Khu vực phía Nam hiện đang bước vào đầu mùa mưa, như thường lệ đây cũng là thời điểm thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Để đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở khu vực này hiện nay cũng như một số biện pháp phòng chống dịch, phóng viên đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Phạm Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình chung về dịch bệnh sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam hiện nay? So với năm 2015, dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay có gì đáng lưu ý?
Tiến sĩ Phạm Vũ Thượng: Sốt xuất huyết Dengue(SXHD) là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới và không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia. Kể từ khi được phát hiện lần đầu vào những năm 50 của thế kỷ trước, SXHD liên tục lan rộng, đến nay lưu hành ở 128 quốc gia của tất cả các châu lục trên thế giới, từ khu vực có khí hậu nhiệt đới đến cả vùng cận nhiệt đới và ôn đới, với gần 4 tỷ người sống ở đây có nguy cơ mắc bệnh. Số người mắc SXHD đã tăng hơn 30 lần trong vòng 50 năm qua và cứ mỗi thập niên qua đi số người mắc SXHD tăng gấp đôi bất chấp các nỗ lực phòng chống. Điển hình ở Singapore, đảo quốc điển hình về xanh – sạch – đẹp với nhiều mô hình kiểm soát muỗi lăng quăng, hàng năm nhưng vẫn bùng phát dịch SXHD.
Đầu năm nay, dưới tác động của hiện tượng El Nino, SXHD ở cả khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt nam, đều không giảm như chu kỳ hàng năm, mà tăng cao so với những năm trước. Đến nay, tình hình bệnh SXHD ở miền Nam đã có xu hướng giảm dần qua các tuần và ở hầu hết các tỉnh trong khu vực.
Dù vậy, số ca SXHD tăng cao ở thời điểm đầu năm là dấu hiệu báo động mùa mưa năm nay sốt xuất huyết sẽ tăng cao rất nhiều, có thể bùng phát thành dịch. Và cũng có nguy cơ kéo theo dịchbệnh do vi rút Zika – một bệnh cũng lây truyền qua muỗi vằn.
Phóng viên: Từ đầu năm đến nay, ở khu vực phía Nam đã có một số ca tử vong do sốt xuất huyết. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh này. Vậy ông đánh giá vấn đề này như thế nào? Công tác phòng chống dịch đã thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi chưa?
Tiến sĩ Phạm Vũ Thượng: Ngay từ đầu năm, Viện Pasteur TP.HCM đã dự báo SXHD sẽ tăng trở lại sau nhiều năm yên lặng dựa trên tình hình dịch bệnh SXHD tăng cao vào cuối năm 2015 và kéo dài đầu năm 2016 cùng một số yếu tố khách quan như hiện tượng El Nino, nắng nóng, khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong việc dự trữ nước mưa để sinh hoạt. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi sớm, trước khi mùa mưa đến, rộng khắp trên cả khu vực, đến từng hộ gia đình. Đồng thời, tình hình SXHD luôn được Viện Pasteur TP.HCM giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ổ dịch để tập trung xử lý hiệu quả.
Điểm nhấn của những biện pháp can thiệp là chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và Sốt xuất huyết” do Bộ Y tế phát động vào tháng 3/2016. Từ thời điểm đó, phòng trào đã lan rộng khắp đến từng tỉnh, từng huyện, xã và từng hộ dân với cao điểm là vào Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết – ngày 15/6 sắp tới. Nhiều hoạt động tích cực như đa dạng hình thức truyền thông trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội và lễ mít tinh kết hợp ra quân chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh SXH và Zika đã và sẽ tiếp tục diễn ra nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng để chủ động đón đầu mùa cao điểm của các dịch bệnh do muỗi truyền.
Nếu hoạt động phòng chống SXHD không tích cực, chủ động từ đầu năm, số mắc SXHD có thể đã cao hơn hiện nay rất nhiều. Và nếu những hoạt động này không được duy trì một cách quyết liệt, hiệu quả và thường xuyên, SXHD sẽ có thể bùng phát thành dịch lớn trong thời gian tới.
Phóng viên: Ông có thể cho biết một số giải pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết mà Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai, thực hiện với các tỉnh, thành phía Nam trong năm nay? Theo ông, cộng đồng cần lưu ý những gì để phòng chống dịch hiệu quả, hạn chế thấp nhất các ca tử vong do sốt xuất huyết có thể gây ra?
Tiến sĩ Phạm Vũ Thượng: Tổ chức Y tế Thế giới(TCYTTG) đã đánh giá thế kỷ 21 là thế kỷ của phòng chống bệnh SXHD. Vào năm 2005, TCYTTG đưa ra nhận định SXHD có thể trở thành một vấn đề y tế công cộng khẩn cấp được cộng đồng quốc tế quan tâm lo ngại do những tác động tiêu cực của dịch bệnh này đến đời sống xã hội con người và thành công của hoạt động phòng chống SXHD phải có sự tham gia của chính quyền.
Để nâng cao trách nhiệm, vai trò của cộng đồng, chính quyền trong phòng chống SXHD nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có SXHD, từ năm 2010, ASEAN đã quyết định chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”, thể hiện cam kết đầu tư nguồn lực và quan tâm thiết thực hơn nữa của chính quyền các quốc gia trong cuộc chiến chống lại SXHD – xem đây như là điều kiện tiên quyết để chiến đấu và chiến thắng căn bệnh này.
Ở nước ta, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định vai trò và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng chống dịch bệnh nói chung. Để chính quyền các cấp biết và quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa vào phòng chống SXHD, rất cần sự tham mưu đúng đắn và kịp thời của ngành y tế và rất cần các lớp tập huấn chuyên đề dành cho cán bộ chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, cộng đồng cũng cần được phổ biến kiến thức, giáo dục truyền thông biết cách thực hiện biện pháp phòng chống đúng, song song với việc thực thi nghiêm nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, bao gồm phòng chống SXHD.
Mỗi cán bộ chính quyền, mỗi người dân cần nhận thức đúng rằng biện pháp xử lý dịch khi phát hiện ca SXHD chỉ mang tính tạm thời và chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề. Trong khi gốc rễ, căn cơ chính là việc kiểm soát lăng quăng và muỗi của người dân, của cộng đồng và chính quyền các cấp, giúp cho cộng đồng luôn sạch muỗi và lăng quăng, không có nguy cơ lây truyền bệnh. Thể hiện qua các hành động cụ thể như sau:
Dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà.
Tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay.
Mở cửa nhà và hợp tác với chính quyền, Y tế trong phun hóa chất diệt muỗi và tích cực tham gia diệt lăng quăng trong các chiến dịch ở địa phương.
Một hành động đơn giản của tất cả cộng đồng sẽ giúp phòng chống bệnh SXHD và cả bệnh do vi rút Zika – bệnh cũng do muỗi vằn gây bệnh.
Phóng viên: Xin cám ơn ông !
Bài, ảnh: Đan Thanh
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.