Các bạn có ý đinh nâng ngực nên biết về áo định hình ngực, sau khi nâng ngực, việc chăm sóc trong giai đoạn hậu phẫu là vô cùng quan trọng. Nói chung, áo ngực sau phẫu thuật ngực do bác sĩ khuyên dùng sẽ hỗ trợ thêm, phục hồi nhanh hơn.
Lợi ích của áo định hình ngực sau nâng ngực
Sau khi phẫu thuật ngực, áo lót nâng ngực mang lại nhiều lợi ích mà bạn không thể có được với áo ngực thông thường. Một số lợi ích bao gồm:
Nén ép giảm khoang chết giúp giảm thiểu nguy cơ tụ máu: Áo lót nén sử dụng các loại vải chun tốt để tạo áp lực nhẹ nhàng ở các khu vực xung quanh túi ngực. Ép tốt sẽ giảm nguy cơ chảy máu và đọng dịch sau mổ.
Bảo vệ chống nhiễm trùng xung quanh khu vực vết mổ: Khi mặc áo nén ép, cố định, băng vết mổ cũng sẽ được cố định và vết mổ được bảo vệ tốt, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm khuẩn.
Ngăn ngừa sự dịch chuyển của túi độn: Nếu không có áo định hình ngực, túi độn có nguy cơ bị dịch chuyển xuống dưới hoặc trượt sang bên gây xô lệch túi độn ngực. Bạn nên mặc áo ngực nén trong ít nhất 4 tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật nhưng có thể kéo dài đến 8 tuần trước khi túi ngực ổn định về vị trí và hình dạng cuối cùng. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà thời gian sử dụng áo ngực định hình sẽ kéo dài từ 1 – 3 tháng, cho đến khi bác sĩ xác nhận khuôn ngực ổn định, khi đó chị em có thể chuyển sang sử dụng áo nâng ngực bình thường.
Nên chọn áo kiểu có khóa cài phía trước để dễ mặc và đai nén nằm chặn ở bờ trên của túi ngực để ngăn không cho túi di chuyển lên trên. Mặc áo ngực nén của bạn thường xuyên nhất có thể trong khi vẫn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật để chăm sóc sau phẫu thuật, chẳng hạn như mát-xa và tập thể dục nhẹ nhàng.
Áo nén ép sẽ tránh xê dịch túi do đó giúp ổn định mép vết mổ cũng như các diện bóc tách, do đó, giúp vết thương liền nhanh hơn và cũng do giảm lực tác động đến vết mổ nên giúp sẹo đẹp hơn.
Áo ngực thể thao còn có vai trò làm giảm sự nảy lên, di chuyển quá mức khi vận động. Khi cơ thể bạn đã lành lại, bạn có thể yên tâm tiếp tục các hoạt động thường xuyên và tập thể dục. Tuy nhiên, việc mặc áo lót thể thao rất quan trọng cũng như đối với ngực tự nhiên để tránh bị nảy quá mức trong khi tập thể dục. Nảy lên có thể làm cho da xung quanh túi độn ngực của bạn căng ra và mô liên kết của vú yếu đi. Điều này có thể dẫn đến chảy sệ sớm.
Hướng dẫn cách mặc áo định hình ngực
Việc mặc áo lót định hình sao cho đúng cách rất quan trọng vì chỉ cần sai thao tác hoặc chỉnh áo quá chật, quá rộng cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dáng ngực sau này. Sau đây là hướng dẫn chi tiết của bác sĩ về cách mặc áo ngực định hình.
Trước khi mặc áo ngực cần phải tháo hết các móc ở áo ra, bao gồm cả móc ở trên vai. Lồng áo định hình vào ngực và đóng móc vai đầu tiên. Chị em hãy dựa vào kích thước khung xương vai của bản thân để điều chỉnh phù hợp. Đừng chỉnh quá thấp vì có thể khiến ngực bị xệ. Cần kiểm tra kĩ xem 2 bên vai đã bằng nhau hay chưa.
Tiếp tục móc phần khuy thân áo được thiết kế trước ngực. Phải dùng tay kéo giãn chun áo trước khi bó cố định ngực để tránh làm tổn thương vùng ngực mới nâng. Móc từ từ từng móc từ trên xuống dưới. Chú ý đến phần móc ở dưới cùng của áo định hình thì móc ra ngoài 1 nấc so với các móc phía trên, điều này giúp cho phần thân dưới áo có độ rộng nhất định để tạo độ chảy cho ngực trông tự nhiên hơn, tránh tình trạng ngực kéo lên quá cao.
Cần mặc áo ngực định hình chuẩn xác để ngực hồi phục và lên dáng ổn định
Quan trọng nhất là sau khi cố định các móc khóa, áo ngực định hình sẽ ôm sát lấu bầu ngực nhưng không nên nịt quá chặt đến mức để lại vết hằn trên ngực. Ngược lại, nếu áo định hình được chỉnh quá lỏng sẽ càng khiến bầu ngực bị xô lệch hơn.
Còn một phần đai ngang của áo ngực nữa cần thắt lại, phần đai ngang này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ dáng cho ngực. Đầu tiên cũng cần phải kéo giãn đai từ bên ngoài, sau đó kéo lên phía trên bầu ngực, vắt từ phía này sang phía kia. Thực hiện tương tự với đai ngang còn lại rồi dính cố định với áo ngực. Cần chú ý kéo đai ngang lên phía trên bầu ngực, tránh để phần đai này chèn vào túi độn sẽ làm lệch ngực.
Theo Ts.Bs. Phạm Thị Việt Dung (Bệnh viện Bạch Mai)
Chưa có bình luận.