Thứ Ba, 06/09/2016 | 13:16

Những bệnh lý thường gặp bao gồm: viêm phế quản cấp, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản

Bình thường khi hít thở không khí được niêm mạc đường hô hấp trên như niêm mạc mũi – họng sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần trước khi đi vào khí quản. Đường hô hấp dưới (khí, phế quản, phổi) được bảo vệ bằng một số cơ chế:

Thứ nhất: sụn nắp thanh thiệt hoạt động như một chiếc nắp đậy lên thanh quản, tránh cho các chất như thức ăn, dịch ở đường hô hấp trên rơi vào lòng khí phế quản.

Thứ hai: trên bề mặt niêm mạc khí phế quản có những tế bào hình đài bài tiết chất dịch nhầy và lớp tế bào biểu mô với nhiều lông chuyển nhỏ (nhung mao) trên bề mặt. Lớp dịch nhầy kết dính các phân tử  bụi, vi khuẩn, virus có trong không khí hít thở vào. Trong lớp niêm dịch này có một số yếu tố bảo vệ như kháng thể làm ức chế hoạt động của các virus, vi khuẩn. Các nhung mao trên bề mặt phế quản chuyển động đẩy lớp niêm dịch theo hướng từ các phế quản nhỏ lên các phế quản lớn như phế quản thuỳ, phế quản gốc. Từ đó dịch nhầy được ho khạc ra hoặc ta tự động nuốt xuống đường tiêu hoá trong khi ngủ. Ở lớp dưới niêm mạc phế quản và trong vách các phế nang cũng có các tế bào đại thực bào, các tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn.

Các bệnh hô hấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ bệnh nhân, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những bệnh lý thường gặp bao gồm: viêm phế quản cấp, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản,… Dự phòng bệnh phổi bao gồm các biện pháp tránh các yếu tố gây bệnh và các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh nhằm làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh và mức độ nặng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ người bệnh cần đến các phòng tư vấn của các cơ sở y tế để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp, có hiệu quả.

Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh khói thuốc

Hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị giảm hoạt động làm giảm thải chất nhầy khỏi đường hô hấp. Các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả, do vậy dễ xuất hiện nhiễm trùng hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.

Giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ làm giảm đáng kể số bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính trong tương lai, làm chậm lại đáng kể tốc độ xấu đi của chức năng thông khí phổi. Bên cạnh đó, không hút thuốc làm giảm tần suất các nhiễm trùng hô hấp, căn nguyên hàng đầu gây các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản…

Cần tiến hành đồng thời các biện pháp nhằm làm giảm tỷ lệ hút thuốc. Các biện pháp bao gồm: các hoạt động cộng đồng, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, những bài giảng trong các trường học, các khẩu hiệu, tờ rơi, cấm hút thuốc tại những nơi công cộng, các công sở. Chương trình phòng chống hút thuốc lá cần có sự tham gia, ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ, ngành y tế, các hội khoa học nghề nghiệp, các tổ chức xã hội quần chúng. Việc tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá cần được tiến hành thường xuyên, với tất cả các lứa tuổi.

Tránh ô nhiễm không khí trong nhà

Cần giữ môi trường không khí trong nhà sạch, được luân chuyển để hạn chế nguy cơ lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp qua không khí. Cần chú ý ngay từ thiết kế xây dựng các căn nhà phải có hệ thống thông khí, đưa khí trời vào các phòng, luân chuyển khí trong phòng ra bên ngoài nhà, đặc biệt những nơi đông người.

Nhiều bụi, dị nguyên trong môi trường sống trong nhà là nguy cơ gây các đợt cấp bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc tạo môi trường sống trong nhà sạch làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, giảm nồng độ các dị nguyên gây các đợt cấp hen phế quản.

Vật nuôi: vật nuôi trong nhà là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người, đặc biệt với các bệnh nhân hen phế quản. Vật nuôi trong nhà có thể thải dị nguyên tới bất cứ nơi nào trong nhà, do vậy không có biện pháp hoặc hoá chất nào có thể loại trừ hoàn toàn các dị nguyên. Biện pháp tốt nhất là không nuôi bất cứ vật nuôi nào khi trong nhà đã có người được chẩn đoán hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Gián: là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các bệnh phổi mạn tính đặc biệt là hen phế quản. Cần hạn chế môi trường sống của gián bằng cách bịt kín các lỗ, khe hở trên tường và nền nhà, tránh ẩm và giảm lượng thức ăn thừa rơi vãi trong nhà. Ngăn chặn gián di cư từ nơi khác đến như qua các khe cửa. Dùng các hoá chất diệt gián và các bẫy gián.

Tránh ẩm: những nơi ẩm ướt trong nhà như tường nhà hoặc nền nhà là vị trí thuận lợi cho nấm phát triển, bên cạnh đó, môi trường không khí ẩm thấp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng đường hô hấp. Cần loại trừ những nơi ẩm ướt trên nền nhà, tường nhà, hoặc dùng máy hút ẩm, máy điều hòa nhiệt độ để làm giảm độ ẩm trong không khí xuống dưới 50%.

Tránh ô nhiễm không khí ngoài nhà, thay đổi thời tiết đột ngột

Một số nghiên cứu chỉ ra ô nhiễm không khí ngoài nhà có thể là căn nguyên gây các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong thành phần không khí chưa nhiều phần tử khí như ozone, nitrogen oxyde…, các phần tử khí này có thể tác động gây các cơn hen phế quản. Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi thành phần bụi, gia tăng các dị nguyên đường hô hấp, thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm trùng hô hấp.

Khí hậu lạnh và ẩm làm cho cơ thể càng dễ bị mất nhiệt. Khi trời lạnh quá, niêm mạc đường hô hấp trên không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường. Không khí hít vào đường hô hấp có nhiệt độ thấp gây nên tình trạng co các mạch máu nuôi lớp niêm mạc đường hô hấp. Yếu tố lạnh và sự giảm tưới máu này làm cho các lông chuyển trên bề mặt niêm mạc khí phế quản hoạt động kộm, các tế bào bảo vệ không có mặt nhiều ở đường hô hấp để bảo vệ. Hệ hô hấp từ mũi họng đến phế quản phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện rất rộng lớn gần 100 m2 nên đường hô hấp là cơ quan đầu tiên của cơ thể chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang, từ đó nhiễm trùng có thể lan lên tai gây viêm tai giữa, lan xuống gây viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cơn hen phế quản cấp do nhiễm trùng phế quản. Tuy nhiên cũng có trường hợp bị viêm phổi luôn mà không có biểu hiện viêm đường hô hấp trên rõ rệt.

Cần mặc ấm khi ra lạnh, giữ ấm mặt, cổ ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao, hoặc môi trường nhiều bụi; tránh hút thuốc, khói thuốc và khói bếp, nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.

Khi trời nóng nếu có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ, tuy nhiên không nên để quá lạnh, nhất là khi ngủ, đặc biệt là với người đã bị bệnh đường hô hấp mạn tính. Không nên để chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài nhà quá nhiều vì cơ thể sẽ khó thích ứng được. Thông thường chỉ nên để nhiệt độ trong phòng khoảng 26oC, chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài không quá 8oC.

Tiếp xúc nghề nghiệp

Cần tiến hành các biện pháp làm giảm tới mức thấp nhất ô nhiễm khói, bụi, các sản phẩm hoá chất ở nơi làm việc như bụi gỗ, thực vật, các protein hay gây kích thích như cua, tôm, sò, các dược liệu như kháng sinh, các chất xúc tác như chất tẩy giặt, các chất tiết của thú vật, côn trùng như ruồi, ong, bướm…, các muối kim loại như chrom, niken, các hoá chất nhựa. Cần loại bỏ việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở môi trường làm việc. Nếu có thể được nên chuyển công tác cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản sang những bộ phận khác có nồng độ khói, bụi thấp.

Chế độ dinh dưỡng

Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng.

Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.

Thuốc, vacxin phòng cúm, vacxin phòng phế cầu

Những bệnh nhân hen phế quản nên tránh dùng các thuốc aspirin, một số thuốc khác viêm không steroids khác khi đã từng xuất hiện cơn hen khi tiếp xúc với những thuốc này. Những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính có rối loạn thông khí tắc nghẽn không dùng các thuốc chẹn beta giao cảm.

Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm, tiêm vacxin phế cầu (5 năm một lần), vacxin phòng vi khuẩn haemophilus cho tất cả những người có bệnh phổi mạn tính làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm trùng hô hấp.

Tập luyện, phục hồi chức năng hô hấp

Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính song song với việc tập luyện toàn thân như đi bộ, đạp xe, cần được hướng dẫn biện pháp thở bụng, thở chúm môi, ho có điều khiển.

Việc ho có điều khiển kết hợp vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, do vậy cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở. Liệu pháp này đặc biệt có ý nghĩa với những bệnh nhân giãn phế quản. Trước vỗ rung và dẫn lưu tư thế, bệnh nhân cần được khám lâm sàng tỉ mỉ, kết hợp vời phim chụp X quang phổi hoặc phim chụp cắt lớp vi tính để xác định chính xác tư thế cần thiết cho việc dẫn lưu tư thế, với nguyên tắc vùng được dẫn lưu nằm ở trên cao. Mỗi lần vỗ rung kéo dài khoảng 15 – 30 phút, mỗi ngày nên làm 3 lần.

Điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp

Các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng cần được điều trị triệt để nhằm tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người già > 65 tuổi, hoặc ở những người mắc các bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi,… Do vậy, những bệnh nhân này cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc; ở những bệnh nhân nằm lâu cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp việc vỗ rung lồng ngực. Các nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp trên cũng cần được phát hiện và điều trị kịp thời tránh lan xuống đường hô hấp dưới.

Một số vấn đề khác

Béo phì

Giảm cân nặng ở những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính có béo phì làm cải thiện đáng kể chức năng thông khí phổi của các bệnh nhân, do đó làm giảm triệu chứng, tỷ lệ cơn bùng phát và tình trạng sức khoẻ chung của các bệnh nhân.

Điều trị các bệnh toàn thân khác như bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoạc mắc phải, suy tim…vì các bệnh lý này đều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng phế quản phổi.

Những căng thẳng cảm xúc

Xúc cảm có thể gây cơn hen phế quản, nguyên nhân là do xúc cảm làm tăng thông khí và giảm CO2 gây co thắt phế quản. Một số bệnh nhân xuất hiện cơn hen phế quản khi hoảng sợ.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook