Chủ Nhật, 20/05/2018 | 07:20

Vỏ quả nhìn đầy hấp dẫn, đôi khi còn hấp dẫn hơn cả thịt quả nữa. Nhưng có nên ăn thứ này không? Người nói có, kẻ nói không? Vậy rốt cục là thế nào?

Mẹ thích, bố không

Mới mua được gần 10kg táo Úc về nhà, chị Thanh Nga (Hà Đông, Hà Nội) hồ hởi đặt lên ghế. Chả là chị thích mua hoa quả nước ngoài từ lâu lắm rồi nhưng chưa có cơ hội. Trong khu vực quận Hà Đông (Hà Nội), có nhiều cửa hàng bày bán hoa quả nhập ngoại. Vượt qua khu vực quận Hà Đông, chỉ cần đi chừng dăm kilômét, chị có thể bước vào ngưỡng cửa của cửa hàng hoa quả nhập ngoại ở quận Thanh Xuân hoặc Đống Đa ngay đấy. Nhưng thực lòng chị vẫn do dự. Phần vì giá hơi cao, phần vì ngại nguồn gốc, phần khác chị lo sợ sự bảo quản khá lâu khiến cho hoa quả xuống chất lượng. May quá, lại có người thân đi công tác tại Úc. Vậy là không bỏ lỡ, chị nhờ đặt mua giúp chừng 10 – 15kg táo Úc về cho mọi người. Giá không cao lại đảm bảo hàng đúng nguồn gốc Úc 100%.

Khệ nệ ôm thùng táo vào nhà, trời Hà Nội bắt đầu nắng gắt. Mồ hôi nhễ nhại. Chị thong thả ngồi bật quạt hơi nước mát mẻ. Bé nhóc 9 tuổi chơi ở ngoài sân chạy vào. Nhón 1 quả, vội vã ăn ngay. Chị ới bé: con nhớ phải rửa sạch quả táo rồi mới được ăn đấy. Cu cậu đáo để thật, táo ngon có cái là ăn liền ngay. “Nhưng mẹ gọt vỏ cho con”, cu cậu làm nũng. Chị Thanh Nga quả quyết: không cần gọt. Cứ ăn cả vỏ cho tốt. Cu cậu 9 tuổi vui vẻ làm theo.

Có nên ăn vỏ quả không?Vỏ quả táo chứa hoạt chất sinh học cao hơn gấp 5 lần  cùi táo. Hoạt chất sinh học trong quả phụ thuộc vào khí hậu, nguồn nước, nguồn đất, màu sắc của chúng.

Vừa về đến nhà, chưa rõ đầu đuôi câu chuyện, chồng chị Thanh Nga thấy cậu nhóc đang hí hoáy chuẩn bị ăn táo mà chưa gọt vỏ, anh vội vã chạy ra can ngăn: trời ơi, con chưa gọt vỏ sao lại ăn. Nó nguy hiểm lắm con có biết không? Cậu nhóc ớ người ra không biết nghe ai, mẹ bảo cứ ăn đi bố lại bảo nguy hiểm lắm. Vậy cuối cùng có ăn được vỏ hay là không?

Những lý lẽ khoa học tốt đẹp

Tình huống trái ngược nhau trong gia đình nhà chị Thanh Nga không hiếm gặp. Và cuối cùng thì cậu nhóc 9 tuổi không biết nghe ai. Người này nói có, người kia nói không? Sự khác nhau đến trái chiều đó xuất phát từ những viện dẫn khoa học được cho là tốt đẹp sẽ được trình bày ở ngay dưới đây. Những người ủng hộ quan điểm ăn hoa quả là phải ăn cả vỏ có lẽ đi từ một số bằng chứng nghiên cứu rằng: vỏ quả có nhiều hoạt chất sinh học quý. Những hoạt chất này có nhiều trong vỏ quả, thậm chí chỉ có trong vỏ quả mà không chứa trong thịt quả. Nó có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh cho người ăn.

Đơn cử như táo. Một số nghiên cứu năm 2015 ở Thổ Nhĩ Kỳ thấy rằng trong vỏ táo có chứa nhiều hoạt chất sinh học đầy hứa hẹn có tác dụng tốt cho sức khỏe. Một trong các hoạt chất đó chính là các chất thuộc nhóm phenol. Các chất này có hoạt tính chống oxy hóa cực cao và do đó đem lại các ích lợi được ca tụng tuyệt mỹ như chống lão hóa da, làm giảm biến tính tế bào, giảm nguy cơ ung thư, giảm bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu, giảm căng thẳng thần kinh… Nhóm nghiên cứu đã điều tra 22 loại táo khác nhau hiện đang có ở Thổ Nhĩ Kỳ và đều thấy, trong vỏ của chúng, mặc dù màu có thể xanh đỏ vàng khác nhau, nhưng chúng đều có tổng dung lượng chống oxy hóa rất ấn tượng trong vỏ quả. Từ đó người ta tin rằng ăn vỏ táo là ích lợi.

Một thứ quả khác người ta cũng khuyến khích ăn vỏ quả đó là nho. Nho có nhiều loại khác nhau. Nho Sapa, Ninh Thuận, nho Trung Quốc, Úc, Mỹ, Hàn Quốc… Màu của chúng cũng đa dạng từ đỏ, đen tới xanh. Tất thảy chúng đều được xếp vào nhóm các loại quả nên ăn cả vỏ. Gốc gác của lời khuyên khoa học này đến từ các kết quả nghiên cứu. Một trong số đó là bản nghiên cứu của nhóm nhà khoa học từ tạp chí Nghiên cứu phân tử (Molecular Sciences) năm 2010. Các tác giả cho rằng trong các phần của quả nho như vỏ quả, thịt quả và hạt của quả nho thì vỏ quả nho có thể “chấp” tất cả các bộ phận khác nếu so sánh về khả năng chống oxy hóa. Tổng dung lượng chống oxy hóa của vỏ quả nho đạt cao nhất. Đó là vì trong vỏ quả chứa nhiều các chất như proanthocyanidin, anthocyanin, flavonol, flavanol, resveratrol và axít phenolic. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là là proanthocyanidin. Các chất trên có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa, dự phòng bệnh tim mạch, bệnh ung thư, chống viêm nhiễm, chống lại nguy cơ nhiễm khuẩn. Từ đó người ta có một niềm tin mãnh liệt là ăn vỏ quả nho thì tốt hết sảy.

Một thứ quả khác cũng có lời khuyên ăn cả vỏ đó là cà chua. Cà chua thường được chọn làm thực phẩm hơn là ăn quả tươi giống như nho và táo. Nhưng một số người và một số quốc gia vẫn thích ăn cà chua tươi, đặc biệt là các nước phương tây, rất chuộng cà chua “bi” (một loại cà chua nhỏ giống như hòn bi). Mọi người đều thích ăn cà chua và đều khoái cả vỏ của nó. Bởi lẽ người ta có bằng chứng cho rằng vỏ quả rất ích lợi. Cứ 1kg vỏ quả thì có thể cho ra 500mg lycopen, một hoạt chất vàng được giới khoa học ca ngợi hết lời. Vỏ quả sở hữu một dung lượng khá khả năng chống oxy hóa. Tổng dung lượng chống oxy hóa của nó bằng khoảng 1/3 so với dung lượng chống oxy hóa của nho. Chủ yếu nhất trong khả năng chống oxy hóa đó chính là lycopen. Những con số này được nhóm các nhà khoa học Romani đưa ra năm 2017. Lycopen được tin mãnh liệt rằng rất có tác dụng ngừa ung thư và bệnh tim mạch. Mạnh đến nỗi giới chức phương tây cũng như các nhà dinh dưỡng khối các quốc gia thịnh vượng còn chia khẩu phần ăn có tính đến cả lycopen, điều mà người dân Việt Nam vẫn còn “chả biết và chả quan tâm”.

Lẽ tất nhiên, danh sách các loại quả được liệt kê nên ăn cả vỏ còn dài dài. Và vì nhiều dẫn chứng, bằng chứng, con số và lý lẽ khác nhau, người ta đều cho rằng ăn vỏ quả là tốt, rất tốt và cứ thế mà dùng, đừng suy nghĩ.

Quên chưa bỏ sạn

Xét gốc gác ngọn ngành khoa học thì đúng là việc ăn quả cả vỏ thực “không thể cãi nổi”. Nhưng thực ra, chúng ta đã cố tình, vô ý hoặc đôi khi là không biết những góc khuất của việc cứ để vỏ mà ăn. Việc ăn cả vỏ cũng có những tác dụng trái ngược của nó. Có khi chúng ta chưa kịp thừa hưởng tác dụng tốt thì đã vác nguy.

Có nên ăn vỏ quả không?Tuy nhiên cần cân nhắc về việc thuốc trừ sâu có khả năng lưu lại trên vỏ quả

Nguy cơ thứ nhất – thuốc trừ sâu. Với các quốc gia khác thì tôi không dám chắc, và cũng có lẽ cũng không thể có 100%, là các quốc gia không sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Vừa rồi (đầu tháng 5/2018), Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) còn ra một sắc lệnh hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp vì lo ngại số lượng con ong ở châu Âu bị giảm xuống. Như thế là, thuốc trừ sâu vẫn tồn tại ở các quốc gia vốn được coi là sạch sẽ và chuộng ngành nông nghiệp với thực phẩm hữu cơ. Còn ở Việt Nam, vốn là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, vi sinh vật và sâu bọ phát triển mạnh thì khó mà loại bỏ thuốc sâu hoàn toàn. Vì sâu bọ và vi sinh vật vốn là đặc sản của khí hậu vùng miền. Dùng thuốc trừ sâu thì ắt sẽ có thuốc trên hoa và quả. Người ta sẽ phun với nồng độ khác nhau. Đồng ý quan điểm thuốc trừ sâu chỉ bám lên vỏ quả, sau đó sương xuống nó sẽ trôi đi. Thuốc bám chủ yếu vào lá và cây là chủ yếu. Nhưng đó chỉ là lý lẽ, thuốc vẫn còn lưu đầy trên vỏ, nhất là loại quả có cuống sâu, với dư lượng khác nhau theo thời gian. Sau 3 ngày, thuốc trừ sâu giảm đi gần 70%. Sau 7 ngày thuốc trừ sâu sẽ biến mất trên lớp vỏ. Còn sau 1 ngày thì gần như còn 80% so với khi vừa phun xong. Thế nhưng, thật khó ở nước người trồng có thể đợi đến 7 ngày sau mới thu hoạch. Người ta còn thu hoạch sớm hơn thời điểm đó nhiều ngày, nhiều giờ. Vì thế, việc ăn vỏ quả lúc này lợi bất cập hại, nhất là Việt Nam và các quốc gia lân cận. Việc kiểm định chúng ta thấy trên thị trường chỉ là có sự nhìn vào của cơ quan quản lý. Còn cơ quan đó có khẳng định 100% loại quả đó có thuốc trừ sâu hay không thì không cơ quan nào dám tự tin khẳng định hoặc đứng ra bảo lãnh.

Nguy cơ thứ hai – nhiễm ký sinh trùng. Bất kể một quốc gia nhiệt đới nào, dù vệ sinh tới đâu, cũng đều mang đặc trưng có ký sinh trùng phát triển vô tội vạ. Chúng nhiều tới mức có thể vợt tay cũng được côn trùng và ký sinh trùng. Chúng là ruồi, bọ, mạt, rệp, giun, sán, nấm, mốc… trong đó, liên quan tới vấn đề đang trình bày, là giun và sán. Nếu ai đó tự hào mới nhập được hoa quả ngoại về và tự tin ăn cả vỏ thì cũng nên suy nghĩ một chút. Vì mặc dù trong lúc trồng không có ký sinh trùng thì không có nghĩa là quả cầm trên tay trước khi ăn lại không có ký sinh trùng. Không gian ngoài đường, ngoài sân, ngoài vườn, ngoài thêm nhà chúng ta đầy mầm bệnh ký sinh. Chúng là trứng của các loại giun sán lẫn trong bụi, mạt. Đưa quả táo ra không khí ngoài đường là đã có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Dù một số doanh nghiệp có khẳng định 100% không dùng phân tươi để tưới cây nhưng bụi trong không khí, gió trời, hạt đất, quần áo, bàn chân của ruồi, nhặng, ong, bướm đều có thể có mang theo vô số trứng giun sán. Vỏ quả trông nhẵn thế mà không nhẵn như thế. Chúng vẫn có những điểm gồ ghề để trứng giun và sán bám và giắt kẽ lâu dài. Chỉ cần một vết nứt, một điểm lõm, một chỗ khoét hoặc một chút núm quả còn vương lại thì có thể tập trung kha khá trứng của các loại ký sinh trùng được mệnh danh “dai như đỉa”, đã đi vào là không chịu đi ra. Nếu như bạn ăn quả tươi kèm vỏ quả thì đúng là cơ hội ngàn vàng cho vấn đề này phát sinh.

Như vậy là, việc ăn vỏ hay không ăn vỏ đều có những nguy cơ và ích lợi nhất định. Không phản đối việc ăn cả vỏ bởi nó có những ích lợi rõ ràng nhưng thực hiện nó cũng cần phải tính cả các nguy cơ đi kèm. Bài báo xin trình bày những ưu điểm và nhược điểm của một lối sống. Việc lựa chọn như nào là do bạn, quả của bạn và mức độ sạch của nó tới đâu. Là một người sử dụng thông minh, thiết nghĩ, chúng ta nên cân nhắc thật kỹ trước các nguy cơ để có lựa chọn an toàn.

BS. YÊN LÂM PHÚC


Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook