Thứ Sáu, 13/07/2018 | 08:24

Việc chăm sóc thai phụ là vô cùng quan trọng để bác sĩ, thai phụ và gia đình biết được những thuận lợi và khó khăn cho “chặng đường mang thai” và sinh nở sắp tới, để hạn chế rủi ro cho bà mẹ và trẻ sơ sinh

1. Chăm sóc thai phụ trước sinh

Nội dung chăm sóc trước sinh bao gồm: phát hiện có thai dựa theo kinh nguyệt và các xét nghiệm thai, siêu âm để khẳng định có thai. Một thai phụ phải khám thai thường kỳ, ít nhất là ba lần trong suốt thời kỳ mang thai.

– Khám thai lần 1:

Khám thai lần 1 được thực hiện trong 3 tháng đầu với mục đích là xác định có thai, phát hiện những bất thường và những biến chứng sớm như nôn nặng hoặc các bệnh lý gây chảy máu.

– Khám thai lần 2:

Khám thai lần 2 vào ba tháng giữa để đánh giá sự phát triển của thai và phát hiện thai nghén có nguy cơ cao và tiêm phòng uốn ván.

– Khám thai lần thứ 3:

Khám thai lần thứ 3 vào ba tháng cuối phát hiện những biến chứng muộn và xác định khoảng thời gian sinh và nơi sinh.

Trong quá trình khám thai sẽ đăng ký quản lý thai nghén, tiêm phòng uốn ván, cho thai phụ uống bổ sung viên sắt và acid folic để chống thiếu máu. Giáo dục cho thai phụ về chế độ dinh dưỡng, lao động, nghỉ ngơi, vệ sinh thai nghén bao gồm cả vấn đề sinh hoạt tình dục. Chăm sóc trước sinh cũng phải phát hiện những bất thường của thai nhi mà thường được gọi là chấn đoán trước sinh để có thể loại bỏ những thai bất thường để nâng cao chất lượng trong sinh sản, giảm thiểu những trẻ sơ sinh bị dị tật.

Mỗi lần khám thai phải đảm bảo 9 bước.

Chăm sóc thai phụ để hạn chế rủi ro cho bà mẹ và trẻ sơ sinh

2. Chăm sóc trong chuyển dạ.

Trong khi theo dõi và chăm sóc người phụ nữ chuyển dạ đẻ, phải khai thác các yếu tố về người mẹ, sự phát triển của thai, tình trạng hiện tại của thai nhi và phần phụ; diễn biến của chuyển dạ để tiên lượng cuộc đẻ để có những thái độ xử trí thích hợp. Đặc biệt là phải quan tâm nhiều hơn đến những cuộc chuyển dạ mà người mẹ bị các bệnh nội khoa mãn hay cáp tính hoặc sản phụ có sẹo mổ ở tử cung.

Theo dõi cuộc chuyển dạ tích cực là ghi chép quá trình diễn biến của cuộc chuyển dạ trên biểu đồ chuyển dạ để phát hiện và theo dõi, xử trí cuộc chuyển dạ bị đình trệ, thai suy, sử dụng các thuốc tăng co hoặc giảm co, giảm đau, gây tê, gây mê trong chuyển dạ.

3. Chăm sóc trong thời kỳ hậu sản.

Thời kỳ hậu sản được tính từ sau khi cuộc đẻ được hoàn tất cho đến 42 ngày sau khi đẻ. Nếu như cuộc chuyển dạ xảy ra suôn sẻ thì nguy cơ tử vong cho mẹ sẽ xảy ra vào giai đoạn ngay sau đẻ vì chảy máu do tổn thương đường sinh dục hoặc thường gặp nhất là đờ tử cung mà có thể dẫn đến tử vong chỉ trong 1 đến 2 giờ nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Chăm sóc trong thời kỳ hậu sản là phải theo dõi chặt chẽ bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh để phát hiện chảy máu ở bà mẹ hoặc trẻ sơ sinh bị lạnh hay ngạt lại. Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngày đầu sau khi sinh bao gồm hai giờ đầu, từ giờ thứ 3 cho đến hết ngày thứ nhất.

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tuần đầu sau đẻ và phát hiện những bất thường để xử trí còn chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 6 tuần sau đẻ để phát hiện và xứ trí những trường hợp sốt sau đẻ. hướng dẫn cho các bà mẹ biết cách chăm sóc sơ sinh khoẻ mạnh, sơ sinh non tháng và nhẹ cân và chăm sóc sơ sinh bị dị tật.

Cách chăm sóc thai phụ để tiên lượng cuộc đẻ, hạn chế rủi ro

Bài liên quan: Bà mẹ mang thai cần tư vấn những gì?

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook