Sự khác biệt giữa tế bào ung thư kỳ quái và tế bào bình thường
Ung thư là căn bệnh nan y, nguy hiểm, tên gọi chung của một tập hợp các bệnh có liên quan. Trong bất kỳ bệnh ung thư nào cũng đều có sự xuất hiện của các tế bào bất thường, vốn là những tế bào bình thường của cơ thể, nhưng nay phân chia, nhân lên mất kiểm soát, xâm lấn các mô xung quanh và có thể di căn đi xa.
Ung thư có thể xuất hiện ở gần như bất kỳ đâu trong một ngàn tỷ tế bào của cơ thể. Bình thường, các tế bào lớn lên và phân chia để hình thành tế bào mới, là cách thức mà cơ thể người sinh trưởng và phát triển. Tất yếu, các tế bào cũ sẽ dần già đi hoặc bị tổn hại, chết đi, và được thay thế bởi các tế bào mới.
Khi ung thư xuất hiện, quá trình tự nhiên này bị phá vỡ. Các tế bào ngày càng trở nên bất thường, các tế bào già cũ không chết đi mà tiếp tục phát triển, liên tục sản sinh các tế bào mới. Chúng cứ thế nhân lên không kiểm soát, và cuối cùng tạo thành khối bất thường mà chúng ta gọi là khối u.
Rất nhiều loại ung thư hình thành khối u rắn, đa số có bản chất là các khối mô. Các loại ung thư máu, ví dụ như leukemia, lại thường không xuất hiện u rắn.
Các khối u trong ung thư có tính chất ác tính, có nghĩa là chúng có khả năng xâm lấn ra xung quanh. Trong quá trình phát triển lớn lên, các tế bào ung thư có thể đi xa tới các vùng khác của cơ thể thông qua hệ tuần hoàn hoặc hệ bạch huyết, hình thành khối u mới tách biệt hoàn toàn với khối u ban đầu, gọi là di căn.
Có hơn 100 loại bệnh ung thư. Các loại ung thư có thể phát triển ở bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể. Loại ung thư thường được đặt tên cho các cơ quan, mô hoặc các tế bào mà nó phát triển trong đó.
Không giống các khối u ác tính, u lành tính không có tính xâm lấn, dù đôi khi u lành tính cũng có kích thước rất lớn. Khi loại bỏ u bằng phẫu thuật, u lành tính thường không tái phát (trong khi u ác tính rất hay tái phát). Tuy nhiên không phải lúc nào u lành tính cũng vô hại, ví dụ như trường hợp u não lành tính có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Sự khác nhau giữa tế bào bình thường và tế bào ung thư
+ Tăng trưởng tế bào
Tế bào bình thường sẽ ngừng phát triển khi có đủ tế bào. Ví dụ, nếu các tế bào đang được sản xuất để sửa chữa vết cắt trên da, các tế bào mới không còn được sản xuất khi có đủ các tế bào hiện diện để lấp đầy vết đứt.
Ngược lại, tế bào ung thư không ngừng phát triển khi có đủ tế bào. Chúng có khả năng nhân lên vô hạn và xâm lấn ra xung quanh. Sự tăng trưởng liên tục này thường dẫn đến một khối u (một cụm tế bào) được hình thành.
+ Kém biệt hóa
Một điểm khác biệt rất quan trọng giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường, là tế bào ung thư kém biệt hóa hơn. Trong khi các tế bào bình thường sinh ra, lớn lên, trưởng thành và biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau đảm nhiệm các chức năng khác nhau, tế bào ung thư lại kém hoặc không biệt hóa. Điều đó lý giải tại sao tế bào ung thư lại có thể phân chia, nhân lên vô độ – điều mà tế bào bình thường thể làm.
+ Sự kết nối
Các tế bào ung thư không kết nối với các tế bào khác như các tế bào bình thường. Các tế bào bình thường phản ứng với các tín hiệu được gửi từ các tế bào lân cận. Các tế bào ung thư không đáp ứng với các tín hiệu này.
+ Sửa chữa và sự chết đi
Các tế bào bình thường hoặc được sửa chữa hoặc chết (trải qua quá trình tự hủy) khi chúng bị hư hỏng hoặc già đi. Tế bào ung thư (TBUT) không bị ảnh hưởng bởi “hiệu lệnh” này. Các tế bào UT không sửa chữa cũng không chết đi. Chúng cũng thoát khỏi một quá trình gọi là “chết theo chương trình” (apoptosis) – vốn là cách cơ thể đào thải những tế bào không cần thiết ra khỏi cơ thể.
Ví dụ, một protein có tên p53 có nhiệm vụ kiểm tra xem một tế bào có bị hư hỏng quá nhiều để sửa chữa hay không và nếu có, hãy “khuyên” tế bào tự tiêu diệt. Nếu protein p53 này bất thường hoặc không hoạt động, các tế bào cũ hoặc bị hư hỏng được phép sinh sản.
+ Khả năng lây lan nhanh (di căn)
Các tế bào bình thường ở trong khu vực nhất định của cơ thể. Ví dụ, các tế bào phổi vẫn còn trong phổi. Các tế bào UT, vì chúng thiếu các phân tử kết dính nên có thể di chuyển qua hệ thống máu và bạch huyết đến các khu vực khác của cơ thể – chúng có khả năng di căn. Một khi chúng đến một khu vực mới (như hạch bạch huyết, phổi, gan hoặc xương) chúng bắt đầu phát triển, hình thành các khối u cách xa khối u ban đầu.
+ Cung cấp máu
Các tế bào ung thư có thể tác động vào vi môi trường xung quanh nó, bao gồm các tế bào bình thường, các phân tử và các mạch máu nuôi dưỡng xung quanh khối u. Nghĩa là, các tế bào UT có khả năng kích thích các tế bào bình thường hình thành các mạch máu nhằm cung cấp ô xy, chất dinh dưỡng và đào thải chất cặn bã để nuôi dưỡng, phát triển khối u.
+ Sự xâm lấn
Các tế bào bình thường lắng nghe tín hiệu từ các tế bào lân cận và ngừng phát triển khi chúng xâm lấn vào các mô lân cận. Các tế bào ung thư xâm chiếm các mô lân cận.
+ Trốn tránh hệ thống miễn dịch
Khi các tế bào bình thường bị tổn thương, hệ thống miễn dịch (thông qua các tế bào gọi là tế bào lympho) sẽ xác định và loại bỏ chúng. Các tế bào UT có khả năng qua mặt hệ miễn dịch của cơ thể đủ lâu để phát triển thành khối u bằng cách thoát khỏi sự phát hiện hoặc tiết ra các hóa chất làm bất hoạt các tế bào miễn dịch. Bình thường hệ miễn dịch của cơ thể con người có nhiệm vụ chống lại sự viêm nhiễm, cũng như đào thải những tế bào bất thường hoặc những tế bào đã bị hư hại. Tuy nhiên tế bào UT lại có khả năng “ẩn mình” trước hệ miễn dịch của cơ thể, qua đó không bị tiêu diệt.
Không những qua mặt hệ miễn dịch, khối u còn có thể sử dụng hệ miễn dịch để tồn tại và phát triển. Ví dụ khối u có thể lợi dụng một số tế bào miễn dịch phát tín hiệu giả, nhờ đó mà hệ miễn dịch sẽ không tiến hành loại bỏ những tế bào ung thư.
+ Chức năng của tế bào thường, tế bào ung thư
Các tế bào bình thường thực hiện đúng chức năng của chúng, nhưng các tế bào UT thì không. Ví dụ, các tế bào tuyến giáp bình thường sản xuất hormone tuyến giáp. Các tế bào tuyến giáp ung thư (ung thư tuyến giáp) có thể không sản xuất hormone tuyến giáp. Trong trường hợp này, cơ thể có thể thiếu hormone tuyến giáp (suy giáp) mặc dù lượng mô tuyến giáp tăng lên.
+ Độ dính
Các tế bào bình thường tiết ra các chất làm cho chúng dính lại với nhau trong một nhóm. Các tế bào ung thư không thể tạo ra các chất này và có thể trôi dạt vào các vị trí gần đó, hoặc qua đường máu, hệ thống bạch huyết đến các vùng khác nhau trong cơ thể.
+ Hình ảnh
Khi soi dưới kính hiển vi, các tế bào ung thư thường biến đổi nhiều hơn về kích thước, một số nhỏ hơn hoặc lớn hơn bình thường. Các tế bào UT cũng có hình dạng bất thường. Nhân tế bào lớn hơn và tối hơn các tế bào bình thường. Lý do là nhân của các tế bào ung thư chứa ADN dư thừa.
+ Sự bất ổn về bộ gene
Các tế bào bình thường có ADN bình thường và số lượng nhiễm sắc thể bình thường. Các tế bào ung thư thường có số lượng nhiễm sắc thể bất thường và ADN ngày càng trở nên bất thường khi nó phát triển vô số đột biến.
+ Tử vong
Các tế bào bình thường có tuổi thọ. Ngược lại, các tế bào UT đã tìm ra cách làm mới telomere – cấu trúc ADN ở cuối nhiễm sắc thể, để chúng có thể tiếp tục phân chia vô thời hạn. Điều này giải thích tại sao ung thư có thể tái phát sau nhiều năm, đặc biệt là với các khối u như ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen.
Tế bào UT khác biệt hẳn so với tế bào bình thường ở rất nhiều phương diện. Đây cũng chính là lý do mà chúng trở nên ‘bất trị’
Yhocvn.net
BÀI UCNGF CHỦ ĐỀ:
+ Hóa trị trong điều trị ung thư
+ Những lưu ý khi điều trị đau do ung thư
Chưa có bình luận.