Thứ Sáu, 03/04/2020 | 00:55

Bộ Y tế công bố phác đồ điều trị SARS-CoV-2 (COVID-19): tập trung điều trị suy hô hấp

Bộ Y tế vừa công bố phác đồ điều trị  viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) tập trung điều trị suy hô hấp.

Bộ Y tế công bố hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới thay thế hướng dẫn ngày 6/2/2020. Có rất nhiều điểm mới trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 phiên bản lần thứ 3.

Tập trung chính là điều trị suy hô hấp

Hướng dẫn này đã thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ vì tình hình dịch tễ đã thay đổi, có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại các địa phương ở Việt Nam; bỏ các định nghĩa ca bệnh có thể vì năng lực xét nghiệm cao hơn trước.

Nguyên tắc điều trị chung của COVID-19:

Tập trung chính là điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về oxy liệu pháp, đích oxy máu. Với ca bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn.

Thời kỳ phục hồi sau khi giai đoạn toàn phát từ 7-10 ngày, nếu không có ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển), người bệnh sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh. Trong đó hướng dẫn sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm; theo dõi tiến triển hằng ngày X-quang phổi của bệnh nhân để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/tiến triển nặng của bệnh. Theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam thời gian qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.

Hiện chưa có bằng chứng về các biểu hiện lâm sàng khác biệt của COVID-19 ở phụ nữ mang thai. Riêng với trẻ em, các biểu hiện lâm sàng đa số nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi. Tỷ lệ bệnh nặng, nguy kịch ở trẻ em ít gặp hơn ở người lớn.

+ Ca bệnh nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ):

Điều trị tại các phòng điều trị nội trú thông thường.

+ Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết):

Đối với ca bệnh nặng cần được điều trị tại phòng cấp cứu của các khoa hoặc khoa hồi sức tích cực.

+ Ca bệnh nặng nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan):

Cần được điều trị tại phòng hồi sức tích cực. Nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể, chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh nặng, nguy kịch. Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Về các thuốc kháng virus đặc hiệu (như lopinavir/ritonavir, chloroquine, hydroxychloroquine, remdesivir…):

Do chưa có đủ các bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị COVID-19 nên chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị (ngoài phạm vi sử dụng trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam). Bộ Y tế sẽ ra các khuyến cáo bổ sung dựa trên những kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam tới đây.

Tiêu chuẩn ra viện:

Bệnh nhân hết sốt ít nhất 3 ngày, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.Cải thiện các dấu hiệu lâm sàng, cần có hai mẫu liên tiếp bệnh phẩm đường hô hấp (cả dịch tỵ hầu và dịch họng), lấy cách nhau >= 24 giờ âm tính với SARS-CoV-2.

Sau khi ra viện:

Người bệnh tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày nữa. Người bệnh cần được ở phòng riêng thoáng khí, đeo khẩu trang, ăn riêng, vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình và không được ra ngoài. Theo dõi sát thân nhiệt 2 lần/ngày, khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.

Ngoài ra, cập nhật tên bệnh và tên virus: theo hướng dẫn trước gọi chung là nCoV, giờ gọi lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới là SARS-CoV-2.

Yhocvn.net

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ 5 thuốc điều trị Sars-coV-2 (corona virus) chủng mới được Hàn Quốc cấp phép thử nghiệm

+ Không nên dùng buồng khử khuẩn để ngăn virus corona (Sars-coV-2) thời điểm này?

+ Chuyện thật như đùa: cho xuất viện nhầm bệnh nhân dương tính với Covid-19

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook