Có mấy loại ráy tai?
Ráy tai được sinh ra ở một phần ba ngoài của ốngtai, nơi có da, mô mỡ và sụn. Ráy tai được xem như một hỗn hợp của chất tiết của tuyến mồ hôi, chất tiết mỡ của tuyến bã và da chết. Hai phần ba trong của ống tai không bao giờ có ráy tai, trừ khi chúng ta dùng que gòn vệ sinh tai không đúng cách đẩy ráy tai vào.
Có hai loại ráy tai, theo cách gọi dân gian là ráy tai khô thường có máu trắng hoặc vàng lợt và ráy tai ướt thường có màu vàng hoặc nâu.
Nhiệm vụ của ráy tai là bảo vệ ống tai, màng nhĩ khỏi sự xâm nhập của bụi bặm, côn trùng, vi khuẩn, và bôi trơn ống tai.
Hàng ngày ráy tai sẽ sinh ra thêm, phần ráy cũ sẽ được tự đi ra ngoài theo chiều quét của lông trong ống tai từ trong ra ngoài và một phần nhờ vào sự chuyển động của xương hàm dưới đặc biệt khi nhai.
Người đang bình thường ráy tai làm chi?!
Ở người bình thường, không cần lấy ráy tai. Tuy nhiên trong một số trường hợp cơ chế tự đẩy ráy tai ra ngoài không hoạt động, hoặc hoạt động kém, dẫn đến ráy tai tích tụ quá nhiều gây nút ráy tai gây triệu chứng đau nhức, nghe kém, ù tai, ngứa, hôi thường gặp ở người lớn tuổi, người bị viêm tai do nấm, người sau một số phẫu thuật tai, trẻ em thì ráy tai cần được lấy ra sau khi được thăm khám.
Hàng ngày vệ sinh tai thế nào?
Hàng ngàysau khi tắm, chỉ cần dùng khăn lau nhẹ vành tai và lỗtai ngoài. Tuyệt đối không được đưa que gòn hoặc bất cứ dụng cụ gì vào trong ống tai vì lý do có thể sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn, làm tổn thương ống tai ngoài, viêm ống tai ngoài, hoặc bất cẩn có thể gây thủng màng nhĩ.
Một số người, do thói quen, cứ tắm xong thì lấy bông gòn ngoáy tai vì nếu không làm sẽ có cảm giác tai dơ, đây chỉ là một thói quen sai cần nên bỏ.
Trong trường hợp có ráy tai nhiều, có thể tự lấy ráy tai ở nhà bằng cách dùng ống tiêm 20 ml (không có kim), bơm nước muối sinh lý ấm vào trong tai, để đầu ống xy lanh ngay lỗtai, bơm lực vừa phải chừng 5-7 ống cho mỗi bên tai. Nếu ráy tai không ra hết, cần đi khám bác sĩ tai mũi họng để đánh giá kỹ hơn.
Phương pháp này có thể làm cho cả trẻ em và người lớn (trẻ em sử dụng ống tiêm 10 ml). Tuy nhiên phương pháp không nên sử dụng ở người đã bị thủng màng nhĩ, người đang đặt ống thông nhĩ, người bị tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch.
Th.s BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG – BV FV TP.HCM
Theo TTO
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.