Thứ Ba, 17/03/2020 | 22:57

Virus corona chủng mới chiếm quyền kiểm soát thế nào? lá chắn ‘miễn dịch’ vô tác dụng

Virus corona ngay khi khởi phát vào cuối tháng 12 năm 2020 đã nhanh chóng lan ra toàn cầu và được công bố đại dịch. Vô số trường hợp bị lây nhiễm, rất nhiều người tử vong (tính đến thời điểm 22h00 ngày 17/3/2020 đã có 7,494 ca tử vong, nhưng cũng đã có 80,630 người thoát khỏi “tử thần”. Vậy liệu con người có khả năng miễn dịch trước COVID-19 hay không?  

Ở thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy chủng mới virus corona (COVID-19) đang trở thành đặc hữu để “đồng hành” với con người. Tuy nhiên, theo dõi tình hình thực tế các ca lây nhiễm, phục hồi và tỷ lệ chết (khoảng 2,2%) được đánh giá là thấp hơn rất nhiều so với các chủng virus corona nguy hiểm hơn như SARS-Cov (10%) hay MERS-Cov (37%), nhiều người đã đặt câu hỏi về khả năng miễn dịch của con người đối với COVID-19?

Virus corona chiếm quyền kiểm soát thế nào?

Các thành viên thuộc họ virus corona đều có dạng hình cầu với đường kính xấp xỉ 125 nm, với cấu trúc theo thứ tự từ trong ra ngoài là lõi acid nucleic – vỏ protein – lớp vỏ ngoài.

Lõi acid nucleic:

Bộ gien của COVID-19 bao gồm một RNA duy nhất, giúp nó có thể tổng hợp các thành phần cấu tạo khi đã xâm nhập vào tế bào vật chủ, nhằm phục vụ cho việc nhân bản.

Vỏ protein (vỏ capsit):

Lớp vỏ bọc bên ngoài bộ gen được cấu tạo từ các capsome đóng vai trò bảo vệ.

Lớp vỏ ngoài:

Cấu tạo từ lớp kép lipit và protein, bên trên có gai hình giống như trên vương miện. Lớp gai này sẽ thực hiện các nhiệm vụ của kháng nguyên, giúp virus thâm nhập bên trong tế bào vật chủ.

Cũng giống như các virus corona chủng khác, người mắc viêm phổi cấp do corona virus (COVID-19) ban đầu cũng có các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp như đau họng, đau đầu, chảy nước mũi, ho, sốt, khó thở… Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi và suy đường thở. Khi hai phổi bị tổn thương toàn bộ, bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi oxy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và có thể tử vong.

Kháng nguyên khi xâm nhập cơ thể người sẽ bị hệ thống miễn dịch nhận biết và sinh ra các kháng thể tương ứng.

Các chuyên gia thuộc Tập đoàn Công nghệ sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG) mới đây cho biết, họ tìm thấy lượng lớn kháng thể với khả năng tiêu diệt virus trong huyết tương của một số bệnh nhân đã hồi phục sau khi mắc COVID-19.

Trước diễn biến của dịch, trang mạng STAT (Mỹ) chuyên ngành y học và sức khỏe đã có dự báo “hậu đại dịch”, dịch bệnh COVID-19 hoàn toàn có thể ổn định để trở thành một bệnh về đường hô hấp và “đến hẹn lại lên” vào một mùa thích hợp trong năm. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Michael Osterholm thuộc Đại học Minnesota cho rằng, những gì chúng ta đang nhìn thấy có thể là sự “ra mắt” của một mầm bệnh gây viêm phổi mới theo mùa.

Không có khả năng miễn dịch lâu dài

Michael Farzan là nhà sinh vật học của Viện nghiên cứu Scripps ở Florida, Mỹ. Năm 2015, ông là thành viên trong nhóm các nhà nghiên cứu đã xác định được cách mà virus SARS xâm nhập tế bào người, gọi COVID-19 là vi sinh vật “nổi tiếng” vì bộ gien đột biến. Nhưng khi so sánh về cấu trúc virus, Giáo sư Michael Farzan cho biết, đã có một số điểm tương đồng giữa SARS và COVID-19, trong đó SARS có một hệ thống hiệu đính phân tử khiến tốc độ đột biến của nó giảm đáng kể, thật may mắn bộ gien của COVID-19 cũng cho thấy đặc điểm tương tự.

Đây là yếu tố khiến tỷ lệ đột biến của chủng virus corona mới thấp hơn đáng kể so với cúm hay HIV. Và đây cũng là đặc trưng mà các nhà khoa học tin COVID-19 ít có khả năng tiến hóa theo hướng nguy hiểm và trở nên đáng sợ hơn.

COVID-19 (màu vàng) khư trú giữa các tế bào cơ thể người (màu hồng).

Theo các nhà nghiên cứu, bất kỳ sự tiến hóa nào diễn ra trong một loại virus corona đặc hữu, bao gồm cả loại tăng đột biến theo mùa, cũng thường theo hướng giảm dần độc lực. “Nó không muốn giết bạn trước khi bạn giúp nó lan truyền”, GS. Farzan cho biết.

Do đó, trong cuộc chiến với dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta có thể sẽ phải chờ sự suy yếu dần của nó, nếu COVID-19 cuối cùng sẽ trở thành một chủng corona mới giống như cúm mùa. “Người chết không truyền virus, thậm chí cả những người bệnh rất nặng cũng không phải là trung gian truyền bệnh tốt nhất”, GS. Michael Farzan cho biết.

Số người mắc cúm mùa có phụ thuộc vào khả năng miễn dịch hay không?

Chính giới khoa học hiện cũng chưa hẳn có câu trả lời chắc chắn. Theo chuyên gia về cúm Richard Webby, thuộc Bệnh viện nhi St. Jude, việc phơi nhiễm với cả 4 chủng virus corona đặc hữu đang tồn tại chung với cuộc sống của con người hiện nay, có thể giúp khả năng miễn dịch tốt hơn, nhưng đều không phải vĩnh viễn.

Các loại virus gây bệnh cho đường hô hấp vẫn khiến người trưởng thành nhiễm bệnh như thường, dù trước đó họ từng mắc bệnh, vì khả năng miễn dịch với virus corona thường yếu dần.

Tim Sheahan, nhà nghiên cứu virus corona tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu thuộc Đại học Bắc Carolina phân tích, khi đến tuổi trưởng thành con người sẽ có một số khả năng miễn dịch nhất định đối với một số chủng virus corona. Nhưng khả năng đó không kéo dài, người nhiều tuổi có thể bị tái nhiễm. Sức đề kháng yếu đi theo thời gian, nên người già thường có tỷ lệ tử vong cao hơn đối với các bệnh do virus corona gây ra, như trong các dịch SARS và MERS hay COVID-19 hiện nay.

Bác sĩ Susan Kline, một chuyên gia khác về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota cho biết, có một số bằng chứng cho thấy, mọi người đều có thể tái nhiễm 4 loại virus corona đặc hữu và không có khả năng miễn dịch lâu dài.

Giống như virus rhino gây bệnh cảm lạnh thông thường, con người có thể nhiễm bệnh nhiều lần trong đời. Con người sẽ có phản ứng kháng thể, nhưng nó chỉ có giới hạn, vì vậy trong lần tiếp xúc tiếp theo bạn không còn được bảo vệ hoàn toàn, bởi vậy, bệnh vẫn có thể quan trở lại nhưng thường ở thể nhẹ hơn.

Đối với cả những người từng là nạn nhân của dịch SARS bùng phát năm 2002-2003, chính chuyên gia về virus corona Sheahan cũng không dám chắc chắn về khả năng miễn dịch của họ. “Họ có đủ khả năng miễn dịch?, tôi cũng không dám chắc”, ông Sheahan nói.

Như vậy, khả năng miễn dịch của con người đối với “dòng họ” virus corona là không vĩnh viễn. Với COVID-19 có thể cũng vậy.

Bao nhiêu người sẽ nhiễm bệnh trong chu kỳ tiếp theo của COVID-19?

Chuyên gia về cúm Richard Webby cho rằng, con số này sẽ không phụ thuộc vào số lượng người bị nhiễm lần đầu tiên, rất có thể sẽ nhiều hơn số trường hợp đã được xác định nhiễm bệnh hiện nay. Vì có những người không có, hoặc chỉ các có triệu chứng nhẹ đã có thể được coi là miễn dịch và bị loại khỏi sự chú ý của các hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Còn vị chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins Amesh Adalja dự báo, COVID-19 chưa từng được phát hiện trước đó, bởi vậy, dịch bệnh lần này sẽ đặc biệt tồi tệ, vì về mặt miễn dịch, con người chưa từng có sự chuẩn bị.

Còn trong tương lai thì sao? Có thể COVID-19 sẽ bỏ qua những người từng bị phơi nhiễm (kể cả những người không có biểu hiện bệnh)?

Chưa có câu trả lời chắc chắn. Và đó cũng chỉ là một giả định khi virus này không “phát triển các thủ thuật” khiến nó trở nên “vô hình” trước hệ miễn dịch của con người và các kháng thể từng phơi nhiễm trước đó.

Yhocvn.net (Theo baoquocte)

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Giới siêu giàu Mỹ chi tiền xét nghiệm Covid-19 tại nhà

+ Chuyện thật như đùa: cho xuất viện nhầm bệnh nhân dương tính với Covid-19

+ Cô gái vô ý thức đã khiến các ban ngành và người dân Hà Nội “vất vả” ra sao?

+ Bệnh nhân nhiễm covid-19 (SARS-CoV-2) thuê chuyên cơ về Việt Nam điều trị

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook