Trong tự nhiên, chì không có vai trò về sinh lý với cơ thể và hoàn toàn có hại với sức khỏe. Khi chì tích lũy lâu dài ở trong cơ thể và thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể qua nhiều thập kỷ.
Chì không có vai trò về sinh lý với cơ thể và hoàn toàn có hại với sức khỏe. Bất kỳ một lượng chì nào được tìm thấy trong cơ thể đều là do tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, do tiếp xúc với thực phẩm, nước, thuốc nam và các vận dụng có chứa chì.
Nồng độ chì trong máu toàn phần bình thường: < 10Mg/dL (ở Mỹ), nồng độ lý tưởng là 0 Mg/dL. Chì tích lũy lâu dài ở trong cơ thể (đặc biệt ở trong xương) và thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể qua nhiều thập kỷ.
Chì đặc biệt độc với hệ thần kinh của trẻ em, gây chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất. Nồng độ chì máu càng cao thì càng ảnh hưởng xấu tới phát triển trí tuệ của trẻ.
Nguồn tiếp xúc
Do môi trường: do đất, nước, không khí bị nhiễm chì
Thuốc, thực phẩm:
– Các thuốc nam: dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi… lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn). Đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ em các tỉnh miền Bắc hiện nay. Đặc biệt nếu các thuốc dạng bột hoặc viên có màu đỏ, vàng cam hoặc hồng.
– Thực phẩm: do thực phẩm bị ô nhiễm, do các vật dụng đóng gói (như đồ hộp có chất hàn gắn sử dụng chì)
– Trong lao động: nhiều nghề nghiệp có nguy cơ bị ngộ độc chì, như sản xuất, tái chế, sửa chữa ắc quy, nung, nấu hoặc tinh chế chì….
– Nguồn tiếp xúc do hoạt động giải trí và sở thích: như đồ chơi có sơn chì, đạn chì…
– Các nguồn khác: như mỹ phẩm, đạn chì còn lại trên cơ thể.
Biểu hiện ngộ độc chì:
Trẻ em:
– Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.
Biểu hiện rõ:
– Thần kinh: hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.
– Tiêu hóa: Nôn, đau bụng, chán ăn.
– Máu: thiếu máu
Biểu hiện kín đáo
– Trẻ chậm phát triển, giảm khả năng nghe, chậm phát triển về thần kinh nhận thức, các hành vi hung hăng, chống đối xã hội, bạo lực, chứng tăng vận động và giảm tập trung.
– Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì trong máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10 mMg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10 mMg/dL, trẻ có chì máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này. Ngộ độc chì ở trẻ em đặc biệt được quan tâm ở các nước phát triển vì lo ngại về ảnh hưởng của chì lên phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
Người lớn:
– Thần kinh trung ương: lơ mơ, lẫn lộn, sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt.
– Tiêu hóa: miệng có vị kim loại, chán ăn, táo bón, cơn đau bụng.
– Cơ, xương, khớp: đau cơ, yếu cơ, đau khớp
– Máu: thiếu máu, người ta đã thấy độc tính của chì với máu ngay cả khi chì máu dưới 10 Mg/dL.
– Sinh sản: giảm tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai…
– Thận: bệnh thận
– Ngộ độc mạn tính biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ tương quan với nồng độ chì trong máu. Đặc biệt chì trong máu có tương quan với mức độ tăng huyết áp, mức độ các rối loạn của lão hóa, bao gồm suy giảm trí tuệ, các bất thường điện não, rối loạn chức năng thận mạn tính và đục thủy tinh thể.
– Người bệnh có thể cảm thấy bất thường nhưng thường chỉ được phát hiện khi xét nghiệm và khám chuyên khoa để đánh giá kỹ lưỡng.
Phát hiện, chẩn đoán ngộ độc chì
– Khi bạn có tiếp xúc với các nguồn chì nêu trên và nghi ngờ bị ngộ độc thì cần đi khám tại các cơ sở y tế. Bác sỹ sẽ hỏi bạn về việc tiếp xúc với các nguồn chì, thời gian tiếp xúc, mức độ tiếp xúc, nguồn gốc của chì, các biểu hiện bất thường của bạn sau đó. Bạn sẽ được khám và có thể làm các xét nghiệm cần thiết. Xét nghiệm chì máu (lấy máu tĩnh mạch) là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán xác định bị ngộ độc chì hay không.
– Khi bạn đi khám bệnh, nhớ mang theo tất cả các giấy tờ khám chữa bệnh cũ, kể cả các thuốc đã và đang dùng. Đặc biệt lưu ý đem theo các mẫu thuốc nam mà bạn nghi ngờ đã gây ngộ độc.
Điều trị và theo dõi
Sau khi có kết quả xét nghiệm về nồng độ chì trong máu, bác sĩ sẽ kết hợp với tình trạng bệnh thực tế của bạn để đưa ra các biện pháp giải quyết cụ thể. Nếu nồng độ chị trong máu tăng, bạn có các biểu hiện ngộ độc chì rõ thì bạn cần điều trị toàn diện. Nếu nồng độ chì trong máu thấp dưới 10 Mg/dL thì bạn không cần điều trị hay can thiệp.
Việc điều trị ngộ độc chì toàn diện nói chung gồm:
– Ngừng tiếp xúc với nguồn chì đã gây ra ngộ độc cho bạn: ví dụ ngừng dùng thuốc cam, cải thiện điều kiện làm việc nếu do tiếp xúc với chì trong lao động… là biện pháp bắt buộc.
– Chữa các biểu hiện ngộ độc (hay còn gọi là điều trị triệu chứng): hôn mê, co giật cần được cấp cứu, truyền máu nếu thiếu máu nặng….
– Tẩy độc: khi bạn mới tiếp xúc với chì, chì còn ở trên da, mắt, trong đường tiêu hóa và chưa hấp thu vào máu. Có thể tắm rửa bằng xà phòng, rửa dạ dày, rửa ruột, nội soi gắp chì trong đường tiêu hóa….
– Dùng thuốc giải độc: là các thuốc khi vào cơ thể sẽ gắn với chì và được cơ thể đào thải qua nước tiểu. Đây là biện pháp có tính quyết định.
Lưu ý:
– Điều trị ngộ độc chì cần thời gian kéo dài hàng tháng đến hàng năm do chì thường đã gắn chặt ở xương. Bạn cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sỹ và cách dùng thuốc, khám và xét ngiệm lại đúng theo hẹn.
– Mẹ có thai, mẹ đang cho con bú, trẻ nhỏ (kể cả trẻ sơ sinh) bị ngộ độc chì rõ thì vẫn cần điều trị.
Phòng tránh ngộ độc chì
Để phòng tránh ngộ độc chì cần có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau:
Các cơ quan chức năng
– Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân (khi bị bệnh chỉ khám ở các cơ sở có đăng ký và dùng các thuốc lưu hành hợp pháp), tăng cường công tác quản lý sản xuất, lưu thông phân phối và sử dụng thuốc.
– Loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì trong cuộc sống hàng ngày như sơn có chì, đồ chơi có chì…
– Có các biện pháp quản lý với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến môi trường, lao động, đảm bảo việc thực hiện giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn lao động.
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp
– Giữ vệ sinh môi trường, đặc biệt ở nhà và trường học: giám sát, đánh giá tình trạng ô nhiễm do chì và có các biện pháp can thiệp, xử lý thích hợp để tránh ô nhiễm và ngộ độc. Không sử dụng các sản phẩm có chì (như sơn, đồ dùng, đồ chơi có chì)
– Đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, đặc biệt với các nghề nghiệp có nguy cơ nhiễm độc chì cần đảm bảo môi trường và an toàn lao động, tránh gây ô nhiễm. Kiểm tra sức khỏe (gồm xét nghiệm chì trong máu) định kỳ.
– Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm an toàn, không có nguy cơ gây ngộ độc chì.
Cộng đồng:
– Gia đình, nhà trường: thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ (đặc biệt rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng). Trẻ em ở nơi có ô nhiễm chì bên cạnh việc xử lý môi trường cần chú ý thường xuyên cung cấp đủ các khoáng chất cần thiết như calci, sắt, kẽm, magie…
– Khi bị bệnh chỉ khám ở các cơ sở y tế có đăng ký.
– Chỉ dùng các thuốc lưu hành hợp pháp: các thuốc được nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng.
– Thận trọng khi sử dụng các sản phẩm có thể sử dụng sơn, nhựa có chì, đặc biệt khi các sản phẩm cho trẻ em, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có đăng ký và cho phép của các cơ quan chức năng:
+ Đồ chơi
+ Đồ trang sức, làm đẹp
+ Đồ nội thất, gia dụng: bàn, ghế, cũi, rèm, khung ảnh…
+ Đồ may mặc: quần áo, giầy dép, găng mũ, kính mắt, thắt lưng, vali.
+ Văn phòng phẩm: bút, vở, nam châm, kẹp giấy
+ Vật dụng chứa đựng nước uống, thực phẩm: bình đựng nước, cốc.
Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.