Để làm nhẹ hoặc ngăn chặn các biến chứng và di chứng tiến triển sau khi tai biến, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng cần được quan tâm.
Chọn đạm thực vật
Chế độ ăn uống cho người bị tai biến nên tuân thủ nguyên tắc: Đảm bảo đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để tránh tình trạng bệnh nhân đói, tránh hiện tượng cơ thể tự tiêu chất đạm. Mức năng lượng trung bình cần ăn của một người khoảng 25 – 35kcal/kg/ngày. Về tỷ lệ giữa tinh bột, chất đạm và chất béo, có thể dựa theo nhu cầu khuyến nghị của Bộ Y tế cho người bình thường. Lượng chất tinh bột chiếm khoảng 55 – 65% năng lượng, chất đạm nên chiếm khoảng 12 – 18% và chất béo nên chiếm khoảng 18 – 25%. Trong khẩu phần, nên ăn nhiều cá (3 – 5 bữa/tuần) vì chất béo omega-3 có nhiều trong cá giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu hoặc xơ vữa động mạch.
Chất đạm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt từ nguồn họ đậu (đậu nành), có hiệu quả làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch, nên sử dụng thường xuyên trong khẩu phần ăn hằng ngày. Nên chọn loại tinh bột có chỉ số đường huyết thấp giúp hạn chế đường trong máu sau ăn tăng cao, có thể tác động không tốt cho người bệnh, nhất là bệnh tiểu đường. Thức ăn nên được nấu chín, nhừ để cơ thể dễ tiêu hóa, hấp thu. Tăng cường ăn rau, củ, trái cây sậm màu để cung cấp vitamin, chất khoáng cần thiết giúp cơ thể mau hồi phục. Ngoài ra, các thực phẩm này cung cấp chất xơ giúp người bệnh tránh tình trạng táo bón.
Ảnh minh họa. |
Tạo thói quen ăn nhạt
Hạn chế hoặc tránh các loại thức ăn có nhiều gia vị gây kích thích như chua, cay. Hạn chế ăn thức ăn mặn, thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối (chả lụa, mỳ gói, xúc xích, các loại mắm, dưa cá muối…) vì có thể làm tăng huyết áp và gây tái phát tai biến hoặc có thể gây phù do cơ thể giữ nước. Lượng muối ăn hằng ngày khoảng 5g (1 thìa cà phê). Hạn chế ăn thức ăn dạng chiên xào, thịt mỡ, nội tạng động vật, gây tăng nguy cơ bệnh tim mạch, làm tái phát tai biến.
Ngoài những nguyên tắc trên, cần lưu ý là chọn thức ăn đa dạng và quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hợp bệnh nhân sau tai biến bị liệt cơ hầu họng, làm ảnh hưởng đến quá trình nuốt, cần lưu ý khi cho bệnh nhân tai biến ăn vì bệnh nhân dễ bị sặc gây tai biến viêm phổi do hít phải thức ăn hoặc ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản gây viêm thực quản. Trường hợp này, nên nuôi ăn qua ống. Thức ăn được chế biến dưới dạng lỏng. Để đảm bảo năng lượng cho bệnh nhân, có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng trong việc dùng thêm men tiêu hóa có nguồn gốc từ tự nhiên giúp làm loãng thức ăn. Nên chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều bữa để có thể dễ tiêu hóa, hấp thu, cung cấp được đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, tránh tình trạng dạ dày bị căng tức.
Để góp phần nâng cao khả năng hồi phục và phòng tránh tai biến xảy ra hoặc tái phát, cần xây dựng lối sống lành mạnh (không hút thuốc lá, uống rượu, bia nhiều…) năng động, lạc quan, thói quen ăn nhạt, ăn vừa đủ và sạch cũng như kiểm soát tốt các bệnh lý nguy cơ đang có như tránh tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa, rối loạn mỡ máu… và duy trì tập thể dục điều độ, phù hợp với tình trạng sức khoẻ.
Nguồn: Kienthuc
Chưa có bình luận.