Chảo chống dính vẫn đang dẫn dầu danh sách các loại chảo được ưa chuộng vì sự tiện dụng của chúng trong việc nấu nướng. Vì vậy, thông tin chảo chống dính có chứa các chất gây ung thư đang khiến nhiều bà nội trợ hoang mang.
Teflon là gì?
Teflon là tên của một chất hóa học nhân tạo được gọi là polytetrafluoroethylene (PTFE) do nhà khoa học Roy Plunkett (1910-1994) khám phá vào năm 1938. Sản phẩm nầy được hãng DuPont tung ra thị trường từ năm 1946. Đây là một hóa chất hữu cơ chứa fluor, có tính chất chịu nhiệt và không kết dính. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng nấu nướng làm rút ngắn thời gian làm bếp của những bà nội trợ.
Đặc tính độc đáo của PTFE là hệ số cọ sát (coefficient of friction) của chất nầy thấp nhất đối với tất cả các kim loại hiện diện trên trái đất. Do đó nó có thể được dùng như một lớp áo tráng bên trong nồi niêu trong kỹ nghệ nấu nướng.
Vì hệ số cọ sát thấp, PTFE còn được dùng trong kỹ nghệ không gian và trong kỹ nghệ tinh luyện uranium, áo giáp chống đạn, vật cách điện…
Nhiều thông tin cho rằng Teflon gây ung thư ở người. Tuy nhiên, cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) duy trì hệ thống thông tin tích hợp rủi ro (IRIS), một cơ sở dữ liệu điện tử có chứa thông tin về ảnh hưởng sức khỏe con người khi tiếp xúc với các chất khác nhau trong môi trường đã không chính thức phân loại Teflon là tác nhân để gây ung thư.
Theo TS. Phạm Thành Quân, Đại học Bách Khoa TP.HCM, dùng Teflon tráng lên đáy chảo khi đun với nước sôi không xảy ra bất kỳ tác dụng nào. Với các loại dầu ăn, muối, giấm,… cũng không xảy ra hiện tượng gì. Cho dù không cho dầu mỡ mà trực tiếp rán cá, trứng trong chảo cũng không xảy ra phản ứng nào.
Ngoài ra, liên kết này còn tạo ra sức căng trên bề mặt nồi, chảo. Chính sức căng này làm cho dầu mỡ, thực phẩm không bị bám dính vào bề mặt nồi, chảo, dễ dàng chùi rửa, tiết kiệm thời gian, hạn chế lượng dầu mỡ khi chế biến thức ăn.
Teflon ở nhiệt độ bình thường thì không có hại gì, nhưng khi đốt nóng lên từ 300-500 độ C thì hợp chất chống dính này sẽ tạo ra lớp khói có chứa các phức chất Perfluoisobutylene, Perfluorooctanoic Acid PFOA và Carbonylcloride – là những chất độc gây tức ngực, khó thở…. Trong khi đó, nhiệt độ nấu ăn thông thường chỉ dao động trong khoảng 130-190 độ C, thường không vượt quá 250 độ C. Vì vậy, về bản chất, PTFE hay Teflon không gây phản ứng nhiều với cơ thể con người.
Tuy nhiên, phần độc hại chính là phần keo dính chất Teflon vào bề mặt kim loại. Phần keo này là chất dễ phân hủy bởi nhiệt, tạo ra các chất nguy hại cho con người khi ở nhiệt độ cao. Nếu dùng lâu dài, chất bám dính sẽ bong tróc ra, không liên kết được Teflon với bề mặt kim loại. Khi đó, không nên tiếp tục dùng.
Nói không với hàng kém chất lượng
Trên thị trường hiện nay có những loại chảo chỉ được tráng một lớp sơn mỏng chịu nhiệt sơ sài trên bề mặt kim loại.
Loại kém nhất là các loại nồi, xoong, chảo, khay, vỉ nướng… được làm bằng tôn hoặc sắt mỏng và chỉ phủ một lớp chống dính bằng chất silicon đen bóng rất mỏng. Loại khá hơn thì được phủ một lớp dày từ 2mm trở lên, nhìn vào có màu sậm và như có ánh bạc.
Chảo chống dính loại tốt có công nghệ phun phủ rất đặc biệt: lớp nhôm nền sau khi tẩy rửa còn được phủ thêm một lớp gai thép không gỉ để làm chân, sau đó mới phủ hợp chất chống dính dày tối thiểu là 3mm; lớp phun phủ này thường được định hình bằng cách ép thành vân hình song song hay ca-rô, sức chịu nhiệt và chịu ma sát cao.
Thoạt nhìn, những loại chảo kém chất lượng này không khác nhiều so với các loại chảo chống dính chính hãng, nhưng khi nấu ở nhiệt độ cao, lớp khói độc thoát ra từ loại chảo này sẽ gây hại cho sức khỏe với các biểu hiện như tức ngực, khó thở, nếu dùng thường xuyên.
Vì vậy, để sử dụng an toàn các sản phẩm chống dính, cần lưu ý: không nên nấu nướng ở nhiệt độ quá cao, đun nấu quá lâu, không dùng các vỉ nướng trực tiếp trên bếp để nướng thực phẩm; không đốt nóng nồi, xoong, chảo… không trên bếp mà luôn phải có thực phẩm hoặc dầu ăn đựng trong đó; các sản phẩm chống dính khi đã tróc xước thì không nên dùng để nấu nướng nữa.
Lưu ý khi dùng chảo chống dính
– Trước khi sử dụng lần đầu nên rửa chảo sạch bằng nước xà phòng, sau đó dùng 1-2 thìa cà phê quét lên mặt chảo và đem hâm nóng chảo. Cứ 10-12 lần sử dụng lại thao tác bảo dưỡng như trên 1 lần. Càng làm nhiều, càng liên tục thì khi rán không bị dính và khi rửa sẽ dễ dàng hơn.
– Nên tận dụng tối đa bề mặt chảo khi rán.
– Nên dùng thìa bằng gỗ hoặc nhựa để cạo hoặc thao tác nặng trên mặt chảo.
– Nên mở cửa và làm thông thoáng bếp khi đun nấu. Bằng cách này, bạn có thể loại bỏ bớt các khí độc do chất chống dính thải ra.
– Không nên dùng vật liệu gây mòn để rửa chảo và nên dùng nước tẩy mềm, khăn mềm để vệ sinh. Nên rửa sạch không để cặn lắng trong chảo, nhất là các chất mặn, nếu có những vết đốm trắng trên mặt chảo (do muối gây ra) nên dùng miếng chanh cắt nhỏ lau sạch, sau đó rửa sạch bằng nước lã.
– Không dùng chảo ở nhiệt độ cao, ở khoảng 260độ C, chất chống dính bắt đầu bị phân hủy, giải phóng các phân tử độc hại.
– Không nên dùng chảo chống dính để nướng hay rang khô thịt.
– Cuối cùng là không sử dụng khi xoong chảo đã bị trầy xước và bong lớp chống dính.
– Dùng chảo quá 1-2 năm, nên xem xét đến việc thay chảo mới. Khi lớp phủ chống dính bong cũng nên thay chảo mới.
Hiểu Đan
Chưa có bình luận.