Thứ Sáu, 08/04/2016 | 01:53

Với số người được chẩn đoán đái tháo đường tăng 211% trong 10 năm đã khiến Việt Nam nằm trong số quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất về số bệnh nhân trên toàn thế giới.

Thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm chung tay kiểm soát bệnh đái tháo đường do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, ĐTĐ đã được đẩy lên ở mức độ đại dịch khắp Việt Nam với 5 triệu người mắc và con số này không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như: thiếu hụt về số lượng bác sĩ điều trị, mức độ nhận thức thấp về bệnh; hạn chế và thiếu thốn về cơ sở vật chất… Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực tế hơn 60% trong 5 triệu người mắc bệnh không được chẩn đoán sớm.

Đái tháo đường trở thành đại dịch tại Việt Nam
Đái tháo đường trở thành đại dịch tại Việt Nam

Trước đây, tiểu đường thường được coi là bệnh của nhà giàu nhưng hiện giờ đã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp xã hội và các nhóm tuổi. Rất nhiều trong số bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam không có khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh cần thiết dẫn đến việc không đạt được mục tiêu điều trị. Bên cạnh đó, cứ 10 người được chẩn đoán bệnh thì 6 đã bị biến chứng. Đa số bệnh nhân không đạt mục tiêu điều trị dù đã được chẩn đoán.

Nguyên nhân của tình trạng này theo tiến sĩ Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam là sự chuyển đổi nhanh chóng sang lối sống Tây hóa cũng như sự coi nhẹ các hoạt động thể chất và chế độ ăn không hợp lý.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Khuê khuyến cáo về thực trạng trẻ hóa người mắc bệnh, thậm chí có trẻ 8-9 tuổi đã bị đái tháo đường. Nguyên nhân là kinh tế thay đổi nhiều, gia đình ngày nay ít con hơn nên trẻ nhận được nhiều sự chăm sóc, hậu quả là tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng nhiều. Trẻ con ngày nay cũng ít vận động, ngồi máy tính, chơi game, xem ti nhiều thay cho các trò chơi vận động trước kia. Đặc biệt hiện nay ngày càng có nhiều bạn trẻ hút thuốc lá, yếu tố liên quan chặt chẽ đến tình trạng đề kháng insulin.

“Để ngừa bệnh thì việc thay đổi lối sống là rất quan trọng. Thực tế, 70% người trưởng thành nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh, nhưng từ ý thức đến thực hành không dễ vì lứa tuổi thanh thiếu niên dễ bị lôi kéo. Trong khi chỉ 30 phút tập thể dục mỗi ngày giảm 40% nguy cơ mắc bệnh”, tiến sĩ Khuê nói.

Yhocvn.net (Theo VnExpress)

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường

+ Biến chứng mạn tính của đái tháo đường

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook