Thứ Bảy, 12/09/2015 | 16:20

Nhiều khi ta cứ cố rung lắc để dỗ trẻ nín khóc mà không biết rằng điều đó có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn ở trẻ

Có thể bạn chưa bao giờ nghe tới hoặc chưa từng chú ý đến hội chứng này. Hội chứng này được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1970, nhưng được sự chú ý và nghiên cứu đặc biệt vào khoảng 10 năm gần đây. Mang tên là hội chứng trẻ bị lắc (Shaken Baby Syndrome – SBS) hay đôi khi được gọi là chấn thương đầu kiểu ngược đãi (Abusive Head Trauma).

Nguyên nhân và triệu chứng

Các nguyên nhân lại rất thông thường và không bởi tai nạn. Hầu hết các trường hợp gây ra khi đứa trẻ khóc liên tục không ngừng và không dỗ được khiến cho cha mẹ hoặc người chăm sóc nỗ lực làm đứa trẻ ngừng khóc hoặc những người này trong tình trạng bực bội, mất kiên nhẫn và kiểm soát. Những nỗ lực này được thể hiện bằng cách rung lắc trẻ với cường độ cao hoặc có các hành vi mạnh hay có tính bạo lực hơn. Hiện tượng này rất phổ biến một cách không cố ý và không hề chủ tâm gây nguy hiểm cho trẻ.

Triệu chứng: Cần lưu ý rằng rất nhiều trẻ không có triệu chứng rõ rệt bên ngoài. Các dấu hiệu rõ rệt hơn bao gồm:

– Trẻ bị kích thích mạnh, thay đổi hành vi thông thường, không tiếp xúc
– Đờ đẫn, lơ mơ, hoặc ngủ mê mệt, trương lực cơ giảm (cơ nhẽo)
– Da xanh tái, nhìn thấy rõ nhất vùng trán
– Ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng
– Khó thở, ngừng thở hoặc co giật
– Những dấu hiệu cho thấy chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ, nghẹo về một bên, khó quay.

Chẩn đoán, sơ cứu và điều trị ban đầu

Chẩn đoán: Thường không nhìn thấy các triệu chứng của tổn thương từ bên ngoài. Tuy nhiên bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện các chảy máu võng mạc mắt khi soi đáy mắt. Khi nghi ngờ, các bác sĩ nhi khoa có thể tiến hành chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ để tìm thương tổn.

Sơ cứu ban đầu:

– Hãy gọi cấp cứu, đừng cố vận chuyển trẻ tới bệnh viện trên các phương tiện thông thường.

– Đừng bế xốc trẻ lên hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại

– Không cho trẻ ăn lúc này

– Nếu đứa trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần phải hô hấp nhân tạo để trợ giúp

– Nếu trẻ có nôn và không có nghi ngờ chấn thương cổ, có thể xoay đầu trẻ nhẹ nhàng về 1 phía để tránh sặc và ngừng thở. Nếu có nghi ngờ chấn thương cổ, tránh xoay trở trẻ và bảo vệ cẩn thận vùng cổ.

Điều trị: Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ phải xem xét các thương tổn và quyết định một số điều trị như phẫu thuật cầm máu, dẫn lưu trong não thất, thuốc chống giật, v..v..

Nguyên tắc phòng ngừa

1. Không bao giờ lắc trẻ, kể cả khi vui đùa hay giận dữ. Khi di chuyển trẻ, hãy giữ cổ ở tư thế tương đối cố định. Không ôm giữ trẻ khi cãi cọ

2. Một đứa trẻ khóc trong 2-3 giờ/ngày vẫn có thể là bình thường

– Bạn phải tìm hiểu nhiều nguyên nhân tại sao đứa trẻ khóc quá nhiều. Nên có 1 danh sách các việc cần làm khi đứa trẻ khóc, ví dụ như sau:

3. Trước hết, kiểm tra tã hay bỉm để bảo đảm đã được thay sạch

4. Nới rộng quần áo nếu trẻ mặc quá chật

5. Kiểm tra xem trẻ có đói hay không và cho trẻ ăn

6. Kiểm tra xem trẻ có quá nóng hoặc quá lạnh

7. Sử dụng đầu vú giả

8. Ôm ấp xoa vuốt nhẹ nhàng trên mình của trẻ, tắt bớt đèn và bật nhạc nhẹ nhàng

9. Xem các dấu hiệu bất thường khác về cách đứa trẻ thở, nhiệt độ cơ thể

10. Nếu không có bất kỳ điều gì đặc biệt, bạn có thể an tâm rằng đôi khi đứa trẻ khóc không có nguyên nhân, và khóc  cũng không gây nguy hiểm gì cho trẻ.

11. Khi bạn cảm thấy hết cách và rất khó chịu, hãy để đứa trẻ một mình an toàn trong cũi, giữ bình tĩnh, có thể ra ngoài một chút và quay lại kiểm tra mỗi 5-10 phút hoặc yêu cầu người khác trợ giúp

12. Giáo dục kỹ lưỡng người giúp việc hay người chăm sóc trẻ, đừng bao giờ giả định rằng họ hiểu hết và biết cách xử thế khi trẻ khóc không thể dỗ được.

13. Giáo dục ông bà và người thân trong gia đình.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook