Thứ Hai, 29/01/2024 | 17:20

Viêm ruột là tình trạng ruột non bị viêm. Nguyên nhân thường do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng (ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày), còn do bức xạ, thuốc hoặc bệnh toàn thân khác.

Tổng quan

Viêm ruột là tình trạng ruột non bị viêm.

Viêm ruột là gì?

Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm virus và vi khuẩn. Viêm ruột cũng có thể bao gồm dạ dày (viêm dạ dày ruột) hoặc đại tràng. Viêm ruột do nhiễm trùng thường là viêm dạ dày ruột. Ví dụ phổ biến là ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày.

Khi ruột non bị kích thích và viêm, có thể gây sốt, sưng nề và đau bụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Viêm ruột cấp tính xảy ra đột ngột và thường chỉ kéo dài vài ngày. Tình trạng mạn tính thường ít phổ biến hơn, có thể gây viêm ruột dai dẳng.

Viêm ruột có nghiêm trọng không?

Thông thường, bệnh viêm ruột diễn ra trong thời gian ngắn và có thể tự khỏi tại nhà. Nguy cơ lớn nhất là mất nước do tiêu chảy và nôn. Nên chú ý nghỉ ngơi và bổ sung nước điện giải.

Nếu bị nhiễm trùng do vi khuẩn, có thể cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là nhập viện để điều trị tình trạng mất nước. Nếu viêm ruột kéo dài có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn nhưng trường hợp này hiếm gặp.

Triệu chứng và nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm ruột là gì?

Có bốn loại viêm ruột:

Viêm ruột truyền nhiễm

Viêm ruột truyền nhiễm là loại phổ biến nhất, do virus, vi khuẩn hoặc thậm chí là ký sinh trùng gây ra. Virus, vi khuẩn và ký sinh trùng rất dễ lây lan. Chúng lây lan qua thực phẩm, nước bị ô nhiễm hoặc qua tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

Các loại virus thường gây viêm ruột bao gồm:

+ Norovirus.

+ Rotavirus.

+ Adenovirus.

+ Astrovirus.

Vi khuẩn thường gây viêm ruột bao gồm:

+ Salmonella.

+ Shigella.

+ E coli.

+ C. jejuni.

+ C. difficile.

+ S. aureus.

Ký sinh trùng thường gây viêm ruột bao gồm:

+ Giardia.

+ Cryptosporidium.

+ Cyclospora.

Viêm ruột nguyên phát

Viêm ruột nguyên phát là do một số bệnh tự miễn dịch ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Các bệnh tự miễn dịch có thể nhầm lẫn thức ăn trong đường tiêu hóa với các tác nhân truyền nhiễm, gây ra phản ứng viêm. Đây có thể là một vấn đề mãn tính. Các bệnh bao gồm:

+ Bệnh celiac.

+ Viêm ruột mạn tính.

+ Viêm ruột do tăng bạch cầu ái toan.

+ Viêm ruột vi thể.

+ Viêm ruột ở bệnh Lupus.

+ Bệnh Crohn (còn gọi là viêm loét đại trực tràng).

Ngoài bệnh tật, việc lạm dụng một số loại thuốc có thể gây viêm ruột, bao gồm các loại sau:

+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

+ Một số loại thuốc kháng sinh.

+ Rượu bia.

+ Cocain.

Viêm ruột do bức xạ

Viêm ruột do bức xạ, còn gọi là viêm ruột thứ phát, là viêm ruột do tiếp xúc với bức xạ, đặc biệt là ở vùng bụng và vùng chậu. Xạ trị và hóa trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư nhưng chúng cũng có thể tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh trong lớp màng bảo vệ miệng, dạ dày và ruột. Điều này phá hủy lớp lót bảo vệ, dẫn đến kích ứng và viêm.

Đối với hầu hết mọi người, viêm ruột do bức xạ chỉ kéo dài vài tuần sau khi điều trị. Nhưng đôi khi, ở một số người, tình trạng này kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Hiện vẫn chưa biết tại sao điều này xảy ra. Những người bị viêm ruột mạn tính do bức xạ có thể có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng ở ruột non.

Viêm ruột do thiếu máu nuôi dưỡng (IE)

Hội chứng thiếu máu nuôi dưỡng đường ruột xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần ruột có thể bị tắc nghẽn. Thiếu máu nuôi dưỡng ruột non mặc dù không phổ biến nhưng có thể là một căn bệnh nghiêm trọng. Nó có thể dẫn đến viêm hoại tử ruột và tất cả các triệu chứng điển hình của viêm ruột.

Các triệu chứng của viêm ruột là gì?

Các triệu chứng của bệnh viêm ruột đều giống nha bất kể bệnh nhân mắc phải loại viêm ruột nào. Các triệu chứng bao gồm:

+ Sốt.

+ Nhức mỏi cơ thể.

+ Đau bụng và co thắt.

+ Buồn nôn và ói mửa.

+ Ăn mất ngon.

+ Bệnh tiêu chảy.

+ Thỉnh thoảng có máu trong phân.

Biến chứng của viêm ruột cấp tính là gì?

Biến chứng nghiêm trọng nhất của viêm ruột cấp tính là mất nước. Mất nước có thể nhẹ hoặc nặng. Mặc dù người lớn khỏe mạnh có thể phục hồi tương đối dễ dàng sau khi mất nước nhưng nguy cơ này nguy hiểm hơn đối với trẻ em, người già và những người bị suy giảm miễn dịch. Mất nước nghiêm trọng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu bị viêm ruột hoặc đang chăm sóc người thân bị viêm ruột, hãy đảm bảo rằng bệnh nhân được uống nước điện giải sau khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Hãy cẩn thận với các dấu hiệu mất nước. Các dấu hiệu bao gồm:

+ Đau đầu.

+ Mệt mỏi.

+ Yếu.

+ Chóng mặt.

+ Nhịp tim nhanh.

+ Huyết áp thấp.

+ Khô miệng.

+ Nước tiểu màu đậm.

+ Táo bón.

+ Thiếu nước mắt.

+ Mắt trũng.

Các biến chứng của viêm ruột mạn tính là gì?

Mặc dù ít phổ biến hơn, viêm ruột mạn tính do xạ trị hoặc bệnh viêm ruột có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài, bao gồm:

+ Thiếu máu.

+ Tiêu chảy mạn tính.

+ Đau bụng.

+ Chướng bụng.

+ Buồn nôn.

+ Tắc nghẽn một phần ruột non.

Chẩn đoán và xét nghiệm

Viêm ruột được chẩn đoán như thế nào?

Viêm ruột thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh và khám thực thể. Trong một số trường hợp, bác sỹ cần tiến hành các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh viêm ruột. Bệnh nhân được phân tích mẫu phân trong phòng xét nghiệm để xác định loại nhiễm trùng mắc phải. Nếu không chắc chắn về nguyên nhân hoặc cần thêm thông tin thì có thể chụp X-quang, chụp MSCT hình ảnh khác về ruột non. Nội soi dạ dày, nội soi đại tràng có thể phát hiện tổn thương và lấy mẫu mô cùng một lúc. Sau đó, các mẫu mô có thể được phân tích để tìm hiểu thêm về những gì đang diễn ra trong ruột non. Xét nghiệm test thở hydro để chẩn đoán vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non (SIBO)

Quản lý và điều trị

Viêm ruột được điều trị như thế nào?

Điều trị viêm ruột tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng. Nghỉ ngơi và bù đủ nước và điện giải. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng, cơ thể thường sẽ phản ứng lại với viêm nhiễm mà không cần trợ giúp. Đôi khi, tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn có thể kéo dài hơn bình thường và bác sỹ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để chống lại bệnh này. Nếu nguyên nhân là do bức xạ, bác sỹ sẽ ngừng xạ trị tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nếu nguyên nhân là do thiếu máu nuôi dưỡng hoặc bệnh tự miễn, những tình trạng này phải được điều trị trực tiếp tại bệnh viện. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể kê toa thuốc chống viêm cho bệnh viêm ruột mãn tính.

Viêm ruột có tự khỏi không?

Viêm ruột truyền nhiễm sẽ khỏi trong vòng một tuần. Viêm ruột do phóng xạ sẽ khỏi trong vòng vài tuần. Nếu bệnh nhân mắc một bệnh mạn tính gây viêm ruột tái phát, bệnh có thể đến rồi đi. Viêm ruột kéo dài hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Liên hệ với bác sỹ nếu các triệu chứng của bệnh nhân kéo dài hơn bình thường.

Làm thế nào để có thể phòng ngừa bệnh viêm ruột?

Viêm ruột truyền nhiễm loại phổ biến nhất, cũng là loại có thể phòng ngừa được nhất. Nếu đã từng mắc bệnh dạ dày thì cần phòng ngừa lây lan sang người khác bằng các biện pháp vệ sinh an toàn.

+ Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh và trước khi tiếp xúc với thực phẩm.

+ Rửa sạch dụng cụ nhà bếp và các bề mặt đã tiếp xúc với thịt sống.

+ Nấu chín kỹ thịt và động vật có vỏ.

+ Giữ lạnh thức ăn lạnh và giữ nóng thức ăn nóng.

+ Sử dụng nước đóng chai khi đi du lịch nước ngoài.

+ Nếu bị bệnh, có thể ở nhà cho đến 48 giờ sau khi hết các triệu chứng.

Có cần ăn kiêng gì khi bị viêm ruột?

Nếu gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn, hãy ăn thức ăn đơn giản và nhạt. Các bác sỹ vẫn khuyến nghị chế độ ăn BRAT để giảm dần việc ăn uống như là ăn chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng. Đây không phải là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời về lâu dài nhưng sẽ có tác dụng trong vài ngày. Ăn một lượng nhỏ thường xuyên để ngăn ngừa buồn nôn.

Súp gà với bánh quy mặn là một lựa chọn tốt khác khi bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu chưa sẵn sàng cho thức ăn đặc, nước dùng đơn giản có thể giúp ích rất nhiều trong việc giữ nước cho bệnh nhân và giúp bệnh nhân tăng thêm một chút năng lượng trong thời gian chờ đợi.

Khi nào tôi nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế cho bệnh viêm ruột?

Nếu đang điều trị bệnh viêm ruột tại nhà, bệnh sẽ bắt đầu cải thiện sau vài ngày. Nhưng hãy liên hệ với bác sỹ nếu:

+ Các triệu chứng của bệnh nhân không cải thiện sau ba hoặc bốn ngày.

+ Bệnh nhân đã bị nôn hơn hai ngày.

+ Bị tiêu chảy trong hơn 24 giờ.

+ Không bù đủ nước trong 24 giờ.

+ Trẻ có dấu hiệu mất nước.

+ Sốt cao hơn 39 độ C.

+ Có máu trong phân hoặc trong dịch nôn.

+ Bị đau bụng đột ngột và dữ dội.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Hội chứng ruột kích thích IBS và bệnh viêm ruột IBD

Rối loạn tương tác não ruột (DBGI)

Probiotic (men vi sinh) và sức khỏe đường ruột những điều phải biết trước khi sử dụng

Viêm ruột ở người lớn, những điều cần biết

Bí quyết cải thiện hệ tiêu hoá không cần dùng thuốc

Yhocvn.net (Lược dịch theo clevelandclinic)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook