Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:53

bệnh động mạch ngoại vi thường biểu hiện ở chân do chân không nhận đủ lượng máu cần thiết theo yêu cầu, khi đó sẽ có triệu chứng đau chân.

Bệnh động mạch ngoại biên (BĐMNB) là bệnh lý khi có hiện tượng giảm lưu lượng máu do lòng động mạch bị hẹp. Khi bị bệnh động mạch ngoại vi thường biểu hiện ở chân do chân không nhận đủ lượng máu cần thiết theo yêu cầu, khi đó sẽ có triệu chứng đau chân.

Tính phổ biến: Tần suất bệnh trong quần thể nghiên cứu chung chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân (nghiên cứu của Migdalis 1992 tại Hylạp tần suất BĐMNB là 44%, Marinelli 1979 tại Hoa Kỳ là 33%, Walters 1992 tại Anh là 23,5%, Bhuripanyo 1992 tại Thái lan là 21,3%…)

Cơ chế bệnh sinh: là do xơ vữa động mạch

Dấu hiệu bệnh động mạch ngoại biên

Bệnh nhân bị BĐMNB ở chân thường có những triệu chứng và tiền sử bệnh sau:

– Hạn chế hay suy giảm vận động thể lực ở các mức độ khác nhau: mệt, tê, đau chi dưới. Khai thác vị trí đau đầu tiên: vùng mông, chậu hông, đùi, bắp chân, bàn chân có giá trị gợi ý vị trí động mạch bị tắc. Tính chất đau liên quan đến mức độ gắng sức và quãng đường đi được.

– Vết thương không hoặc chậm lành ở bàn chân, cẳng chân.

– Đau khi nghỉ ở chi dưới, liên quan với sự thay đổi tư thế.

– Đau bụng sau bữa ăn, kèm theo sụt cân.

– Tiền sử gia đình có phình động mạch chủ bụng.

Các triệu chứng lâm sàng thường gặp: Tuỳ vào mức độ nặng của bệnh mà có các biểu hiện sau:

– Không triệu chứng: Không có triệu chứng đau cách hồi chi dưới trên lâm sàng rõ rệt (nhưng thường có suy giảm về cơ năng).

– Đau cách hồi chi dưới điển hình: Đau kiểu chuột rút của một nhóm cơ nhất định ở chi dưới, xuất hiện sau khi đi được một khoảng cách nhất định, giảm hoặc mất khi nghỉ.

– Đau chi dưới không điển hình: Đau chi dưới liên quan đến gắng sức, nhưng không giảm rõ rệt khi nghỉ, hay hạn chế khả năng đi lại một cách không hằng định với những quãng đường tương tự.

– Thiếu máu chi dưới trầm trọng: Đau chi dưới khi nghỉ, có nguy cơ bị cắt cụt chi do giảm cấp máu nghiêm trọng tới chi bị tổn thương. Thiếu máu chi dưới trầm trọng bao gồm bệnh nhân đau mạn tính chi dưới khi nghỉ, bệnh nhân bị các vết loét không liền, hoại tử.

– Thiếu máu chi dưới cấp: Triệu chứng lâm sàng được mô tả bởi 6 chữ P:

Pain: Đau                                                       Pulselessness: Mất mạch

Pallor: Nhợt                                                   Paresthesis: Dị cảm

Poikilothermia: Lạnh bên chi tắc mạch         Paralysis: Mất vận động

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh?

– Người dưới 50 tuổi, kèm theo đái tháo đường, và một yếu tố nguy cơ phối hợp khác (hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu).

– Người trong độ tuổi từ 50 – 69, có tiền sử hút thuốc lá hoặc đái tháo đường.

– Người ≥ 70 tuổi.

– Triệu chứng ở chi dưới liên quan đến gắng sức (đau cách hồi) hoặc đau khi nghỉ do giảm tưới máu.

– Khám lâm sàng phát hiện bất thường về động mạch chi dưới.

– Bệnh lý động mạch do xơ vữa đã biết: động mạch vành, động mạch cảnh hay động mạch thận.

Chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên

– Xác định xem bạn có yếu tố nguy cơ bị bệnh ĐMNB không?

– Tìm các triệu chứng lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh.

– Nếu có cơn đau cách hồi điển hình cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để làm các nghiệm pháp chẩn đoán như đo chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay(ABI), làm siêu âm Doppler mạch máu….

Điều trị bệnh động mạch ngoại biên

Nhằm 2 mục đích:

– Giảm các triệu chứng đau chân.

– Ngăn chặn quá trình xơ vữa ĐM của toàn bộ cơ thể để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của xơ vữa ĐM như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Thay đổi lối sống: quan trọng nhất là phải ngừng hút thuốc lá, thuốc lào. Với phụ nữ không được ăn trầu với thuốc lào.

Thuốc điều trị

– Kiểm soát lipid máu: cần dùng thuốc hạ lipid máu nhóm statin để đạt được LDL-C < 100mg/dl (2,6mmol/L).

– Kiểm soát huyết áp: nếu bạn bị tăng huyết áp bác sĩ sẽ cho bạn thuốc điều trị huyết áp, cần đưa huyết áp về ≤ 140/90mmHg hoặc ≤ 130/80mmHg nếu bạn bị đái đường và tăng huyết áp.

– Kiểm soát tốt đường máu.

– Dự phòng tắc mạch: vì BĐMNB thường có thiếu máu nuôi chi dưới nên nếu có cục huyết khối hình thành sẽ làm hẹp thêm lòng mạch vốn đã bị hẹp do xơ vữa do đó cần dùng các thuốc chóng vón tiểu cầu như: aspirin hoặc clopidogrel(plavix).

– Giảm triệu chứng đau chân: cilostazol (pletal) làm tăng dòng máu đến ngọn chi do thuốc làm giảm hình thành cục máu vón trong lòng mạch, thuốc sẽ làm giảm triệu chứng đau cách hồi, thuốc có thể có triệu chứng không mong muốn như đau đầu, ỉa chảy. Thuốc pentoxifylline(trental) có thể dùng được nhưng hiệu quả kém hơn và cũng ít tác dụng phụ hơn.

Can thiệp mạch hoặc phẫu thuật: trong một số trường hợp nhất định ngoài việc điều chỉnh lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ cần điều trị can thiệp hoặc mổ bắc cầu động mạch.

– Can thiệp mạch qua da(angioplasty): là phương pháp đưa 1 ống thông nhỏ vào trong lòng ĐM, đầu ống thông có 1 quả bóng nhỏ, khi đưa đúng vào vị trí ĐM bị hẹp, bác sĩ sẽ bơm căng quả bóng lên để làm rộng lòng mạch và ép dẹp mảng xơ vữa sau đó có thể đặt vào vị trí đó 1 giá đỡ (stent).

– Phẫu thuật bắc cầu ĐM: Bác sĩ có thể sử dụng mạch máu (tĩnh mạch hoặc ĐM) từ chỗ khác của cơ thể hoặc mạch máu nhân tạo để làm cầu nối qua chỗ hẹp hoặc tắc ĐM để tưới máu cho đoạn xa của ĐM.

– Tiêu huyết khối: nếu có cục máu đông đến làm tắc ĐM và bệnh nhân đến bệnh viện sớm ngay những giờ đầu khi có triệu chứng đau và lạnh chân thì bác sĩ có thể tiêm thuốc tiêu huyết khối để làm tan cục máu đông.

Vận động thể lực và hoạt động thể thao

Ngay khi bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc hay can thiệp, phẫu thuật vẫn cần tập luyện thường xuyên như đi bộ hoặc đạp xe để tăng thêm quãng đường có thể đi được của người bệnh.

Phòng bệnh động mạch ngoại biên

Không hút thuốc lá, thuốc lào.

Nếu bị đái tháo đường cần kiểm soát tốt mức đường máu lúc đói về <7mmol/L.

Tập thể dục hàng ngày 30phút, ít nhất 3 lần/tuần.

Kiểm soát tốt mức huyết áp và lipid máu.

Ăn các thức ăn có lượng mỡ bão hoà thấp.

Kiểm soát cân nặng cơ thể, không để béo phì hay quá cân.

CNTTCBTG – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook