Trong một thập kỷ qua, số bệnh nhân Việt bị tiểu đường tăng 200% trong khi dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới cho 20 năm (2010-2030) chỉ tăng 30%.
Trên thế giới, trong 11 người trưởng thành có một người mắc bệnh đái tháo đường, cứ 3 giây phát hiện thêm một bệnh nhân mới, 6 giây lại thêm một người chết và 20 giây có một người bị cắt cụt chi vì bệnh này. Tại Việt Nam, số bệnh nhân đang gia tăng quá nhanh.
Chia sẻ tại lễ mittinh ở Hà Nội sáng 14/11 nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường, tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho biết, điều tra của bệnh viện trong 10 năm qua, số bệnh nhân tăng đến 200%. Ngoài ra rất nhiều người mắc bệnh nhưng chưa được chẩn đoán. Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 6% dân số.
Dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới trong 20 năm (2010-2030) số người mắc bệnh tiểu đường toàn cầu sẽ tăng 30%.
Tiểu đường được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng, diễn tiến âm thầm trong cơ thể. Nếu người bệnh không đi khám tầm soát một cách có hệ thống thì chỉ phát hiện bệnh khi xuất hiện biến chứng dẫn đến muộn điều trị. Tỷ lệ phát hiện bệnh chậm này ở Việt Nam rất cao, theo điều tra mới nhất là gần 65%.
Lối sống tĩnh, ăn quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng khiến nhiều trẻ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Ảnh minh họa: H.P. |
Một thực trạng đáng báo động là người mắc bệnh ngày càng trẻ. Trước đây, bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở người 40-45 tuổi thì nay xuất hiện nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương là một em bé 11 tuổi ở Khâm Thiên, Hà Nội. Nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều trị hoặc tư vấn là trẻ em 13-15 tuổi. Trẻ đến khám trong tình trạng thừa cân 60-70 kg, men gan tăng rất cao, bác sĩ bắt buộc phải cho bệnh nhi dùng insulin – tức phác đồ điều trị cao.
“Một người mắc bệnh, 50% tế bào tuyến tụy gần như bị phá hủy, nếu không có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý thì số tế bào tụy còn lại sẽ bị phá hủy”, bác sĩ Dương cho biết. Vì thế, theo ông, vấn đề kiểm soát dinh dưỡng, cân nặng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều trị tiểu đường, hạn chế tối đa việc dùng thuốc.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đái tháo đường tuýp 2 là quá trình đô thị hóa, lối sống: Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm, dư thừa năng lượng, sự vận động ngày càng giảm. Trong thời gian dài, tổng năng lượng không đổi song khẩu phần bữa ăn thay đổi nhanh chóng và tạo ra sự mất cân bằng trong khẩu phần ăn cũng như dư thừa năng lượng.
Theo tiến sĩ Dương, hiện nay người Việt ăn theo sở thích, chưa chú trọng đến sự cân đối trong bữa ăn, thậm chí với chế độ ăn của trẻ. Những món vặt như bim bim, chocolate không khiến no bụng trong khi cung cấp quá nhiều năng lượng. Ăn một miếng phô mai 100 g, để tiêu thụ hết năng lượng do nó mang lại cho cơ thể, trẻ phải đi bộ 20 km.
Kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam mới đây chỉ ra có gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (trung bình ít nhất 150 phút một tuần). Trẻ nhỏ hiện nay gần như không có thời gian rảnh rỗi để tập luyện vì học quá nhiều hết ở trường lại học thêm ngoài giờ trong khi thiếu vận động thể lực.
“Trẻ 13-15 tuổi bị tiểu đường, nếu không điều trị tốt thì 5 năm sau mắt bắt đầu giảm thị lực, 10-15 năm sau bị suy thận, tương lai sức khỏe rất kém”, tiến sĩ Dương nhấn mạnh.
Bệnh tiểu đường có thể phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục. Người béo phì, người bị tăng huyết áp, rối loạn lipit mỡ máu, trẻ sơ sinh nặng hơn 4 kg, phụ nữ mang thai có lượng đường trong máu và nước tiểu tăng cao… nguy cơ cao cần được sàng lọc bệnh.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.