Viêm cơ mủ, chín mé là những bệnh nhiễm khuẩn có thể dẫn tới nguy cơ tử vong dù chỉ xuất phát từ một tổn thương nhỏ ngoài da.
Áp xe hệ xương cơ, cụ thể là viêm cơ mủ và áp xe bàn tay.
Viêm cơ mủ là các tổn thương cơ do vi khuẩn, virut hay ký sinh trùng gây nên. Các loại vi khuẩn gây viêm cơ thường gặp là tụ cầu, đặc biệt là tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, là những áp xe hình thành sâu bên trong những cơ vân lớn, có thể là do nhiễm khuẩn ở một xương hoặc một mô mềm kế cận hoặc qua đường máu.
Biểu hiện toàn thân của viêm cơ nhiễm khuẩn là hội chứng nhiễm khuẩn. Người bệnh bị sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mắt trũng, hơi thở hôi. Biểu hiện tại chỗ chính là viêm cơ.
Viêm cơ thường trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: thường xảy ra trong 2 tuần đầu. Cơ sưng tại chỗ, có thể kèm đỏ hoặc không, đau và căng nhẹ. Nếu chọc hút sẽ chưa có mủ. Giai đoạn này các triệu chứng thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua.
Giai đoạn 2: thường xảy ra sau 10-30 ngày: với biểu hiện cơ to ra, sưng nóng đỏ đau rõ. Khám cơ có thể thấy dấu hiệu bùng nhùng, dấu hiệu phù nề ấn lõm. Chọc hút có thấy mủ. Bệnh thường được chẩn đoán giai đoạn này.
Giai đoạn 3: với các biểu hiện hệ thống, gây ra các biến chứng như áp-xe nơi khác, viêm khớp lân cận, sốc nhiễm khuẩn, suy chức năng thận. Riêng đối với viêm cơ thắt lưng chậu thì triệu chứng tại chỗ khó phát hiện vì cơ ở sâu. Bệnh nhân thường đau ở vùng mạng sườn, hạ sườn. Có một triệu chứng gợi ý là bệnh nhân không duỗi được chân ở bên có cơ bị tổn thương trong khi mọi động tác khác của khớp háng (gấp, dạng, khép, xoay…) đều bình thường. Khối áp-xe có thể di chuyển xuống các cơ quan lân cận phía dưới như khớp háng, phần trên đùi, cơ mông… Ngoài nguyên nhân do các vi khuẩn sinh mủ, viêm cơ thắt lưng chậu còn có thể do vi khuẩn lao gây nên, xuất hiện sau viêm đốt sống đĩa đệm.
Viêm cơ mủ xảy ra nhiều ở vùng nhiệt đới, ở trẻ và cả ngưởi lớn, nhất là những nguời bị suy dinh dưỡng. Viêm thường xảy ra nhất ở các cơ bốn đầu, cơ mông, vai và các cơ ở cẳng tay. Bệnh nhân bị đau co cứng cơ, phù nề, khó chịu và sốt nhẹ, sốt cao. Tác nhân gây bệnh thường là Staphylococcus aureus. Streptococcus pyogenes hoặc Escherichia coli.
Điều trị bằng penicillin kháng penicillinase trong vòng 6 tuần, uống thuốc giảm đau. Khi có mủ thì bắt buộc phải rạch và dẫn lưu mủ. Cũng có thể cần phẫu thuật can thiệp.
Chín mé:
Áp xe bàn tay gồm chín mé (viêm đầu ngón tay) và viêm bao gân có mủ. Chín mé là nhiễm khuẩn phần thịt mềm đầu ngón tay do có tổn thương nhỏ. Bệnh chín mé được phân ra thành 3 loại là: Chín mé nông, chín mé dưới da và chín mé sâu.
Chín mé nông: là khi bệnh đang ở thể nhẹ, ở tại chỗ bị tổn thương, mặt da chỉ hơi sưng, đổ ửng, đau nhẹ.
Chín mé dưới da: với xu hướng tiến triển vào sâu, đây là hình thái của chín mé chính danh. Tình trạng nhiễm khuẩn ăn sâu vào các mô mỡ ở dưới da, dẫn đến đau nhức và làm căng mọng ngón tay, ngón chân.
Khi này người bệnh cảm thấy rất đau, đến nỗi mất ăn, mất ngủ, xuất hiện đau đầu kèm theo sốt nhẹ…Lúc này, việc điều trị bệnh chín mé đã khó khăn.
Chín mé sâu: là biến chứng của chín mé dưới da không được điều trị hoặc rạch không đủ sâu để dẫn lưu mủ tạo thành, gây viêm xương, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch gân gấp hoặc nhiễm khuẩn huyết. Khi chín sâu xuất hiện sẽ làm cho đốt cuối của ngón tay sưng to, đau, da tím đỏ, nếu để lâu sẽ tạo thành lỗ rò trên vết rạch cũ do viêm xương. Nhìn qua phim chụp hình X quang bạn sẽ thấy có hình ảnh xương và có mảnh xương rời ra. Thời gian chữa và điều trị chín mé sâu thường rất lâu, có khi phải mổ đi, mổ lại nhiều lần. Có trường hợp để quá nặng phải cắt bỏ một đốt xương, tháo khớp nếu không có thể gây ra tử vong.
Bệnh nhân đau dữ dội, nóng đỏ tại chỗ bị nhiễm khuẩn. Áp xe nhanh chóng nở lớn, biến chúng gây viêm xương. Điều trị cần nhanh chóng rạch áp xe, dẫn lưu hoàn toàn. Viêm bao gân có mủ do có tổn thương sâu tại những nếp gấp của các ngón tay. Viêm gây hủy hoại mô, làm hỏng cơ chế trượt khiến ngón không cử động được. Biểu hiện chính là sưng, viêm toàn bộ ngón, nhạy cảm đau bên ngoài bao gân của cơ gấp, đau kinh khủng khi duỗi ngón tay chủ động hoặc thụ động. Bệnh nhân sốt, viêm mạch và hạch bạch huyết, lượng bạch cầu tăng. Tác nhân gây bệnh thường là liên cầu khuẩn vằ tụ cầu khuẩn. Điều trị bằng phẫu thuật dẫn lưu mủ và liệu pháp kháng sinh.
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.