Thở máy xâm nhập điều trị suy hô hấp có thể gây biến chứng và hậu quả lâu dài cho người bệnh Covid-19 nặng, các bác sĩ đang rút kinh nghiệm và thận trọng hơn khi đưa ra quyết định dùng hay khi nào mới đặt máy thở xâm nhập cho người bệnh.
Máy thở xâm nhập là gì?
Máy thở xâm nhập là hình thức thông khí nhân tạo qua nội khí quản hoặc canun mở khí quản, phương thức thông khí xâm nhập trong đó bệnh nhân thở máy với thể tích lưu thông được đặt trước, tần số thở theo tần số tự thở của bệnh nhân.
Phương thức này kiểm soát được thể tích lưu thông của bệnh nhân nhưng không kiểm soát chặt chẽ được thông khí phút và áp lực đường thở sẽ thay đổi tùy theo tình trạng cơhọc phổi. Khi sử dụng phương thức này, bệnh nhân không cần ngừng thở hoàn toàn, do đó không cần sử dụng thuốc giãn cơ.
Khi nào sử dụng máy thở xâm nhập?
Máy thở xâm nhập được chỉ định trong hầu hết các suy hô hấp cấp, trừ các trường hợp cần thông khí theo phương thức giảm thông khí phế nang điều khiển.
Ngoài ra, máy còn được sử dụng khi bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp do chấn thương đụng dập phổi, do đuối nước, do hít…
Bệnh nhân bị giảm thông khí phế nang do bệnh lý thần kinh cơ, bệnh lý thần kinh trung ương, ngộ độc cũng có thể sử dụng máy này.
Bên cạnh đó còn một số trường hợp máy thở xâm nhập được sử dụng như đợt cấp của suy hô hấp mạn tính hay sau cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Được chẩn đoán nhiễm nCoV, bác sĩ Andre Bergmann biết chính xác nơi ông muốn được điều trị: khoa phổi Bệnh viện Bethanien, thành phố Moers, tây bắc nước Đức. Lý do, nhân viên y tế tại đây rất hạn chế cho bệnh nhân sử dụng máy thở. Ông lo ngại can thiệp xâm lấn có thể để lại biến chứng lâu dài.
Sau khi nhập viện và được dùng mặt nạ oxy, Bergmann vẫn cảm thấy khó thở, song các bác sĩ điều trị quyết không đặt nội khí quản (ống nhựa nối từ máy thở vào phổi). Thay vào đó, họ để bệnh nhân sử dụng thêm morphine. Một tuần sau, bệnh tình cải thiện, ông Bergmann đủ khỏe để trở về nhà.
Trường hợp của bác sĩ Bergmann là ví dụ điển hình về sự thay đổi trong phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tuyến đầu chống dịch.
Trước đó, thở máy gần như là điều không tránh khỏi đối với bệnh nhân nặng. Các nước trên thế giới cũng ráo riết bổ sung thiết bị, coi chúng như “vũ khí chính” trong cuộc chiến với nCoV.
Tuy nhiên khi hiểu rõ hơn về những biến chứng lâu dài khi thở máy xâm lấn, các bác sĩ cân nhắc kỹ và chuyển sang các phương pháp thay thế. Máy thở, với một ống nhựa thông vào trong phổi, chỉ được dành cho các ca rất nghiêm trọng.
Trong một cuộc phỏng vấn, 30 bác sĩ và chuyên gia y tế tuyến đầu chống dịch tại Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ, đều đồng ý rằng máy thở cực kỳ cần thiết trong quá trình cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên họ cũng nhấn mạnh rủi ro từ việc thở máy xâm lấn quá sớm và sử dụng trong thời gian dài.
Thông thường, người nhiễm nCoV sẽ được đặt nội khí quản, sử dụng nhiều thuốc an thần để ổn định nhịp thở trong cả quá trình. Những bệnh nhân thiếu oxy nghiêm trọng thường sử dụng máy thở từ hai đến ba tuần, khả năng sống sót là 50%. Dù dữ liệu chưa hoàn chỉnh, các nghiên cứu y khoa gần đây cho thấy nếu cùng tình trạng phải thở máy, tỷ lệ người mắc Covid-19 cao hơn các bệnh khác như viêm phổi hoặc suy phổi.
Thông thường, người gặp vấn đề hô hấp nghiêm trọng có 50% cơ hội sống sót. Nghiên cứu gần đây của Anh cho thấy hai phần ba số bệnh nhân Covid-19 được đặt máy thở đã tử vong. Tại một khu hồi sức tích cực ở Vũ Hán, Trung Quốc, 82% trong số 22 bệnh nhân Covid-19 đã qua đời sau khi thở máy xâm lấn, theo báo cáo trên tạp chí y khoa Lancet hồi tháng 2. Tình trạng tương tự diễn ra ở Mỹ.
Quá trình thở máy và sử dụng nhiều thuốc an thần cũng làm đình trệ hoạt động của nhiều cơ hô hấp. Việc phục hồi có thể kéo dài hoặc để lại tổn thương vĩnh viễn ở phổi.
Tại bang Louisiana, Mỹ, các bác sĩ của Hệ thống Bệnh viện Ochsner Health phát hiện bệnh nhân Covid-19 thường xuất hiện hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS). Triệu chứng bao gồm khó thở hoặc thở gấp.
“Ban đầu, chúng tôi nhanh chóng đặt nội khí quản khi thấy ARDS. Song bài học rút ra theo thời gian là cần hạn chế phương pháp này”, ông Robert Hart, giám đốc y tế của bệnh viện, cho biết.
Thay vào đó, nhân viên y tế chuyển sang sử dụng mặt nạ oxy hoặc ống thông qua mũi, cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Các bác sĩ ở Bênh viện Đồng Tế, Đại học Khoa học Công nghệ Huazhong, kết luận tương tự sau khi sức khỏe một số bệnh nhân thở máy không cải thiện.
“Covid-19 khiến phổi biến đổi ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Bệnh viện quyết định hạn chế đặt nội khí quản”, Xu Shuyun, bác sĩ khoa hô hấp, cho biết.
Luciano Gattinoni, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Gây mê, Cấp cứu và Chăm sóc Tích cực tại Đại học Gottech, Đức, là một trong những người đầu tiên đặt câu hỏi về cách sử dụng máy thở điều trị Covid-19.
“Khi nhìn thấy ảnh chụp CT, tôi nhận ra căn bệnh không giống với những gì chúng ta từng đối phó trong suốt 40 năm qua”, ông Gattinoni nói.
Trong báo cáo được xuất bản bởi Hiệp hội Lồng ngực Mỹ ngày 30/3, ông và đồng nghiệp khẳng định căn bệnh không dẫn đến các vấn đề hô hấp thường thấy. Phổi của bệnh nhân Covid-19 đến giai đoạn ARDS vẫn hoạt động tốt hơn mong đợi. Như vậy can thiệp xâm lấn là biện pháp không cần thiết.
Bên cạnh đó, bệnh nhân thở máy phải điều trị ở ICU trong thời gian dài, gây ra tình trạng thiếu hụt giường bệnh và thiết bị cho các ca nhiễm mới, tạo nên một vòng luẩn quẩn.
Song các chuyên gia cũng nhấn mạnh đây không phải bằng chứng cho thấy máy thở khiến bệnh nhân tử vong nhanh hơn. Các nhà khoa học cần tìm hiểu sâu sắc về vấn đề này. Nhiều bác sĩ thừa nhận đây vẫn là thiết bị cứu sinh quan trọng, đặc biệt trong trường hợp bệnh chuyển nặng nhanh chóng, thường xảy ra khi bệnh nhân trải qua hội chứng giải phóng cytokine.
Các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm lấn như mặt nạ oxy dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên chúng cũng giải phóng khí dung (aerosol), các hạt siêu nhỏ chứa virus, làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong ICU. Một số bác sĩ cho biết ban đầu họ tránh sử dung mặt nạ oxy cũng bởi lý do đó. Nhiều chuyên gia tại New York cũng chú ý hơn tới các bệnh nhân không có triệu chứng bất thường dù lượng oxy trong cơ thể rất thấp. Thay vì đặt ống thở ngay lập tức, họ để người bệnh nằm sấp, giúp giảm áp lực lên phổi.
Theo Vnexpress
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Phương pháp xét nghiệm virus corona, phòng xét nghiệm nào đủ tiêu chuẩn
Chưa có bình luận.