Thứ Bảy, 16/07/2016 | 10:30

Nhận biết bún sạch, bún chứa hóa chất?

Thời gian gần đây, mọi người hay truyền tai nhau thông tin chỉ cần một bát nước mắm sẽ nhận biết được bún sạch hay bẩn.

Tin đồn nước mắm sẽ nhận biết được bún sạch hay bẩn 100%

Bún là món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Sử dụng bún kết hợp với những nguyên liệu khác sẽ đem lại nhiều món ăn hấp dẫn khác như bún bò, bún chả, bún riêu, bún thang… Nguyên liệu chính để làm bún chính là tinh bột gạo tẻ. Sợi bún sạch thường có màu trắng ngà của gạo và độ giòn dai tự nhiên.

Để làm ra một mẻ bún sạch, giới chuyên gia làm bún cho rằng phải mất 5-7 ngày. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng bún trong cuộc sống hàng ngày của người dân hiện nay khá cao nên một số cơ sở sản xuất bún đã sử dụng hóa chất để tăng lợi nhuận và rút ngắn quy trình, thời gian làm bún.

Sử dụng bún kết hợp với những nguyên liệu khác sẽ đem lại nhiều món ăn hấp dẫn. (Ảnh minh họa: Internet)

Những hóa chất thường được sử dụng để cho vào bún là chất huỳnh quang tinopal, chất tẩy trắng funfit và hàn the. Những chất này đều nằm trong danh mục các chất phụ gia cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Nếu các hóa chất độc hại này tồn tại trong cơ thể với một khoảng thời gian dài thì sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan, thận, thậm chí nguy cơ dẫn đến ung thư rất cao.

Trong tình hình đó, nhiều người đã nghĩ đến cách nhận biết bún sạch hay bẩn để loại trừ nguy cơ mắc những bệnh tật đáng tiếc, đồng thời vẫn có thể duy trì những món ngon từ bún cho mình và gia đình. Mới đây nhất, người ta truyền tai nhau cách nhận biết bún sạch hay bẩn chỉ bằng một bát nước mắm. Cách này hiện đang được nhiều người tin tưởng vì nhận biết bằng mắt thường rất khó đoán bún sạch hay bẩn.

Cách thức thực hiện để nhận biết bún sạch – bẩn như sau: Đầu tiên, bạn cho một lượng bún vào hai bát chứa lượng nước mắm như nhau rồi trộn đều lên. Nếu là bún sạch thì nước mắm sẽ ngấm vào sợi bún nhanh hơn khiến sợi bún mềm ra. Còn đối với bún được tẩm hóa chất sẽ ngấm rất ít và ngấm lâu hơn, sợi bún cũng sẽ khô và rời.

Nhiều người khẳng định, biện pháp sử dụng nước mắm để xác định độ sạch – bẩn của bún sẽ đem lại câu trả lời nhanh nhất, chuẩn xác nhất.

Chuyên gia thực phẩm nói gì về cách nhận biết bún sạch – bẩn bằng nước mắm

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, cách làm trên hoàn toàn phi lý, không thể nhận biết được bún sạch hay bẩn.

“Sợi bún thực chất là chất bột đã chín, rất mềm và bão hòa nước ở bên trong rồi. Bún không phải dạng bột khô nên về nguyên lý thì thả vào nước mắm hay bất cứ loại nước nào nó cũng không có khả năng hút nước. Cách nhận biết này mang tính chất cảm tính”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Chuyên gia cũng cho rằng, bản thân nước mắm không phải là một loại nước có chất đặc trưng, công thức mỗi loại nước mắm cũng không ổn định, không hề giống nhau. “Nước mắm ở đây phải là nước mắm gì, có chất gì có thể nhận biết được bún sạch hay bẩn. Nếu là một loại nước mắm chung chung thì không hiểu dựa vào cái gì mà nói có khả năng nhận biết được. Muốn nhận biết bất cứ cái gì bằng một chất gì khác bắt buộc chất đó phải có tên, có công thức ổn định mới có thể khẳng định được hay không”, ông Thịnh cho hay.

Chuyên gia khẳng định sử dụng nước mắm nhận biết bún sạch hay bẩn mang tính chất cảm tính. (Ảnh minh họa: Internet)

Chuyên gia cũng cho biết thêm, đó là chưa kể đến trường hợp nước mắm bẩn đem ra nhận biết bún sạch – bẩn thì có gì đáng bàn. Biết đâu nước mắm bẩn kết hợp với bún bẩn, bún chứa hóa chất lại có khả năng thấm hút tốt hơn thì sao? May thì ta thử được với nước mắm sạch, chẳng may thì thử với nước mắm bẩn, bẩn lại gấp đôi.

Tóm lại, cách nhận biết này hoàn toàn mang tính chất cảm tính, nước mắm – một loại gia vị có các chất không ổn định càng không thể là tiêu chuẩn để nhận biết bún sạch – bẩn được.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để nhận biết bún sạch hay bẩn theo cảm quan mà vẫn chính xác 100% cực khó. Cách duy nhất là người tiêu dùng nên mua những nơi đã ăn quen, những cơ sở uy tín. Không chọn mua những loại bún có độ bóng bẩy quá đà vì đây thường là loại bún đã được tân trang, có nguy cơ chứa chất tinopal – chất tạo độ bóng cho bún. Còn bún sạch thường có độ mềm bình thường, màu trắng ngà tự nhiên của gạo, không bóng nhẵn.

“Tóm lại, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng không nên mua những cái bắt mắt mà phải chọn những cái tự nhiên, bình thường. Việc chọn gà cũng thế, bình thường con gà tự nhiên không có vàng bóng, béo đẫy như nhiều hàng vẫn bán. Nếu chọn loại gà vàng quá, bóng quá, béo căng quá thì rất dễ mua phải gà bơm nước, sử dụng chất nhuộm vàng… Và dù là nhuộm bằng chất an toàn hay không an toàn thì đều không nên mua”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên.

Ông Thịnh cũng cho rằng, ngay cả những loại thực phẩm in màu lòe loẹt, khoa trương, quảng cáo nhiều cái tốt cho sức khỏe cũng không nên tin hoàn toàn. Đó chỉ là cách nói khoa trương.

“Đơn giản như nước mắm. Nước mắm ngày xưa có mùi thơm, vị mặn, ngọt tự nhiên, mùi vị rất đặc trưng là hơi nặng mùi chứ hiện nay có rất nhiều loại nước mắm khác nhau, được quảng cáo theo những cách khác nhau. Hãy là người tiêu dùng thông thái, không chọn thực phẩm vì cảm tính, quảng cáo quá rầm rộ…”, ông Thịnh nói.

Theo Trí Thức Trẻ

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Các chất trong bún bẩn tàn phá dạ dày thế nào?

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook