gây xói mòn hoặc vỡ các mảng bám xơ vữa động mạch vành. Mức CRP tăng cao là “chỉ điểm vàng” cho thấy có tình trạng viêm trong cơ thể và CRP cao thường liên quan với phát triển xơ vữa động mạch. Nồng độ CRP với việc dùng thuốc nhóm statin có thể làm giảm nguy cơ cơn đau tim ở một số bệnh nhân bị bệnh động mạch vành.

Các biến chứng trong khi mang thai: phụ nữ có tiền sử bị các biến chứng trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là chứng tiền sản giật trong đó có tăng huyết áp đáng kể, đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nhẹ cân đều có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm. Chị em nên tích cực quản lý tất cả các yếu tố nguy cơ tim mạch và làm như vậy trong suốt quãng đời còn lại.

Tóm lại, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim cũng quan trọng ở phụ nữ như nam giới. Tuy nhiên, có một số yếu tố mang tính đặc thù riêng cho giới nữ. Vì vậy, cần suy nghĩ và cân nhắc khi lên kế hoạch chiến lược kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch cho chính bản thân mình.

TS.BS. Lê Thanh Hải


Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook