Thứ Ba, 12/09/2017 | 19:42

Tiêm thuốc tan mỡ không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà còn ảnh hưởng đến các tổ chức mạch máu, thần kinh, gây hiện tượng u nang tại chỗ, viêm mô tế bào, hoại tử da.

Giảm cân bằng cách tiêm chất tan mỡ có thể gây nhiều biến chứng như u nang tại chỗ, viêm mô tế bào, hoại tử, sốc phản vệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Thân hình thừa cân, béo phì khiến nhiều người mất tự tin trong cuộc sống. Họ tìm mọi cách để giảm cân, bất chấp hậu quả. Tiêm tan mỡ hiện là phương pháp giảm cân được quảng cáo rầm rộ trên mạng, hứa hẹn cho kết quả nhanh, ít đau đớn, thu hút nhiều khách hàng.

Trước những lời quảng cáo “có cánh” không ít phụ nữ chi vài chục triệu đồng để sử dụng cách làm đẹp này. Tuy nhiên, loại thuốc này là gì và ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM), tư vấn về loại thuốc được sử dụng để tiêm tan mỡ:

Thuốc gây tan mỡ thực chất là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ Deoxycholate natri (DC), một loại muối mật có tác dụng hòa tan và tẩy rửa.

Phosphatidylcholine ban đầu được lưu hành trên thị trường ở một số nước châu Âu dưới dạng biệt dược tên Lipostabil. Thuốc này được dùng để điều trị thuyên tắc phổi do mỡ trong y khoa nhưng đã bị lạm dụng khi thẩm mỹ. Nếu tiêm chất này lên các lớp mỡ, màng tế bào mỡ bị phá hủy dần dần, khối mỡ dư thừa hóa lỏng thành dạng nhũ tương.

Hiểm họa đằng sau những mũi tiêm giảm béo

Thuốc gây tan mỡ thực chất là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ Deoxycholate natri (DC), một loại muối mật có tác dụng hòa tan và tẩy rửa. Ảnh: Weightlosssafely

 

Tiêm thuốc này vào mô mỡ rất nguy hiểm, chúng không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà cả màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh,… trong vùng tiêm thuốc. Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ sẽ giải phóng ra triglyceride (dầu) ở dạng nhũ tương. Lượng nhũ tương này nếu không được hút ra khỏi cơ thể sẽ gây ứ đọng tại chỗ.

Biến chứng thẩm mỹ nguy hiểm

Cơ thể sẽ giải quyết lượng dầu ứ đọng bằng cách huy động các đại thực bào và bạch cầu trung tính đến thực bào dọn dẹp phần nhũ tương và các tế bào chết này. Vùng được tiêm hình thành một lượng lớn các hạt mỡ di động (nằm trong các bạch cầu và đại thực bào) đi vào trong máu, đến gan, thận để đào thải ra ngoài.

Tuy nhiên, phản ứng này của cơ thể không thể giải quyết ngay lượng lớn triglyceride ứ đọng, gây nên hiện tượng u nang tại chỗ, viêm mô tế bào, thậm chí hoại tử da, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ nguy hiểm.

Ở Việt Nam chưa có cảnh báo về chất này, tuy nhiên khi xem thành phần thuốc được các trung tâm làm đẹp sử dụng đều là PPC.

Chất thứ hai được đồn đại có thể tiêm để giảm cân là vitamin B12. Cách làm đẹp này được lý giải là làm tăng tốc quá trình chuyển hoá, tiêu hao năng lượng. Điều này là sai, vitamin nói chung chỉ là chất xúc tác các phản ứng chứ không thể làm tiêu hao năng lượng. Bệnh nhân được chỉ định tiêm khi thiếu vitamin B12 sẽ gây thiếu máu đặc biệt, còn gọi thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Tiêm vitamin B12 có thể bị nguy hiểm do dị ứng, thậm chí sốc phản vệ gây chết người.

Hiểm họa đằng sau những mũi tiêm giảm béo

Chất tiêm vào cơ thể có thể gây u nang tại chỗ, viêm mô tế bào, thậm chí hoại tử da. Ảnh: Malesaksa

 

Chất thứ ba được dùng để tiêm trực tiếp là chế phẩm chứa: cholin, inostiol và methionin. Chúng giúp ngăn ngừa quá trình mỡ tích tụ quanh gan. Ba chất này đều bắt nguồn từ thực phẩm, có thể liên quan đến chuyển hoá mỡ nhưng quảng cáo có tác dụng làm tan mỡ đến độ giảm cân, chống béo phì chỉ là lời đồn.

Một số trường hợp béo phì bắt buộc dùng thuốc (thuốc được thừa nhận dùng trong điều trị hiện nay là Orlistat), không dùng các loại thực phẩm chức năng, thuốc tiêm để giảm cân. Tiêm thuốc giảm cân luôn là cách rất nguy hiểm vì gây ra nhiều phản ứng đối với cơ thể, thậm chí là hiện tượng sốc phản vệ gây chết người. Những người có nhu cầu giảm cân nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn biện pháp thích hợp và an toàn.

Bác sĩ Phương Ngọc
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook