Chửi thề chắc chắn là không nên rồi. Nhưng hãy thử xem hành vi này có tác dụng thế nào đối với cơ thể nhé!
Chửi thề là một việc không được khuyến khích thực hiện vì hành vi này sẽ khiến bạn trở nên “xấu xí” và bất lịch sự trong mắt người khác.
Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt tốt, mặt xấu và hành vi “xấu xí” này cũng không phải là ngoại lệ, dựa trên những nghiên cứu khoa học mới nhất.
Chửi thề là “căn bệnh” hầu như ai cũng mắc phải
Có nghiên cứu cho rằng con người bắt đầu “làm quen” với việc chửi thề từ năm 6 tuổi, hoặc thậm chí từ khi còn nhỏ hơn. Giống như một “cơn nghiện” khó bỏ, một khi đã chửi thề thì việc “cai” là rất khó để thực hiện.
Trung bình, ước tính mỗi ngày những lời “xấu xí” được thốt ra chiếm từ 0,5 đến 0,7% lượng từ ngữ sử dụng. Số lượng này có thể cao hơn phụ thuộc vào người sử dụng những từ ngữ đó là người nói nhiều hay nói ít.
Việc chửi thề cũng tương đối khác biệt tại các nền văn hóa khác nhau. Như trong tiếng Anh, ban đầu các từ chửi thề có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo.
Từ thời Trung Cổ, những người Anh đã hay sử dụng một số lời nguyền và lời tuyên thệ của các tu sĩ để chửi thề, một trong số đó có từ “damn” – (tạm dịch: khốn kiếp) vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Ngoài ra, một số bộ phận trên cơ thể cũng có thể đem ra dùng khi chửi. Tuy nhiên bạn có thể nói những từ ngữ đó tại một số địa phương mà không sợ xúc phạm bất kỳ ai, bởi cũng có nơi người ta không chửi thề bằng những từ đó.
Còn trong văn hóa châu Á, việc chửi thề gắn liền với địa vị xã hội, các thế hệ tổ tiên hay việc giữ thể diện.
Tuy nhiên, trong số này có một quốc gia được cho là sử dụng nhiều ngôn ngữ “trong sạch” nhất thế giới – đó là Nhật Bản. Vậy chẳng nhẽ người Nhật không bao giờ chửi thề?
Ồ không! Trên thực tế người Nhật có chửi, nhưng chỉ là một cách khác và có vẻ nhẹ nhàng hơn. Người Nhật không dùng các thuật ngữ liên quan đến tình dục mà họ chỉ xúc phạm nhau bằng việc nói người kia là …đồ ngốc – baka. “Đồ ngốc” trong tiếng Nhật mang ý nghĩa nặng nề hơn so với từ “a fool” trong tiếng Anh.
Giả thuyết trái chiều trong những lời “xấu xí”
Khá nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những giả thuyết, dẫn chứng khi cho rằng, ở góc độ nào đó chửi thề không hoàn toàn xấu.
Một trong những giả thuyết đầu tiên là – khả năng giao tiếp hiệu quả. Cụ thể, khi chửi thề, chúng ta sẽ không chỉ truyền đạt cảm xúc của mình qua từng câu chữ mà còn những phản ứng về xúc cảm. Cùng với đó, vốn từ vựng, giọng điệu người nói cũng trở nên phong phú hơn.
Một giả thuyết khác được đưa ra bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng, chửi thề là 1 cách bày tỏ sự tức giận, buồn bực hay đau đớn, làm giảm bớt sự ức chế cho hệ thần kinh mà không phải sử dụng đến bạo lực thể xác.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác còn cho thấy việc chửi thề có thể khiến con người cải thiện đáng kể khả năng chịu đau đớn.
Trong một thí nghiệm nhỏ, các nhà khoa học đã yêu cầu một số học sinh chia làm 2 nhóm và cùng nhau nhúng tay vào một xô nước đá.
Các học sinh được quyền kêu la nhưng chỉ một nhóm được quyền chửi thề. Kết quả cho thấy nhóm những học sinh chửi thề giữ được tay trong xô nước đá lâu hơn.
Các nhà khoa học giải thích rằng việc chửi thề như một phản ứng bình thường của cảm xúc, làm tăng nhịp tim lên tương đối nhiều.
Đây là phản ứng khi cơ thể gặp phải căng thẳng do đau đớn thể xác, vì thế việc chửi thề trong tình huống này được xem như một liều thuốc giảm đau hiệu quả.
Lời kết
Có thể nói việc chửi thề cũng là một trong những nhu cầu cơ bản của mỗi người, bên cạnh những nhu cầu như ăn, uống, ngủ… bởi cũng như những hành vi trên, chửi thề đem lại một số lợi ích nhất định.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta nên tăng cường chửi thề. Đầu tiên, xét về mặt văn hóa, chửi thề chắc chắn không có lợi cho hình ảnh của bạn. Ngoài ra, khi chửi thề quá nhiều, hệ thống thần kinh sẽ làm cho liều thuốc giảm đau này giảm bớt công hiệu do chai lì cảm xúc.
Cũng như một liều thuốc, nếu ta uống quá nhiều sẽ vừa làm giảm công hiệu, vừa có nguy cơ gây tác dụng phụ. Và cuối cùng bạn sẽ chỉ là một người thiếu văn hóa trong mắt người khác mà thôi.
Theo Trí thức trẻ/Kênh 14
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.