Theo số liệu báo cáo hai tháng đầu năm 2025 tỷ lệ bệnh nhi mắc sởi tăng cao so với các năm với diễn biến phức tạp, khó lường. Điều trăn trở của các bậc phụ huynh đặc biệt là những người mới sinh con đầu lòng là những triệu chứng nhận biết khi mắc sởi, phương pháp điều trị ra sao và những điều cần kiêng kỵ khi mắc căn bệnh này?
Sởi là căn bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện vào thời điểm đông – xuân lây qua đường không khí do virus Paramyxoviridae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em tuy nhiên cũng có thể gặp ở người trưởng thành và rất dễ phát triển thành dịch.
Triệu chứng của bệnh sởi là bệnh nhân sốt cao, viêm kết mạc, viêm long đường hô hấp trên, viêm thanh quản cấp, có thể xuất hiện các hạt Koplik (Koplik được mô tả bằng cách cổ điển là các sản phẩm sáng đỏ với các màu trắng trung tâm hoặc hơi trắng có thể giống với các hạt cát). Sau sốt 3 đến 4 ngày ban bắt đầu xuất hiện, ban dát sẩn, màu hồng, xuất hiện lần lượt theo thứ tự từ sau tai, trán, xuống vùng ngực, lưng, rồi xuống đùi và bàn chân. Khi ban mất đi cũng mất theo thứ tự trên, ban bong vảy để lại vết thâm trên da.

Theo quan niệm người dân thường truyền lại cho nhau khi bị sởi cần kiêng nước, kiêng gió tuy nhiên theo các bác sỹ đây là điều hoàn toàn sai lầm, không có kiểm chứng. Những điều này không những không có ích cho bệnh nhân mà còn rất dễ gây ra các biến chứng lở loét do không vệ sinh sạch sẽ. Các bác sỹ cho biết khi mắc bệnh sởi điều cần kiêng kỵ là cách ly bệnh nhân, tránh đến những nơi đông người gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ thời gian từ 7 – 9h/ngày, giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. Chú ý giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng thường xuyên, không kiêng nước, kiêng gió, nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc sử dụng dung dịch nhỏ mắt mũi chuyên dùng, nhỏ 3-4 lần/ngày. Lưu ý không cho trẻ nghịch nước hoặc ngâm người dưới nước trong thời gian mắc bệnh.
Về chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân mắc sởi cần tăng cường thể lực, nâng cao thể trạng thông qua dạng thức ăn dễ tiêu như các loại cháo, súp…có thể chia thành nhiều bữa. Cần tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi như khoai lang, cà rốt, rau bina, bông cải xanh…Đối với trẻ nhỏ còn bú mẹ, cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn đặc biệt là khi trẻ bị tiêu chảy.
Hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều chất béo, các món đồ chiên xào, đồ nướng, nội tạng động vật, bánh kem, chocolate… tránh các thức ăn người bệnh đã bị dị ứng trước đó hoặc các thức ăn lạ. Sởi sau khi phát màu đỏ ánh cần kiêng gió, kiêng đồ sống lạnh, không nên ăn mì, miến.
Người trường thành khi mắc bệnh sởi cần uống nhiều nước, nước hoa quả đặc biệt là uống Oresol để đảm bảo đủ nước – điện giải, lưu ý chia nhỏ lượng nước, uống từng chút một. Có thể chườm ấm khi sốt nhẹ. Nếu sốt cao > 38,5oC sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc khác cần tuân theo theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh không được tự ý uống.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu bệnh nhân đặc biệt là trẻ em khi xuất hiện các dấu hiệu nặng như mệt, li bì, hoặc kích thích, bú kém hoặc bỏ bú, sốt cao, ho nhiều, thở nhanh, khó thở…ban đã hết mà bệnh nhân vẫn còn sốt cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Sởi là bệnh truyền nhiễm có thể phát triển thành dịch do nguyên nhân virus, vì vậy việc tiêm phòng vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh khoa học để tránh những biến chứng do bệnh sởi gây ra. Để tạo được kháng thể phòng bệnh sởi trẻ cần được tiêm chủng hai mũi, mũi thứ nhất khi 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi để tạo hệ miễn dịch trong cơ thể. Song song với việc tiêm vaccine người dân cần thực hiện những phương pháp phòng bệnh như cách ly người mắc bệnh sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch. Bệnh nhân và những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh sởi cần đeo khẩu trang y tế, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, giữ vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng thông qua chế độ dinh dưỡng khoa học, duy trì luyện tập các môn thể thao để phòng bệnh sởi nói riêng, các bệnh theo mùa nói chung.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
Các loại trái cây giàu vitamin C rất tốt cho người bị cúm
Giải pháp phòng ngừa dịch sởi hiệu quả
Phân biệt triệu chứng của bệnh sởi và sốt phát ban
Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cúm B hiệu quả nhất
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.