Thứ Ba, 03/11/2015 | 04:33

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán. Theo các chuyên gia, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội và cả thách thức cho nền kinh tế.

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán. Theo các chuyên gia, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội và cả thách thức cho nền kinh tế. Thủy sản, thép, gỗ, dược phẩm, đầu tư công… là những lĩnh vực sẽ chịu tác động lớn nhất từ TPP. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng cao trong khu vực, ngành dược được cho là sẽ không “ngán” những bất lợi mà hiệp định này mang lại.

Tăng xu hướng cạnh tranh

Các chuyên gia đều đánh giá Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong nhóm 12 nước ký kết TPP. Nhưng không phải ngành nào của Việt Nam cũng được hưởng tác động tích cực hoàn toàn từ hiệp định này, điển hình là ngành dược.

Ngành dược không “ngán” những bất lợi từ TPP?

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư công nghệ hiện đại sẵn sàng tham gia sân chơi thế giới.

Khi TPP có hiệu lực, dược phẩm sẽ giảm thuế từ mức hiện tại khoảng 2,5% về 0%. Rào cản thuế này là thấp nên việc bỏ thuế cũng không ảnh hưởng nhiều. Dù vậy, điều này khẳng định thêm việc tăng xu hướng cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo công bố của Công ty tư vấn Business Monitor International, Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 175 quốc gia về tốc độ tăng chi tiêu thuốc nhưng thuốc nhập khẩu hiện nay lại chiếm khoảng 60-70% thị trường. Khi tham gia vào TPP, việc đấu thầu thuốc sẽ công khai. Các hãng thuốc trên thế giới được tham gia bình đẳng với các doanh nghiệp (DN) trong nước nên sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt nên thua thiệt sẽ rơi vào các DN nội khi công nghiệp dược của chúng ta còn yếu, phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Cơ hội cho DN nội chuyển mình

Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đánh giá, công nghiệp dược Việt Nam mới ở mức 3-4 trong 5 cấp độ. Khu vực sản xuất dược phẩm trong nước chỉ chiếm 0,11% so với tổng doanh thu ngành công nghiệp sản xuất quốc gia năm 2011 mặc dù hiện nay đã có 121 nhà máy sản xuất thuốc tân dược, 61 DN sản xuất thuốc dược liệu và trên 130 cơ sở đăng ký hộ kinh doanh sản xuất thuốc dược liệu nhưng quy mô DN nhỏ cả về tài chính lẫn nhân lực.

Các chuyên gia cho rằng, TPP sẽ là cơ hội và là cánh cửa lớn để ngành dược Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, cải tiến và chuẩn hoá tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng sản phẩm để không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu phục vụ thị trường nước ngoài.

Thực tế cho thấy, nhiều DN Việt Nam có tiềm lực tốt và đang nắm bắt cơ hội TPP. Các DN này đã tập trung vào việc tiếp cận các công nghệ mới, cải tiến dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng cao, không những phục vụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền cũng nhận định, việc nhiều DN đã có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đã vay vốn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất những sản phẩm chất lượng cao là một tín hiệu rất tốt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thuốc nội chiếm 80% thị phần như Chiến lược phát triển ngành dược đến 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt.

Điều này cho thấy ngành dược Việt Nam không những không ngại những bất lợi do TPP mang lại mà còn đang tận dụng rất tốt các cơ hội mà Hiệp định mang tính lịch sử này.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, việc bảo hộ trí tuệ nhìn chung tạo ra tác động xấu ngắn hạn, nhưng nếu có luật bảo hộ trí tuệ được thực thi tốt thì đây là cơ hội cho ngành dược cạnh tranh trên thương trường quốc tế dựa vào những ý tưởng độc đáo của mình. Đây hiện đang là điểm yếu nhưng sẽ là điều các DN bắt buộc phải làm trong hội nhập để tạo ra năng lực cạnh tranh và không đánh mất thị trường trước hết là ngay thị trường trong nước.

DS. Huyền Thu

Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook