Chướng bụng đầy hơi là tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra như chế độ ăn thiếu khoa học, do táo bón, khó tiêu hoặc các vấn đề nội tiết tố…. Tuy nhiên, triệu chứng này kéo dài cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh lý nguy hiểm như bán tắc ruột hay tắc ruột, các bệnh lý về đường tiêu hóa, hội chứng phát triển quá mức vi khuẩn ở ruột non – SIBO.
Chướng bụng đầy hơi kéo dài là tình trạng vùng bụng bị căng tức, khó chịu trong nhiều ngày liên tục, có thể tiến triển từ nhẹ, trung bình đến nặng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống của người bệnh. Nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi có thể do kém hấp thu carbohydrate, do vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non…
SIBO hội chứng phát triển quá mức vi khuẩn ở ruột non, viết tắt từ cụm từ tiếng Anh là Small intestinal bacterial overgrowth. Hội chứng này là tình trạng có sự phát triển quá mức lượng vi khuẩn nói chung ở trong ruột non bao gồm cả một số loại vi khuẩn không thường gặp ở những phần khác trong đường tiêu hóa.
Sự phát triển quá mức vi khuẩn ở ruột non thường liên quan đến một bệnh lý gây ảnh hưởng đến chức năng ruột non. Bình thường, cơ thể có nhiều cơ chế giúp kiểm soát số lượng vi khuẩn đường ruột, bao gồm tính axit dạ dày, nhu động ruột, tốc độ co bóp để đẩy thức ăn di chuyển trong ruột. Vi khuẩn cũng bị kìm hãm bởi dịch mật và các globulin miễn dịch. Ngoài ra, van hồi tràng còn giúp ngăn cho chất thải, phân đi ngược lên đoạn cuối ruột non. Theo các chuyên gia triệu chứng này xuất hiện do rối loạn tiêu hóa, thay đổi nội tiết hoặc một số nguyên nhân từ chế độ ăn uống, bệnh lý gây nên.
Kém hấp thu carbohydrate là tình trạng thường gặp với các triệu chứng gồm chướng bụng, đầy hơi khi ăn một số loại carbohydrate như sữa, lúa mì, đậu, đường fructose…Sự phát triển quá mức vi khuẩn ở ruột non (Small intestinal bacterial overgrowth – SIBO) xảy ra do một số thay đổi về giải phẫu đường tiêu hóa hoặc nhu động ruột, thiếu bài tiết axit dạ dày. Số lượng vi khuẩn trong ruột non tăng quá cao làm cản trở tiêu hóa.
Ngoài ra việc nhai kẹo cao su, hút thuốc lá, uống đồ uống có ga, thói quen ăn uống quá nhanh cũng gây nuốt không khí nhiều hơn bình thường có thể dẫn đến đầy hơi. Tương tự những thực phẩm sinh hơi như đậu, bắp cải, bông cải xanh, các loại ngũ cốc, măng tây, hành, lê, lúa mì, cám yến mạch, đậu hà lan, khoai tây… cũng là nguyên nhân dẫn đến căng tức, khó chịu vùng bụng.
Táo bón xảy ra do nhiều nguyên nhân như chế độ ăn thiếu chất xơ, không dung nạp thức ăn, rối loạn hệ vi sinh đường ruột, thiếu hụt magie hay tác dụng phụ từ một số loại thuốc…Khi phân mắc kẹt trong đại tràng, không được tống ra ngoài cũng sẽ gây chướng bụng, đầy hơi kéo dài.
Loạn khuẩn ở ruột non không quá nguy hiểm tuy nhiên hội chứng này làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh do luôn cảm thấy khó chịu, ăn uống không ngon…Bfệnh kéo dài và tiến triển nặng có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng do vi khuẩn sẽ tiêu thụ một số chất dinh dưỡng của cơ thể dẫn tới thiếu vitamin B12 gây ra các vấn đề về hệ thần kinh và thiếu máu. Khả năng hấp thụ canxi kém có thể dẫn đến chứng loãng xương lâu dài hoặc sỏi thận. Hơn nữa, nếu vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức sẽ dẫn đến thiếu chất sắt, thiamine, niacin và các vitamin tan trong chất béo như A và K.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, sinh hoạt lành mạnh, bổ sung lượng nước từ 1,5 đến 2 lít nước/người/ngày, tập thể thao đều đặn… để bảo vệ sức khoẻ nói chung, hệ tiêu hoá nói riêng. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu đầy hơi, chướng bụng…thường xuyên không rõ nguyên nhân cần đi khám chuyên khoa tiêu hoá để được thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Bí quyết tăng cường lợi khuẩn cho hệ vi sinh vật đường ruột
Hệ vi sinh đường ruột và bệnh viêm ruột (IBD)
SIBO liên quan đến tăng cân như thế nào?
Những điều cần biết về SIBO (phát triển quá mức vi khuẩn ở ruột non), chẩn đoán, điều trị
Điều trị SIBO: Những lựa chọn tốt nhất hiện nay
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.