Chủ Nhật, 14/06/2020 | 22:48

Chuyển viện: Những lưu ý cho bác sĩ và người nhà bệnh nhân

Có hai tình huống lớn liên quan đến việc chuyển viện lên tuyến trên và sự hợp tác của gia đình. Hai tình huống rất trái ngược nhau, trong thực hành lâm sàng chúng ta thường gặp cả hai trường hợp. Xử lý hai tình huống này cũng có vài điểm khác biệt.

Tình huống 1: Bệnh nhân và người nhà nhất quyết đòi chuyển viện.

– Tình huống này gặp rất nhiều trong quá trình làm việc, hầu như ngày nào cũng phải giải quyết. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bác sĩ lâm sàng cũng giải quyết được một cách êm thấm.

– Sai lầm đầu tiên mà các bác sĩ hay mắc phải, là không chịu nghe hết trình bày của bệnh nhân hoặc người nhà, đã vội từ chối ngay. Điều này tạo nên ức chế tâm lý rất lớn, khiến đôi bên rơi vào thế đối nghịch ngay từ đầu cuộc tiếp xúc. Việc trao đổi trên một tâm thế ức chế và đối nghịch như thế sẽ làm cho từ ngữ đối thoại sẽ nâng dần mức thô lỗ, mức độ xúc phạm cũng nâng dần lên cho tới điểm bùng nổ. Không cần các bạn đặt mình vào vị trí của bệnh nhân hay người nhà, mặc dù nếu cảm thông được như thế sẽ tốt hơn nhiều. Các bạn chỉ quan tâm một chút đến yêu cầu của bệnh nhân để nghe cho hết lời trình bày của họ. Lắng nghe trọn vẹn yêu cầu của bệnh nhân và người nhà, đó là mấu chốt đảm bảo cho sự thành công của cuộc thảo luận.

– Luật khám chữa bệnh 2009, Điều 7,9,10,12 Chương 2 đã quy định rất rõ quyền được lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với điều kiện thực tế, quyền được từ chối điều trị của người bệnh. Theo đó, thầy thuốc không có quyền ép buộc người bệnh khám bệnh chữa bệnh trừ các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm đối với cộng đồng. Do đó, việc bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân xin được chuyển tuyến là hoàn toàn chính đáng. Ngược lại, hành vi từ chối việc cho bệnh nhân chuyển viện của thầy thuốc là phạm luật.

– Điều quan trọng nhất cần phải giải thích rõ cho bệnh nhân và gia đình biết, là sự khác nhau giữa quyền được lựa chọn cơ sở khám bệnh và quyền lợi được chi trả cho việc chọn lựa cơ sở khám chữa bệnh đó. Không phải bác sĩ nào cũng nắm được điểm khác biệt này để giải thích cho bệnh nhân.

Bạn có quyền lựa chọn nơi chữa bệnh, nhưng bạn chỉ được BHYT chi trả khi sự lựa chọn đó có lý do chính đáng và phù hợp với chuyên môn. Ngoài ra, bạn phải chi trả cho sự lựa chọn của mình. Ví dụ cho dễ hiểu khi giải thích với bệnh nhân: “Bạn có quyền uống café ở bất cứ quán nào mà bạn thích, nhưng bạn chỉ được miễn phí ở quán A, là nơi bạn đã đăng ký lúc ban đầu. Hoặc bạn cũng sẽ được trả tiền khi uống ở quán B, nếu như quán A hết café, hết chỗ ngồi… và chỉ bạn qua quán B. Ngoài các trường hợp đó ra, bạn uống quán nào cũng được, chúng tôi không cản vì đó là quyền tự do của bạn, nhưng bạn phải trả tiền.”

– Một lưu ý nữa, những người quen nhưng không phải là người thân của bệnh nhân thường hay to tiếng và thúc dục chuyển viện nhiều nhất. Gặp tình huống này, mời tất cả vào phòng, đề nghị lặp lại yêu cầu, giải thích một lần nữa về việc mất quyền lợi được BHYT thanh toán chi phí nếu chuyển theo yêu cầu. Sau đó đề nghị những người quen đó đóng góp chi phí cho bệnh nhân khi chuyển tuyến theo yêu cầu. Đảm bảo các người quen đó sẽ ra về một cách êm ái.

– Kinh nghiệm cá nhân cho thấy, khoảng 80% các trường hợp sau khi được lắng nghe, và được giải thích cặn kẽ, sẽ thông cảm ngay với nhân viên y tế. Vì được nhượng bộ một phần yêu cầu ngay từ đầu, người ta sẽ chịu ngay lời giải thích, và chấp nhận ở lại điều trị hoặc chuyển tuyến không hưởng BHYT.

– 20% còn lại, thuộc nhóm khó thuyết phục, nhất quyết đòi làm theo ý muốn, và không chịu lắng nghe bất cứ điều gì. 20% này lại hay rơi vào các trường hợp bệnh mãn tính chứ ít khi là bệnh cấp cứu. Có hai hướng giải quyết khi gặp các cases này. Nếu trong giờ làm việc, đề nghị gặp phòng CTXH hoặc bộ phận giám định BHYT thường trực ở bệnh viện để được giải thích thêm, cũng theo hướng giải thích như trên. Nếu ngoài giờ làm việc, mời trực lãnh đạo giải quyết. Thông thường, nếu được nghe cách giải thích một cách thống nhất từ tất cả các cấp độ, người bệnh sẽ hiểu ra ngay.

– Cuối cùng, có một vài trường hợp vẫn không chấp nhận giải thích, và nằng nặc đòi chuyển. Với những trường hợp hiếm hoi này, cách giải quyết tình huống hay nhất là vẫn làm giấy chuyển tuyến để tránh bùng nổ xung đột và làm lộn xộn cho công tác khám chữa bệnh. Sau đó, đề nghị lần mua BHYT tiếp theo, bệnh nhân nên mua ở cơ sở muốn khám chữa bệnh đó. Đồng thời với việc này, làm công văn báo cho BHXH phụ trách biết nội dung sự việc, đề nghị phối hợp giải quyết.

B. Tình huống 2: Người nhà xin được ở lại, dù có chỉ định chuyển viện.

– Tình huống này ít gặp hơn, dễ giải quyết hơn vì ít khi nảy sinh kiện tụng, nhưng đòi hỏi chúng ta phải giải quyết một cách nhân văn hơn. Bởi việc không có nhu cầu chuyển đến một nơi điều trị thích hợp hơn, chứng tỏ điều kiện kinh tế của gia đình khó khăn thật sự. Ở đây, loại trừ các trường hợp từ chối chuyển viện vì mâu thuẩn hoặc tranh chấp trong nội bộ gia đình, giữa thủ phạm và nạn nhân trong các vụ TNGT.

– Trong tình hình tự chủ tài chính một phần hoặc toàn bộ, ít có cơ sở y tế nào lại nghĩ tới việc chuyển tuyến chỉ vì lý do cho rảnh nợ, hoặc đẩy trách nhiệm lên tuyến trên. Tình huống này nếu có xảy ra thì cũng cực kỳ hiếm, bởi thủ tục chuyển tuyến phải có hội chẩn chuyên môn và thông qua lãnh đạo.

– Tình trạng cấp cứu, người nhà không chấp nhận chuyển tuyến mặc dù đã nghe giải thích về mức độ nặng của bệnh, trình độ chuyên môn và trang thiết bị của cơ sở. Với tình huống này, mời người nhà ký cam kết vào hồ sơ, giống như trường hợp từ chối điều trị. Đồng thời, cần huy động hết khả năng chuyên môn và trang thiết bị hiện có của cơ sở để điều trị. Có thể nhờ hỗ trợ của các cơ sở y tế lân cận về trang thiết bị, hoặc với bệnh viện tuyến trên về nhân lực chuyên môn theo chương trình 1816. Báo ngay cho phòng CTXH để có sự hỗ trợ tài chính thích hợp từ quỹ từ thiện.

– Các tình trạng bệnh khó, bệnh cần can thiệp kỹ thuật cao, bệnh ác tính không cấp cứu cần chuyển tuyến, nhưng người bệnh không có khả năng kinh tế nên từ chối. Với các trường hợp này, người bệnh sẽ chấp nhận việc điều trị triệu chứng, điều trị giảm nhẹ để kéo dài sự sống sau khi đã nghe giải thích và ký cam đoan. Nhiệm vụ còn lại của chúng ta là kết nối với các cá nhân, tổ chức từ thiện, các chương trình thử nghiệm phương pháp điều trị mới, các bệnh viện có chương trình nghiên cứu,…. Nhiệm vụ này, các bác sĩ điều trị ít khi làm đơn độc mà thành công, cần có sự phối hợp với phòng CTXH.

Yhocvn.net (Trích theo Bs. Võ Phạm Trọng Nhân)

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Truyền thông nội bộ – chìa khóa thành công của đơn vị

+ Tăng sự tập trung cho nhân viên y tế để bệnh viện hoạt động hiệu quả, an toàn

+ Quản trị nguồn nhân lực bệnh viện, phòng khám

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook