Thứ Tư, 11/10/2023 | 14:09

Những gì bạn không biết về Hội chứng ruột kích thích

Một số người gặp vấn đề về đường ruột như đau bụng, đi ngoài nhiều nhiều lần hoặc táo bón, thay đổi trạng thái phân và bị tái đi tái lại nhiều lần. Nhưng sau khi đi khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hoá ở ruột. Đó là dấu hiệu đã mắc Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome-IBS). Vậy Hội chứng ruột kích thích có biểu hiện cụ thể như thế nào? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.

1. Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?

Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome-IBS) là hội chứng rối loạn chức năng tiêu hóa, là nguyên nhân gây đau bụng, thay đổi nhu động ruột, bao gồm tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cả hai.

Bệnh gây ra những triệu chứng trên nhưng không gây ra bất kỳ tổn thương nào rõ ràng cho đường tiêu hóa.

Chúng được chia làm ba dạng:

• Hội chứng ruột kích thích có triệu chứng táo bón gọi là IBS-C

• Hội chứng ruột kích thích có triệu chứng tiêu chảy gọi là IBS-D

• Hội chứng ruột kích thích gây ra cả tiêu chảy và táo bón gọi là IBS-A

2. Triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích

Người bị Hội chứng này thường có những hiện tượng sau:

• Thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón)

• Thay đổi trạng thái phân (viên cứng nhỏ hoặc phân lỏng)

• Bị đau và đau quặn vùng bụng, thường giảm sau khi đi đại tiện

• Đầy hơi, chướng bụng

• Cảm giác đi đại tiện không hết.

• Có chất nhầy trong phân.

Phân biệt gữa Hội chứng ruột kích thích và Viêm đưởng ruột

Thông thường Hội chứng ruột kích thích và Viêm đường ruột có triệu chứng gần giống nhau. Tuy nhiên,

Bệnh không gây ra các tổn thương cho đường tiêu hóa nhưng Viêm đường ruột thì làm tổn thương đường tiêu hóa và gây ra viêm mãn tính.

Cả hai đều có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh sau:

• Bệnh Celiac

• Viêm ruột thừa

• Ung thư ruột kết

• Không dung nạp lactose

Bệnh Crohn và Viêm loét đại tràng là hai trong số các loại Viêm đường ruột phổ biến nhất. Cả hai bệnh đều gây ra những thay đổi trong nhu động ruột và đau dạ dày. Tuy nhiên, một người mắc Viêm đường ruột có nhiều khả năng mắc các hội chứng sau hơn người mắc Hội chứng ruột kích thích:

• Phân có máu

• Ăn mất ngon

• Sốt

• Giảm cân

• Những người mắc Viêm đường ruột cũng có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn.

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích

Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:

a-  Chế độ ăn uống

Các yếu tố chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò trong việc kích hoạt các triệu chứng.

Các triệu chứng thường trở nên tồi tệ hơn sau khi một người tiêu thụ một số sản phẩm, có thể bao gồm sô cô la, sữa hoặc rượu. Những thực phẩm này có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy.

Một số loại trái cây, rau và nước ngọt cũng có thể gây đầy hơi và khó chịu như táo, mơ, đào, anh đào, lê, mận, bông cải xanh, cải bắp, cải thảo, súp lơ trắng…

Các loại thực phẩm khác có thể là tác nhân làm các triệu chứng xuất hiện bao gồm:

• Sản phẩm từ sữa

• Kẹo cao su không đường

• Một số loại kẹo

• Các sản phẩm có chứa Caffein

• Rượu bia

b-  Ngộ độc thực phẩm và viêm nhiễm

Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa Hội chứng ruột kích thích và ngộ độc thực phẩm. Trên thực tế, cứ 9 người thì có 1 người bị ngộ độc thực phẩm, sau đó sẽ phát bệnh thành Hội chứng ruột kích thích. Các vi khuẩn liên quan đến viêm dạ dày, viêm ruột có thể có tác động đến hệ thống miễn dịch dẫn đến những thay đổi lâu dài trong ruột.

Sau khi bị viêm dạ dày, viêm ruột có thể gây thành Hội chứng ruột kích thích.

c- Stress

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa não và ruột, có nghĩa là khi một người bị stress hoặc lo lắng, điều đó có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh.

Bệnh có thể liên quan đến sức khỏe tâm thần. Ví dụ: nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương có nguy cơ mắc Hội chứng ruột kích thích cao hơn so với người bình thường.

d-  Những nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác có thể đóng vai trò gây ra bệnh, bao gồm:

• Yếu tố di truyền

• Hormone

• Cơ quan tiêu hóa có độ nhạy cảm cao với cơn đau

• Phản ứng với thuốc

• Phản ứng bất thường với viêm nhiễm

• Trục trặc ở các cơ vận chuyển thức ăn đi khắp cơ thể

• Hệ thống thần kinh trung ương không có khả năng kiểm soát hệ thống tiêu hóa

4. Phương pháp điều trị

Các phương pháp điều trị nhằm mục đích giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều trị bệnh thường liên quan đến một số thay đổi về chế độ ăn uống và lối sống, cũng như học cách kiểm soát căng thẳng.

a-  Quản lý chế độ ăn uống

Các bước sau đây có thể giúp giảm các triệu chứng:

– Tránh các chất thay thế đường trong một số loại kẹo cao su, thực phẩm ăn kiêng và đồ ngọt không đường vì chúng có thể gây tiêu chảy.

– Tiêu thụ nhiều thực phẩm làm từ yến mạch để giảm đầy hơi.

– Không bỏ bữa.

– Ăn đúng giờ mỗi ngày.

– Ăn chậm.

– Hạn chế uống rượu.

– Tránh đồ uống có ga, có đường như soda.

– Hạn chế ăn một số loại trái cây và rau quả gây ra chứng đầy hơi và khó chịu.

– Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày

– Tránh gluten.

Các bước ăn kiêng cũng có thể giúp một người giảm nguy phát bệnh bao gồm:

• Chỉ ăn cho đến khi no thì dừng

• Hạn chế cà phê, trà hoặc đồ uống có chứa caffein không quá 2 cốc mỗi ngày

• Tránh các thực phẩm gây nên các triệu chứng của bệnh

• Thay đổi thói quen ăn uống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Tuy nhiên, không có một chế độ ăn kiêng cho người mắc bện nào phù hợp với tất cả mọi người. Một người có thể cần phải trải qua quá trình thử và sai để tìm ra một chế độ ăn uống phù hợp với họ.

b-  Trị liệu tâm lý

Một số người có thể thấy liệu pháp tâm lý hữu ích trong việc giảm các đợt phát bệnh và tác động của các triệu chứng. Các kỹ thuật bao gồm:

• Liệu pháp thôi miên có thể giúp thay đổi cách tâm trí vô thức phản ứng với các triệu chứng thực thể.

• Liệu pháp nhận thức-hành vi có thể giúp phát triển các chiến lược phản ứng khác nhau với tình trạng bệnh thông qua các kỹ thuật thư giãn và thái độ tích cực.

• Tập thể dục cũng có thể giúp giảm cả trạng thái lo âu và các triệu chứng thể chất của bệnh

c-  Thuốc

Các loại thuốc dành riêng cho điều trị Hội chứng ruột kích thích bao gồm:

• Thuốc chống trầm cảm Tricyclic Antidepressants (TCA): Thuốc này thường giúp giảm đau và co thắt vùng bụng. Đối với những bệnh nhân bị mắc bệnh mà không bị trầm cảm sẽ được chỉ định với liều lượng thấp.

• Thuốc kháng Cholinergic: thuốc kháng Cholinergic là lựa chọn giúp bạn giảm thiểu những cơn đau bụng âm ỉ do co thắt ruột, làm giảm quá trình nhu động ruột cũng như sự co bóp cơ trơn ở hệ tiêu hóa.

• Alosetron (Lotronex) điều trị Hội chứng ruột kích thích tiêu chảy nặng. Loại thuốc này có công dụng giảm đau bụng, làm chậm sự di chuyển của phân. Do đó, người bệnh có thể hạn chế được tình trạng đi ngoài đột ngột.

• Lubiprostone (Amitiza): Đây là nhóm thuốc hoạt động với cơ chế tăng tiết chất lỏng trong ruột non, thúc đẩy phân di chuyển dễ dàng hơn, người bệnh sẽ không phải rặn mót hoặc gặp khó khăn khi đại tiện. 

• Linaclotide: là thuốc dùng để điều trị tình trạng táo bón trong hội chứng ruột kích thích hoặc chứng táo bón vô căn mạn tính. Trước khi ăn khoảng 30 phút bạn có thể uống thuốc này để làm mềm phân, giảm thiểu chướng bụng hoặc đi ngoài cảm giác chưa hết phân.

Trong quá trình sử dụng người bệnh có thể bị tiêu chảy nhẹ, đau bụng khó chịu. Khi gặp các dấu hiệu bất thường như phát ban, sưng mặt, khó thở… nên liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý.

• Rifaximin (Xifaxan), một loại kháng sinh có thể giúp giảm tiêu chảy ở những người mắc Hội chứng ruột kích thích, có tác dụng đối với vi khuẩn trong dạ dày.

• Eluxadoline (Viberzi) dùng để điều trị tiêu chảy và những cơn đau bụng ở những người bị Hội chứng ruột kích thích tiêu chảy thông qua cơ chế giảm cơ co thắt và bài tiết chất lỏng bên trong ruột. Đồng thời, thuốc còn làm tăng trương lực cơ ở trực tràng giúp người bệnh giảm số lần đi đại tiện.

Đây thường là phương pháp điều trị cuối cùng khi các biện pháp can thiệp bằng lối sống hoặc trị liệu khác không giúp ích được gì và các triệu chứng vẫn nghiêm trọng.

Những loại thuốc trên là thuốc có kê đơn, cần đến gặp bác sỹ để xin chỉ định.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn như sau:

Thuốc nhuận tràng: nếu gặp phải tình trạng táo bón, rặn mót bệnh nhân nên sử dụng thuốc có hoạt chất như: Polyethylene glycol, Magie hidroxit. Bởi vì chúng có tác dụng nhuận tràng, làm tăng nhu động ruột. Giống như là cơ thể đang được bổ sung một lượng lớn chất xơ. Phân sẽ được làm mềm giúp đại tiện dễ dàng hơn.

Thuốc giảm đau: bệnh nhân có thể dùng thuốc có hoạt chất như Pregabalin, Gabapentin để giảm nhẹ cơn co thắt, đau quặn bụng.

Thuốc trị tiêu chảy:  khi bị tiêu chảy bệnh nhân có thể lựa chọn thuốc có thành phần là Loperamide hydrochloride hoặc Diphenoxylate. Những loại thuốc này có tác dụng tăng trương lực cơ co thắt hậu môn, giảm nhu động ruột từ đó giảm số lần đi đại tiện.

Đồng thời thuốc còn đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, giảm tiết dịch và làm tăng độ đặc của phân. Do đó tình trạng đi ngoài phân lỏng sẽ được cải thiện nhanh chóng. Ngoài ra, nên uống nhiều nước và bổ sung các chất điện giải nhằm bù lại lượng đã mất do tiêu chảy.

Chế phẩm sinh học: Probiotics là những vi sinh vật có lợi cho đường ruột giúp cải thiện tình trạng khó chịu. Do vậy, khi bị Hội chứng ruột kích thích với các triệu chứng như chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy nên sử dụng các chế phẩm sinh học để cân bằng vi sinh vật, thúc đẩy khả năng tiêu hóa. Một số sản phẩm có thể sử dụng như men tiêu hóa, sữa chua …

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Bật mí cách xoa bụng chữa đầy hơi cực hiệu quả

Chướng bụng, đầy hơi nên ăn gì giúp giảm nhanh

Nghiên cứu mới về điều trị hội chứng ruột kích thích với chế độ ăn kiêng FODMAP thấp

Những phương pháp phòng bệnh hội chứng ruột kích thích hữu hiệu

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook