Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng được nâng cao, trong khi đó mới chỉ có hơn 20% số người cao tuổi có lương hưu, trong đó đa số có mức lương hưu thấp, chưa đáp ứng mức sống tối thiểu. Điều này đòi hỏi các chính sách bảo hiểm hưu trí của Việt Nam cần thay đổi để nâng cao mức sống, bảo đảm an sinh cho người về hưu cũng như người cao tuổi.
Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng được nâng cao, trong khi đó mới chỉ có hơn 20% số người cao tuổi có lương hưu, trong đó đa số có mức lương hưu thấp, chưa đáp ứng mức sống tối thiểu. Điều này đòi hỏi các chính sách bảo hiểm hưu trí của Việt Nam cần thay đổi để nâng cao mức sống, bảo đảm an sinh cho người về hưu cũng như người cao tuổi.
Thách thức trong bảo đảm an sinh
Việt Nam bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những nước có tỷ lệ già hóa rất nhanh trên thế giới. Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tuổi thọ của người Việt Nam tăng gấp 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh lại chưa cao, trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống và 95% số người cao tuổi có bệnh (một người mắc 2,69 bệnh), chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Phần lớn người cao tuổi có đời sống hết sức khó khăn, sống dựa vào sự chăm sóc của xã hội, con cháu hoặc tự làm việc mà không có tích lũy. Trong khi đó, chỉ 30% số người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước; 30% số người cao tuổi không có bảo hiểm y tế (BHYT).
Có thể thấy, tỷ lệ người cao tuổi sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Việt Nam ngày càng đối mặt thách thức về già hóa dân số và việc bảo đảm an sinh cho người cao tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, nhiều người già vẫn phải phụ thuộc kinh tế vào các thành viên trong gia đình, sức khỏe yếu và hay mắc các bệnh mãn tính và cấp tính. Các chính sách kinh tế – xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT cần được xây dựng, sửa đổi cho phù hợp với xu hướng dân số ngày càng già để bảo đảm, người già không bị lãng quên và khuyến khích sự đóng góp của người cao tuổi cho cộng đồng, xã hội.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, nước ta có khoảng 11 triệu người tham gia BHXH, phần lớn là lao động trong khu vực chính thức và người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ bao phủ lương hưu đối với người cao tuổi không cải thiện nhiều, đối tượng thụ hưởng tăng nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh, cho nên tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu đang có xu hướng giảm. Từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ người cao tuổi được nhận lương hưu và trợ cấp xã hội đã giảm hơn 1,24%; có tới 62,5% số người cao tuổi chưa có lương hưu hoặc trợ cấp tuổi già (hiện có khoảng 4,154 triệu người cao tuổi đang được lĩnh lương hưu và trợ cấp).
Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trần Thị Thúy Nga cho biết, một trong những định hướng cải cách chính sách lương hưu trong thời gian tới là mở rộng diện bao phủ, bao gồm cả hình thức bắt buộc và tự nguyện. Cụ thể, mở rộng diện bao phủ lương hưu cho người cao tuổi, khuyến khích các hình thức tự tiết kiệm, tham gia quỹ hưu trí, mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ… Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, có 50% số người lao động tham gia BHXH. Bên cạnh đó, sẽ có các giải pháp để cải thiện mức hưởng lương hưu, mà trước hết, Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 đã chính thức có hiệu lực sẽ nâng dần mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời tiến tới xây dựng hệ thống lương đa trụ cột, tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung…
Cần sớm thực hiện quỹ hưu trí bổ sung?
Theo thống kê, tính đến tháng 6-2015, cả nước có khoảng 2.150.000 người hưởng lương hưu với mức lương bình quân 3,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, hơn 790.000 người nghỉ hưu trước năm 1995 hưởng lương từ ngân sách nhà nước và gần 1.360.000 người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi hưởng lương từ Quỹ BHXH. Theo Phó Vụ trưởng Vụ BHXH Trần Hải Nam, với quy định của Luật BHXH, tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Vì vậy, phần lớn người lao động khi về hưu hiện có mức lương hưu thấp, không đủ sống. Để nâng cao điều kiện sống, ngoài mức lương hưu được nhận hằng tháng đã đóng theo BHXH bắt buộc, người lao động có thể có thêm một khoản thu nhập bằng cách tham gia đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Trên thực tế, tại Việt Nam đã có một số công ty như: Unilever, Dutch Lady, Nestle… áp dụng hình thức đãi ngộ người lao động về khoản lương hưu bổ sung trong tương lai để khuyến khích họ làm việc lâu dài cho doanh nghiệp, thông qua việc trích lập quỹ hưu trí bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để chi trả lương hưu bổ sung cho người lao động khi họ hết tuổi lao động.
Hiện nay, dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BHXH năm 2014 về bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được lấy ý kiến để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đồng chí Trần Hải Nam, trước khi đưa ra đề xuất bảo hiểm hưu trí bổ sung, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã khảo sát thu thập ý kiến và nhu cầu của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp có nhu cầu về vấn đề này và cũng đã có một số doanh nghiệp triển khai thực hiện, tự tạo lập quỹ hoặc thông qua một số đơn vị quản lý. Nghị định này được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện việc đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung một cách thống nhất. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, là một trong những phương thức, chính sách mà doanh nghiệp có thể sử dụng để thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm. Loại hình bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng góp phần bảo đảm lợi ích của người lao động, hài hòa lợi ích của cả hai bên.
Trên thế giới hiện có rất nhiều nước, nhất là các nước phát triển xây dựng chế độ hưu trí đa tầng với các tầng chính như: Hưu trí cơ bản (thực hiện bắt buộc, có sự tham gia của người lao động- như BHXH bắt buộc), hưu trí bổ sung (bổ sung cho hưu trí cơ bản, có sự tham gia của người lao động) và hưu trí tự nguyện (thực hiện hoàn toàn tự nguyện xuất phát từ nhu cầu và khả năng của người lao động và chủ yếu mang tính tiết kiệm, không có sự chia sẻ rủi ro).
Tại khoản 7 Điều 3 Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 quy định: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Nhân dân điện tử
Chưa có bình luận.