Không nằm điều hòa liên tục quá 4h đồng hồ và không điều chỉnh nhiệt độ dưới 27 – 28độC. Đó là những tiêu chí rất quan trọng cần phải nhớ.
KỲ II: cơ chế gây bệnh và cách sống hòa hợp
Cơ chế gây bệnh
Như kỳ trước, chúng ta đã thấy rõ có những bệnh nhân đã mắc bệnh có sự liên quan, dính líu tới điều hòa. Các con số y học đưa ra rõ ràng đã chứng minh việc liên quan bệnh lý hô hấp và máy điều hòa không chỉ là sự ngẫu nhiên, tình cờ mà nó thực sự và xác đáng. Nhưng bạn sẽ đặt câu hỏi, nhà sản xuất sẽ đặt câu hỏi, điều hòa gây bệnh bằng cách nào hay cơ chế nào? Chúng gây bệnh bằng những phương thức sau đây:
Giảm hụt lượng oxy đáng kể. Khi bạn sử dụng điều hòa, một trong các nguyên tắc cứng đó là phải đóng cửa thật kín. Đóng cửa kín để hơi nóng không đi vào trong và hơi mát không thoát ra ngoài. Việc này vừa có giá trị trong việc làm lạnh phòng nhanh vừa có giá trị tiết kiệm điện. Nhưng lợi bất cấp hại. Đóng cửa kín quá, nhất là khung nhôm cửa kính hàng cao cấp thì càng kín. Điều hòa không có chức năng lấy không khí. Nó chỉ làm thay đổi nhiệt độ dòng khí. Vì thế, sau 2h đóng cửa kín vì điều hòa thì nồng độ oxy sẽ giảm, cơ thể sẽ bị thiếu hụt oxy. Hậu quả là sức khỏe nói chung và sức khỏe hệ hô hấp nói riêng bị ảnh hưởng. Chúng ta bị yếu dần đi và dễ bị ốm.
Truyền bệnh quá dễ dàng. Đó là sự thực. Một phòng có 4 – 6 người làm việc chung. Phòng thì đóng kín. Điều hòa không có chức năng khử khuẩn được. Điều hòa cũng không lọc vi khuẩn được. Chỉ cần một người hắt hơi, sổ mũi hoặc khậm khạc nhẹ, nhưng khi ho, hắt hơi lại “hơi bị mất lịch sự”, cứ phải hắt thật to, ho thật mạnh, nhảy bổ cả lên để hắt hơi mà không che tay, che miệng. Lúc đó mầm bệnh phun ra tứ tung. Luồng không khí đầy rẫy mầm bệnh từ các hạt nước bọt li ti được điều hòa thổi và đưa đi vòng quanh trong phòng. Vòng đi vòng lại theo chiều gió mát đến khi nào chia đủ mầm bệnh cho mỗi thành viên trong phòng thì thôi. Thế là chúng ta cứ ốm dần, đến khi sốt, đau họng và ho thì chính thức trở thành chủ nhân của mầm bệnh đó.
Màng lọc quá bẩn. Ở mỗi điều hòa đều có 1 màng lọc không khí. Nó được lắp ngay ở dưới lớp vỏ ngoài. Chức năng màng lọc này là lọc 1 phần không khí để giảm thiểu bụi bẩn vào trong máy. Sử dụng đúng là mỗi năm phải rửa vệ sinh 2 lần: 1 lần trước mùa nóng để cả mùa nóng khỏe, 1 lần cuối mùa nóng để giữ gìn vệ sinh cho năm sau. Nhưng chết nỗi, dân ta cứ không thèm quan tâm điều đó, Người ta chỉ để ý khi nào điều hòa khục khặc, không mát hoặc thổi ra hơi nóng thì mới đem sửa và tiện thể vệ sinh luôn. Nói rõ chỗ này, chỉ cần sau 1 mùa sử dụng hoặc 3 tháng sử dụng liên tục, tấm màng lọc vô cùng bẩn. Nó tích trữ đủ các loại mầm bệnh trong đó gồm vi khuẩn, virút, nấm, mốc các loại. Khi sử dụng, không khí đi qua, có bao nhiêu mầm bệnh nó bị cuốn theo hết. Kích thước màng lọc không đủ để chặn được vi khuẩn. Vậy là mỗi lần hít vào là một lần chúng ta tiếp nhận mầm bệnh. Ốm cứ thế kéo đến mà ta chẳng hay.
Không khí quá lạnh. Người dân ta có một đặc điểm là chịu nóng không tốt. Khi có điều hòa nhiệt độ là phải cho lạnh thật sâu, cho đã đời. Nhiều người cứ thế bật điều hòa 18, 20, 250C. Mức độ này quá nguy hiểm. Bởi nhiệt độ quá lạnh làm cho hơi nước bề mặt đường hô hấp bay hơi quá nhanh. Khi bề mặt bị khô, chúng mất dịch nhầy bảo vệ, vốn có chứa nhiều kháng thể chống mầm bệnh. Thêm vào đó, các tế bào bề mặt đường hô hấp tuy suốt ngày tiếp xúc với không khí bên ngoài nhưng chúng rất yếu. Yếu đến mức nếu như bề mặt của chúng bị khô, chúng bị chết ngay. Khi một vài tế bào bị hư hỏng, chúng để hở ra bề mặt. Hoặc màng tế bào của chúng trở lên sần sùi, xuất hiện nhiều điểm bám cho mầm bệnh. Vì thế, nếu như có dịch cúm, dịch viêm đường hô hấp cấp, một vài con virút cúm, một vài con tụ cầu khuẩn có thể dễ dàng bám trên bề mặt, thâm nhập vào bên trong, lách qua các khe kẽ tế bào chết để đi xuống dưới. Chúng chính thức gây viêm và chúng ta chính thức bị nhiễm chúng. Ngoài ra khi tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh, hệ miễn dịch tự nhiên bị suy giảm chức năng. Cơ thể ta nó như thế. Miễn dịch giảm thì ta nhiễm bệnh, khỏi cần bàn.
Bật tốc độ gió quá mạnh. Mạnh đến mức ta có thể ví như ôm cả cái điều hòa phả vào mặt. Tốc độ gió mạnh quá gây ra tác hại như bật nhiệt độ lạnh thật sâu. Gió cũng làm hư hỏng tế bào bề mặt đường hô hấp. Nên chúng ta cũng dễ nhiễm bệnh nếu như lúc nào chúng ta cũng thích gió “maximum”.
Bật điều hòa, còn chĩa thêm quạt điện. Chuyện này hay gặp như chuyện thường ở huyện nhà. Bật điều hòa rồi còn chưa đủ, người ta còn phải bê nguyên xi một cái quạt điện bật tăng cường. Đúng là mát thật, mát lạnh chân tay luôn. Lạnh luôn cả ngực, bụng. Nếu tiếp xúc đôi lúc chừng mươi mười lăm phút thì tác hại cũng chưa đến là bao. Nhưng nếu nằm sườn sượt trên giường, chĩa thẳng quạt vào mặt, điều hòa thổi hết công suất, thì chỉ sau 1 đêm, chuyện bạn bị rát họng, đau họng thì cũng khỏi phải than. Tự chúng ta gây hại chúng ta mà thôi.
Đối phó
Hại như thế, tiêu cực thế chả nhẽ bỏ không dùng. Không dùng thì không được vì nóng quá thì khó ở. Đến mức mà người ta còn nói vui: thôi ốm toi bệnh 1 tiếng trong điều hòa còn hơn sống lay lắt cả ngày trong nóng lửa. Vậy thì chỉ còn một cách duy nhất, đó là đối phó với tai hại và tận dụng cái lợi. Vậy là ta vẫn khỏe re và không bị ốm. Đối phó như nào? Thực hiện như sau:
Kiểm soát nhiệt độ phòng tuyệt đối không để nhiệt độ dưới 27 – 280C. Trong 30 phút đàu bạn có thể để chế độ làm lạnh nhanh. Nhưng sau 30 phút, khi căn phòng đã đủ mát, bạn cần thiết nâng nhiệt độ lên tối thiểu từ 27 – 28 độ. Ngưỡng nhiệt độ này được coi là hòa hợp cơ thể và với cả hệ hô hấp. Bạn sẽ giảm tần suất ốm do điều hòa. Một số gia đình có cháu nhỏ dưới 1 tuổi, cần duy trì nhiệt độ 290C.
Kiểm soát thời gian nằm điều hòa, tuyệt đối không nằm liên tục quá 4 – 5 tiếng đồng hồ hoặc không ngồi làm việc dưới điều hòa liên tục quá 6 giờ đồng hồ. Khi nằm ngủ, miệng hay há ra, mũi phải hoạt động hết công suất. Nếu nằm dưới điều hòa quá lâu thì dễ viêm rát họng. Trên mỗi điều khiển điều hòa đều có chức năng hẹn giờ. Bạn hẹn giờ từ 23h đêm đến 3 – 4 giờ sáng hôm sau là đủ. Sau khi điều hòa ngắt, bạn chuyển sang dùng quạt điện, loại có nhiều chế độ (5 chế độ trở lên), bật mức nhỏ. Điều này không ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia đình nhưng vẫn an toàn cho đường thở.
Kiểm soát vệ sinh điều hòa. Tốt nhất mỗi năm nên vệ sinh từ 2 – 3 lần. Tùy vào mức công suất, thời gian sử dụng. Nếu gia đình nhà bạn chỉ sử dụng mỗi mùa nóng thì trung bình bạn sử dụng điều hòa trong 3 – 4 tháng, từ tháng 4 tháng 7 mỗi năm. Bạn chỉ cần vệ sinh mỗi năm 2 lần, đầu mùa và cuối mùa. Còn nếu bạn sử dụng điều hòa liên tục, gần như 12/24 giờ như ở các công sở thì cần thiết vệ sinh thêm 1 lần vào giữa chu kỳ sử dụng, chẳng hạn cứ 3 tháng vệ sinh 1 lần.
Tốt nhất mỗi năm nên vệ sinh máy điều hòa từ 2 – 3 lần
Kiểm soát gió, tốt nhất khi phòng đã mát, không nên bật thêm quạt điện, bạn cũng không nên chọn chế độ gió to nhất trên điều khiển của điều hòa. Vừa tốn điện lại hại sức khỏe. Nếu phòng quá rộng so với công suất điều hòa, ví dụ phòng 20m2 nhưng chỉ có điều hòa 9.000BTU thì khó lòng mát được. Bạn có thể sử dụng thêm quạt điện nhưng chỉ 1 giờ đầu, chế độ quạt nhỏ nhất hoặc trung bình. Sau khi phòng mát, bạn cần tắt quạt điện đi. Quạt điện có chức năng hẹn giờ nên bạn có thể sử dụng tính năng này. Khi điều hòa hoạt động ổn định, đạt được mức nhiệt độ cho phép, quan sát bằng cách đèn báo chỉ thị có tắt đi ít nhất 1 lần ở nền nhiệt mong muốn (ví dụ 280C), bạn giảm mức gió xuống nhỏ nhất. Tuyệt đối không nằm ngược hướng thổi ra của điều hòa và không chĩa thẳng quạt điện vào mặt.
Kiểm soát chênh lệch nhiệt độ. Nếu bạn chỉ ra ngoài đi uống nước hoặc đi vệ sinh thì điều này không đáng ngại. Nhưng nếu bạn đi ra ngoài hẳn, bế con đi chơi, ra phòng khách tán chuyện, tiếp khách hoặc làm đủ thập cẩm công việc khác, bạn cần để cơ thể thích nghi với nhiệt độ. Trước khi ra khỏi phòng từ 15 – 30 phút, bạn nên tắt điều hòa. Khi đó nhiệt độ trong phòng điều hòa sẽ nhanh chóng chạm tới mức 300C. Mức nhiệt này so với mức nhiệt thực của môi trường không quá lớn để gây ra ốm. Tuyệt đối không chạy ra ngoài ngay lập tức, nhất là trẻ nhỏ chạy ra ngoài để chơi, chốc chốc lại chạy vào điều hòa, thì dễ bị ốm.
Trên đây là đôi điều lưu ý về sử dụng điều hòa nhiệt độ. Sẽ còn một vài chi tiết nữa nhưng nếu thực hiện tốt các điểm trên đây thì bạn đã coi như khỏe cả mùa nóng mà không lo mắc bệnh.
BS. YÊN LÂM PHÚC
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.