Thứ Sáu, 12/08/2016 | 09:31

Phụ gia trong bún bẩn tàn phá dạ dày thế nào?

Bún là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất ở nước ta, chỉ xếp sau cơm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, thực phẩm này không tốt cho dạ dày.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, không phải bỗng dưng nhiều người bị cảm giác cồn cào, nóng ruột sau khi ăn bún.

Điều này thường gặp ở những người bị viêm dạ dày hoặc hội chứng dạ dày tá tràng. Bún được làm từ bột gạo, ngâm với nước trước khi làm khoảng 1 ngày để bột nở ra.

Trong thời gian này sẽ có quá trình lên men của tinh bột, vì thế khi ăn người bệnh dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hại dạ dày.

Những bệnh nhân bị viêm dạ dày hoặc hội chứng dạ dày tá tràng luôn được khuyến cáo không nên ăn các chất chua, cay, chất kích thích, đồ lên men vì những chất này khi vào niêm mạc dạ dày gây tổn thương niêm mạc dạ dày và có thể là tác nhân gây đau dạ dày. Bún là một trong số đó. Nhất là “bún bẩn”

Tuy nhiên điều này còn chưa nguy hiểm bằng các hóa chất, phụ gia được sử dụng trong quá trình sản xuất “bún bẩn”.

PGS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: Các chất phụ gia được sử dụng trong bún có huỳnh quang được gọi là Tinopal thường được người làm bún dùng để sợi bún sáng, trong, khiến sản phẩm trông hấp dẫn hơn những chất này rất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Khi ăn phải bún, phở có chứa hóa chất này, người tiêu dùng có thể gặp các bệnh lý khác nhau tùy theo nồng độ hóa chất vào cơ thể, thời gian ăn, mức độ đáp ứng của cơ thể.

Ảnh hưởng sớm nhất là tác động đến đường tiêu hóa, niêm mạc ruột gây chậm tiêu, viêm loét ruột, dạ dày.

Nếu bị nhiễm kéo dài, người bệnh có thể bị rối loạn quá trình sinh tổng hợp của tế bào ruột, gan, thận và nguy cơ mắc ung thư.

Công nghệ làm bún có chuẩn đến đâu thì vì lợi nhuận, trong quá trình sản xuất. những người làm bún vẫn cho những hóa chất tẩy trắng ảnh hưởng đến dạ dày và các bộ phận khác trong cơ thể

Chất độc hại thứ hai thường xuyên được sử dụng trong bún là hàn the. Theo PGS.TS Hồ Phú Hà – Trưởng bộ môn Công nghệ Thực phẩm (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội), đây là hóa chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm song chúng thường xuyên được dùng trong quá trình sản xuất bún nhằm tạo độ giai, giòn và lâu hỏng.

Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính và mãn tính cho người sử dụng, nếu sử dụng liều lượng thấp gây ngộ độc mãn tính. Sử dụng liều từ 5g trở lên đã gây ngộ độc cấp tính với biểu hiện nôn mửa, chóng mặt, có thể dẫn đến tử vong.

Khi vào cơ thể hàn the khó bị đào thải mà tích tụ ở gan, thận khi lượng tích tụ đủ lớn sẽ gây bệnh mãn tính. rất nguy hiểm. Trẻ ăn các thực phẩm có hàn the sẽ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận…

Sự khác nhau giữa phương pháp làm bún truyền thống và công nghệ làm bún hiện nay

Phương pháp làm bún truyền thống

Để làm bún, người ta phải ngâm gạo từ 48-72 giờ. Sau đó đem gạo đi xay để được một hỗn hợp bột nước. Sau khi tách nước, hỗn hợp bột còn lại sẽ được cho vào máy ép, kéo sợi và cho vào một nồi nước nóng đun sôi để bún có thể dai, không bị nhão. Thế là món bún đã được thực hiện xong.

Công nghệ làm bún từ máy móc hiện đại

Người làm “bún bẩn” ngâm gạo trong vòng vài tiếng, sau đó đem xay rồi tách nước cho thêm bột năng, bột lọc vào để tạo ra sợi bún nhìn sáng hơn, giảm chi phí vì bột mì, bột lọc rẻ hơn gạo. Nhiều cơ sở còn dùng hóa chất để tăng độ hấp dẫn của bún như đã nói ở trên.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng hơn với các sản phẩm bún, bánh tươi có màu trắng và độ bóng hơn dưới ánh sáng.

Nên lựa chọn sản phẩm bún, bánh tươi có nguồn gốc rõ ràng của cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được cơ quan chức năng chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hạn chế ăn bún, phở tại hàng quán.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ 4 nhóm người nên nói không với bún

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook