Khi bạn bơi hay tắm rửa, nước dễ tràn vào bên trong lỗ tai. Thông thường, nước sẽ thoát ra một cách tự nhiên, còn không, nước ứ lại có thể gây nhiễm trùng. Vậy cách nào lấy ra?
Xử lý nước đọng trong tai
Cảm giác khó chịu kéo dài từ tai tới hàm hoặc cổ họng là triệu chứng điển hình của việc nước mắc kẹt trong tai, kèm theo đó là vấn đề về thính giác và âm thanh nghe như bị nghẹt.
Lúc ấy, mọi người cần tránh đưa vật lạ như bút, ngón tay, tăm bông, hay cây ngoáy tai vào trong ống tai, vì dễ gây tổn hại lớp niêm mạc và tăng nguy cơ nhiễm trùng tai. Thay vào đó, có một số cách an toàn để lấy nước ra khỏi tai sau:
– Kéo hoặc giật dái tai trong khi nghiêng đầu xuống vai về phía có nước. Bạn cũng nên thử lắc đầu từ bên này sang bên kia.
– Tạo áp lực chân không bằng cách nghiêng đầu sang một bên và giữ lòng bàn tay khum chặt trên tai. Bằng cách ép thẳng lòng bàn tay rồi khum lại nhanh chóng, lực chân không có thể kéo nước ra ngoài.
– Áp vải ấm vào tai khoảng 30 giây, lặp lại bốn hoặc năm lần, mỗi lần cách nhau một phút. Nằm xuống hoặc nghiêng đầu về bên bị ảnh hưởng cũng giúp nước mau ráo.
– Làm bay hơi phần nước trong tai bằng máy sấy. Bật máy sấy ở nhiệt độ thấp nhất và giữ cách đầu khoảng 30cm. Kéo dái tai xuống trong khi di chuyển máy sấy qua lại, luồng hơi nóng có thể làm bay hơi lượng nước mắc kẹt.
– Pha dung dịch gồm một nửa cồn và một nửa giấm vào lọ, nhỏ tai vô trùng. Chất cồn giúp làm bay hơi nước, trong khi giấm ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Nhỏ 3 hoặc 4 giọt dung dịch vào tai. Sau 30 giây, bạn nên nghiêng đầu sang một bên để phần dung dịch còn thừa thoát ra ngoài.
– Pha loãng dung dịch rửa hydrogen peroxide với nước. Mỗi lần sử dụng từ 3-4 giọt dung dịch. Sau 2-3 phút, nghiêng đầu về bên bị ảnh hưởng để chất lỏng thoát ra.
Lưu ý: Không sử dụng các phương thức nhỏ dung dịch vào tai kể trên nếu bạn đang bị nhiễm trùng tai, thủng màng nhĩ, hoặc viêm ống tai.
Theo Ngọc Hạ / Phụ Nữ TP.HCM
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.