Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:10

Cấp cứu cơn đau quặn thận do sỏi

Sỏi thận là bệnh lý thường gặp, nguyên nhân thường do tích tụ các chất khoáng calcium, oxalate, cystine hoặc acid uric trong nước tiểu. Bệnh thường gặp ở nam giới với tỷ lệ cao hơn (tỷ lệ nam cao gấp 3 lần ở nữ). Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên độ tuổi hay gặp nhất là 20-50 tuổi. Khi sỏi vào trong niệu quản gây tắc nghẽn dòng nước tiểu, đặc biệt khi sỏi di chuyển sẽ gây cơn đau quặn thận. Đây là cơn đau rất cấp tính, dữ dội thường yêu cầu xử trí cấp cứu.

Đặc điểm nhận biết cơn đau quặn thận

Cơn đau quặn thận thường xuất hiện sau một gắng sức với đặc điểm đau vùng hỗ thắt lưng, đau lan phía trước vùng hạ sườn phải hoặc hạ sườn trái, lan xuống vùng bẹn, vùng sinh dục ngoài. Đau dữ dội không có thư thế nào giảm đau. Đau toát mồ hôi, đôi khi buồn nôn, nôn, mót đi ngoài, buồn đi tiểu, bụng chướng, mặt tái nhợt. Cơn đau thường kéo dài 20-60 phút, thậm chí lâu hơn trong vài giờ. Đau có thể kèm theo đái máu, sốt hoặc ớn lạnh.

Một số triệu chứng khác gợi ý tình trạng nặng như sốt cao trên 38,50C, đau nặng dữ dội, không đi tiểu được, nôn nhiều không kiểm soát được. Khi có một trong các triệu chứng trên cần nhập viện cấp cứu.

Chẩn đoán cơn đau quặn thận do sỏi

Dựa vào đặc điểm cơn đau bụng

Dựa vào kết quả xét nghiệm nước tiểu và chẩn đoán hình ảnh.

– Xét nghiệm nước tiểu:

Thường phát hiện có hồng cầu niệu. Nhiều trường hợp có thể có bạch cầu, protein niệu.

– Siêu âm ổ bụng:

Thấy giãn đài bể thận, giãn niệu quản, hình sỏi cản âm (đo được kích thước sỏi). Trong một số trường hợp sỏi nhỏ hoặc sỏi đoạn thấp (1/3 dưới niệu quản hoặc sát thành bàng quang) có thể không thấy sỏi chỉ thấy dấu hiệu giãn đài bể thận gián tiếp.

– X-quang hệ tiết niệu:

Thấy hình sỏi cản quang nằm trên đường đi của hệ tiết niệu (nếu là sỏi cản quang)

– Chụp CT scanner bụng:

Cho phép thấy được sỏi với độ chính xác cao được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ chẩn đoán mà siêu âm không thấy sỏi.

– Chụp cản quang hệ tiết niệu (UIV):

Có giá trị trong chẩn đoán sỏi và đánh giá chức năng thận.

Điều trị cơn đau quặn thận

Phụ thuộc vào vị trí và kích thước sỏi. Nếu là sỏi nhỏ (đường kính dưới 4mm), bệnh nhân không đau nhiều (đáp ứng với các thuốc giảm đau đường uống) không nôn, đi tiểu được, ăn uống được có thể được điều trị tại nhà. Nếu sỏi lớn (trên 4mm) hoặc bệnh nhân có các triệu chứng nặng cần nhập viện điều trị.

1. Điều trị tại nhà

– Thuốc giảm đau chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen

– Các thuốc khác làm giãn cơ giúp sỏi dễ di chuyển ra ngoài như tamsulosin

– Thuốc kháng sinh nếu có biểu hiện nhiễm khuẩn tiết niệu.

– Uống nhiều nước

2. Điều trị tại bệnh viện

Dùng các thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ, kháng sinh theo tình trạng bệnh nhân.

Các phương pháo loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể:

– Tán sỏi ngoài cơ thể: chủ yếu dùng phá vỡ sỏi ở niệu quản 1/3 trên. Thường yêu cầu gây tê, giảm đau. Phương pháp này không hiệu quả trong điều tị các sỏi lớn, cứng.

– Tán sỏi ngược dòng qua nội soi: dùng ống nội soi nhỏ có gắn camera đi qua niệu đạo – bàng quang vào niệu quản. Tán sỏi bằng lase hoặc bằng hơi.

– Mổ nội soi lấy sỏi: với các sỏi lớn hoặc tán sỏi thất bại.

Dự phòng sỏi: cần xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để tìm bản chất sỏi và các yếu tố nguy cơ tạo sỏi. Uống nhiều nước giúp tăng lưu lượng nước tiểu để hạn chế tạo sỏi. Cần uống trên 2 lít nước mỗi ngày.

1. Nếu là sỏi calcium

– Ăn nhạt, tránh anh nhiều thịt

– Ăn chế độ ăn giàu calcium, có thể bổ sung thêm calcium

2. Nếu là sỏi urat: giảm lượng acid uric trong máu bằng các thuốc tăng thải acid uric như gây kiềm hóa nước tiểu, dùng các thuốc giảm tổng hợp acid uric (allopurinol).

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp, bệnh viện Bạch Mai

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Nguyên nhân, triệu chứng bệnh sỏi thận

+ Nhận diện những người có nguy mắc bệnh sỏi thận cao

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook