Một cặp chị em sinh đôi dính liền thân đã bị chính các y bác sĩ bắt cóc từ lúc mới ra đời, bị đem đi làm vật thí nghiệm và trải qua vô số nỗi kinh hoàng trong suốt thời thơ ấu. Khi trưởng thành, một người đã bị biến thái nhân cách nhưng người còn lại thì tốt đẹp như một thiên thần.
Câu chuyện gây chấn động này chưa từng được tiết lộ cho đến khi một phóng viên người Anh có tên Juliet Butler tìm ra các bằng chứng và trực tiếp ghi lại qua lời kể của hai chị em sinh đôi Masha – Dasha.
Masha và Dasha – cặp chị em sinh đôi người Nga, là một trong những trường hợp sinh đôi hi hữu trên thế giới, khi họ là hai cơ thể dính liền, chung hệ thống máu nhưng lại có hệ thần kinh riêng biệt. Cũng bởi những đặc điểm này mà họ đã trở thành vật thí nghiệm lý tưởng đối với ngành Y.
Hai chị em sinh đôi Masha – Dasha bị bắt cóc từ khi mới sinh ra để làm vật thí nghiệm trong bệnh viện.
Vào một ngày tháng Giêng năm 1950, hai em bé Masha và Dasha chào đời trong bệnh viện. Ngay sau khi mổ lấy thai từ người phụ nữ có tên Yekaterina Krivoshlyopova, cặp chị em sinh đôi dính liền đã bị tách ra khỏi mẹ mình, bị đưa đến Viện hàn lâm Khoa học Y khoa ở Moscow để trở thành vật thí nghiệm.
Trong suốt những năm tháng ấu thơ, hai chị em sinh đôi liên tục phải hứng chịu đau đớn khủng khiếp bởi những cuộc thí nghiệm vô nhân đạo, mà đúng hơn là những màn tra tấn kinh hoàng được dán lên cái mác đẹp đẽ là “thí nghiệm y khoa”.
Trong khi bà Yekaterina vô cùng đau khổ vì nghe thông báo từ các y tá hộ sinh rằng con mình đã chết ngay từ lúc lọt lòng, thì thực ra lúc đó, hai chị em Masha – Dasha đang phải trải qua những ngày tháng kinh hoàng mà không ai có thể tưởng tượng nổi.
Tại các phòng thí nghiệm, hai chị em đã bị đốt bằng lửa, cho vào hầm đông lạnh, bị bỏ đói, bị giật điện, không cho ngủ trong nhiều ngày, bị tiêm chất phóng xạ… để thử phản ứng. Có đôi khi, một trong hai chị em sẽ bị chích kim vào cơ thể để kiểm tra phản xạ của người còn lại, hoặc một người bị dìm xuống bồn nước lạnh để kiểm tra sự thay đổi nhiệt độ của người kia.
Chỉ mãi cho đến khi cặp sinh đôi 6 tuổi thì tần suất bị tra tấn mới giảm dần đi, đến 8 tuổi thì họ được chuyển đến trường nội trú dành cho trẻ em bị suy yếu vận động ở miền Nam nước Nga. Nhưng những cuộc thí nghiệm tàn bạo tiếp tục được giữ bí mật và vẫn diễn ra trong suốt 12 năm, đến khi các cô gái đáng thương đã trở thành thiếu nữ và các nhà khoa học đã hoàn thành tất cả các loại thí nghiệm y học mà họ muốn làm. Bấy giờ hai chị em sinh đôi mới được thả ra và đưa đến sống ở các khu nhà tình thương do nhà nước quản lý.
Bức ảnh chụp khi Masha và Dasha tròn 6 tuổi, sau khoảng thời gian này thì những cuộc thử nghiệm tàn ác đối với các em mới bắt đầu giảm dần đi.
Phóng viên Juliet Butler đã miêu tả lại trong cuốn sách viết về cuộc đời của cặp sinh đôi Masha – Dasha như sau: “Nơi đó thật khủng khiếp và tối tăm, nó nằm phía sau những bức tường cao hoang lạnh với dây thép gai và cổng bảo vệ. Phòng của họ là một căn buồng chật hẹp đến thảm hại, với một cái giường đơn cho cả hai người. Họ nằm mỗi người ở một đầu giường còn chân thì phải thả rơi xuống đất.”
Mặc cho phải trải qua những nỗi thống khổ tưởng như không bao giờ ngừng dứt, nhưng hai chị em Masha – Dasha vẫn luôn trân trọng từng ngày được sống, luôn vui vẻ tận hưởng cuộc đời. Có lẽ vì vậy, sự ưu ái cuối cùng mà cuộc đời dành cho họ là ban tặng nhiều hơn những năm tháng cuối cùng. Sau này, họ trở thành cặp sinh đôi dính liền sống lâu nhất thế giới.
Một điều đáng kinh ngạc hơn ở cặp sinh đôi này là sự phát triển nhân cách của mỗi người sau đó.
Cùng phải trải nghiệm những đau đớn và bất hạnh tột cùng, nhưng trong khi người chị Masha không thể hàn gắn những tổn thương và trở thành một người biến thái nhân cách, thì cô em Dasha lại giữ được một tâm hồn thánh thiện, tuyệt vời đến mức đáng kinh ngạc.
Trong khi chị gái Masha (bên phải) trở thành một người bị biến thái nhân cách, thì cô em Dasha (bên trái) lại mang một tâm hồn thánh thiện tuyệt vời.
Kể về những nỗi đau đớn, bất công mà hai chị em đã phải trải qua, người chị Masha thường không thể giấu nổi nỗi căm hờn và phẫn nộ, cô hay la hét và chửi bới mỗi khi nhớ đến những tháng ngày kinh khủng mình đã phải trải qua. Còn Dasha thì hoàn toàn ngược lại, với trái tim dịu dàng và quá đỗi bao dung, cô chỉ nhẹ nhàng bày tỏ: “Đó không phải lỗi của họ, họ chỉ làm công việc của mình thôi mà.” Dasha cho biết cô chỉ thích nghĩ về những kỷ niệm hạnh phúc trong quá khứ, ví dụ như có lần một y tá đã đưa đồ chơi cho hai chị em cô.
Giống như bao người khác, Dasha ngọt ngào cũng đã từng có tình yêu. Đó là một cậu bé có tên Slava, một trong số bạn bè của cô ở trường dành cho người khuyết tật.
Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, Dasha khao khát có được một cuộc sống bình thường, ước ao được ở bên người con trai mình yêu thương thật sự. Lần đầu tiên cô thiếu nữ rụt rè bộc bạch suy nghĩ muốn được tách khỏi cơ thể dính liền với chị gái Masha.
Dù đã nhiều lần ước ao có một cuộc sống bình thường, được phẫu thuật tách đôi 2 cơ thể, nhưng Dasha bị chị gái Masha kiên quyết từ chối.
Với những tiến bộ của y học, nhiều bác sĩ đã đưa ra lời đề nghị phẫu thuật tách rời cơ thể cho hai chị em, và đó là niềm hi vọng khiến cho Dasha vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, mong ước cả đời và tình yêu duy nhất của cô gái đáng thương đã bị chị gái Masha thẳng thừng từ chối: “Ngoài tôi ra sẽ không ai được sở hữu Dasha.”
Theo lời kể của bà Juliet, trong khi Dasha vô cùng nữ tính, trầm ổn, khiêm tốn và dễ tha thứ, cảm thông, thì Masha lại là một người chị ích kỷ, kiêu ngạo, hay bắt nạt và nhiều sân hận. Mặt khác, Masha là một người đồng tính, nên cô thường bắt em gái phải cắt tóc ngắn, phải mặc quần áo theo ý mình, dù biết Dasha luôn mong muốn được để tóc dài và mặc những bộ đồ xinh đẹp.
Dù đã bị Masha lạm dụng về tình cảm trong suốt cuộc đời, nhưng cho đến những giờ phút cuối cùng, Dasha vẫn giữ vững một tình cảm chân thành và ấm áp dành cho chị gái. Chẳng có ngọn lửa nào trong quá khứ đủ sức để thiêu đốt được tình yêu thương của cô gái Dasha, chẳng một loại hóa chất tàn ác nào của phòng thí nghiệm có khả năng đầu độc trái tim thuần khiết chỉ chứa đầy sự bình yên và tha thứ.
Về sau, khi câu chuyện của cặp sinh đôi được đưa lên sóng truyền hình vào năm 1988, nó đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ và cảm thương từ công chúng. Thế nhưng, giới truyền thông lại viện dẫn ra những câu chuyện bịa đặt để bóp méo hình ảnh của hai chị em Dasha – Masha, khiến cho hầu hết người dân Nga thời bấy giờ nghĩ rằng họ là một cặp sinh đôi biến thái, luôn say xỉn và sống đời phóng túng.
Vì lý do đó, cuốn tự truyện của hai chị em không bao giờ được xuất bản ở Nga, chỉ đến sau này khi phóng viên Juliet viết lại nó bằng tiếng Anh thì câu truyện về Masha – Dasha mới được biết đến rộng rãi. Nó được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều quốc gia như Anh, Áo, Đức, Nhật Bản…
Đến ngày 17 tháng 4 năm 2003, Masha chết vì một cơn đau tim, nhưng Dasha đã không được nhận bất cứ sự trợ giúp nào về y tế, thậm chí không một ai gọi xe cứu thương cho hai người phụ nữ trong lúc khốn cùng. Vì không được phẫu thuật tách khỏi chị gái và bị nhiễm độc máu từ phần cơ thể đã chết của Masha, Dasha đã qua đời sau đó 17 giờ.
Cuộc đời đầy ám ảnh và bi thương của hai chị em sinh đôi Masha – Dasha là một tiếng khóc than cho nhân quyền, cho công lý, cho nhân tính và lương tâm của xã hội loài người.
Nếu như trong mỗi chúng ta, ai cũng có đầy đủ hai phần Thiện – Ác, thì dường như ở cặp sinh đôi này, sự phân hóa tính cách lại trở nên tách biệt rõ ràng. Mà trong đó, mỗi một ưu điểm của Dasha đều có thể trở thành một nguồn cảm hứng sống tích cực, tràn đầy năng lượng của sự khoan dung, ấm áp và yêu thương.
Còn Masha, xin cảm ơn Masha đã mang đến cho cuộc đời một tấm gương về sức mạnh hủy hoại của lòng sân hận. Bất mãn, hận thù cũng đồng nghĩa với việc đầu hàng số phận, là ngọn lửa thiêu đốt tất cả lòng tin yêu và kéo chúng ta rơi xuống vực sâu không đáy của sự tàn phá tâm hồn.
Theo Thoidai
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.