Thứ Sáu, 11/09/2015 | 03:13

Lần đầu tiên tại Việt Nam, hai ca ghép tạng tim và gan thành công. Dư luận đánh gia cao đội ngũ y, bác sỹ có tay nghề , đầy trách nhiệm đã vượt 1.700km trong thời gian rất ngắn để tiến hành thành công

Bệnh viện (BV) Việt Đức, Hà Nội ngày 5/9 đã tiến hành thành công hai ca ghép tạng, một ca ghép gan và một ca ghép tim vô cùng đặc biệt. Cả 2 bệnh nhân đều là nam và ở Hà Nội. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến từ người cho chết não ở TP. Hồ Chí Minh, nên khối tim, gan này đã được di chuyển hơn 1.700km ra Hà Nội trong tối 4/9, để kịp thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân.

Thành công ngoài sức tưởng tượng

Sáng 7/9, trao đổi với PV, PGS.TS.Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức -Hà Nội, “tổng chỉ huy” công việc ghép tạng cho biết, hai ca ghép tạng bước đầu đã thành công, mở ra “trang sử mới” cho công nghệ ghép tạng ở Việt Nam.

Trước đó, sáng 4/9, trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thông báo bệnh viện Chợ Rẫy có người chết não hiến tạng. BV Việt Đức đã rà soát những bệnh nhân chờ ghép gan, tim có chỉ số ghép tạng phù hợp và chiều cùng ngày, đã cử một kíp phẫu thuật do các bác sỹ đầu ngành của bệnh viện vào BV Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật lấy tạng từ người cho chết não.

Theo tìm hiểu được biết, người được ghép gan là ông Trần Ngọc Hải (ở Đống Đa, Hà Nội), 60 tuổi, bị ung thư gan, xơ gan; người được ghép tim cũng là nam, 40 tuổi, mắc bệnh giãn cơ tim từ nhiều năm nay, đang ở giai đoạn nặng đã được các bác sỹ của BV Việt Đức phẫu thuật ghép gan, tim (ca ghép kết thúc vào rạng sáng 5/9).

GS.TS.Trịnh Hồng Sơn (Phó giám đốc BV Việt Đức).

Trao đổi với PV, GS.TS.Trịnh Hồng Sơn (Phó giám đốc BV Việt Đức) cho biết, ngày 4/9, sau khi nhận được thông tin có bệnh nhân chết não hiến tạng tại BV Chợ Rẫy có các chỉ số xét nghiệm phù hợp với bệnh nhân đang chờ ghép tại Hà Nội, GS.TS.Sơn và PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật tim và lồng ngực) cùng ê kíp phẫu thuật của BV cấp tốc bay vào TP.HCM để phẫu thuật, tiếp nhận di chuyển khối tim, gan bằng đường hàng không vượt hành trình 1.700km từ TP.HCM ra Hà Nội để thực hiện 2 ca ghép tim và gan ngay trong đêm.

Kể về thời khắc đó, GS.TS.Sơn chia sẻ: “Khi lấy tạng từ bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy ra, chúng tôi sợ nhất là bị hoại tử, mất chức năng. Chính vì thế, chúng tôi phải thực hiện làm sao càng nhanh càng tốt. Từ sự giúp đỡ của nhiều bộ phận liên quan, ban đầu lịch bay dự kiến của chúng tôi xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 4h30, nhưng sau đó đã đẩy sớm hơn lên chuyến bay lúc 2h30…”.

“Khi lấy tim, gan ra, chúng tôi rửa ngay trên bàn mổ, khác với nước ngoài là chỉ làm trong vòng 15 phút và cho ngay vào dung dịch bảo quản. Sau khi rửa ngay trên cơ thể và đem về ghép luôn, thời gian đảm bảo, mổ tim chỉ trong vòng hơn 6 tiếng, mổ gan trong vòng hơn 7 tiếng 12 phút thì ca mổ hoàn toàn thành công. 36 giờ sau khi phẫu thuật, chiều 6/9, hai bệnh nhân được ghép tim và gan đã tỉnh và có thể dùng thức ăn nhẹ”, GS.TS.Sơn xúc động nói.

Kể về khó khăn trong hành trình 1.700km lấy và ghép tạng, PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước nhớ lại: “Lúc lấy tạng ra cho vào hộp, mỗi bác sỹ trông giữ một bộ phận, tôi thì chăm lo cho quả tim, bác sỹ Sơn thì chăm lo bảo quản lá gan.

Sau khi lấy xong, xách ra, quần áo thường phục của chúng tôi được gói vào nilon cho sẵn lên xe, lập tức ra sân bay luôn. Sau khi lên xe, mọi người thay đồ, rồi ăn tạm bánh mỳ. Lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao tiết kiệm tối đa nhất về thời gian để có thể cứu chữa được bệnh nhân”.

Bác sỹ Ước cho biết thêm: “Trong quá trình mang tạng từ TP.HCM ra, sợ nhất tạng bị hỏng, bị hoại tử nên trên đường đi phải thường xuyên bơm dung dịch bảo quản vào…”. Đây là lần đầu tiên việc bảo quản tạng từ lúc lấy đến lúc ghép phải dùng tới 4 lần bơm dung dịch bảo quản. Bởi, theo các bác sỹ, thông thường một ca ghép tim chỉ cần một lần bơm dung dịch bảo quản mà thôi.

Quy trình phải thay đổi liên tục, vì trên máy bay, trên ô tô, dụng cụ rất khó khăn, môi trường phải vô trùng… Tất cả đều phải được tính toán, kỹ thuật hợp lý nhất.

Bác sỹ Ước còn phải tính đến trường hợp liên quan an ninh hàng không, nên phải đặt ống dẫn từ trong hộp đựng tạng thò ra ngoài để dễ dàng cho mỗi lần bơm dung dịch bảo quản. Gần 100 người đã tham gia thực hiện 2 ca ghép tạng đặc biệt này.

Chỉ mong thêm người hiến tạng

Trao đổi với PV, bác sỹ Đào Kim Dung (người trực tiếp gây mê hồi sức cho bệnh nhân Trần Ngọc Hải) kể lại: “Tôi còn nhớ khi máy bay xuất phát từ TP.HCM, BS. Sơn gọi điện và đưa ra cho chúng tôi một phương án dự phòng rằng, trong trường hợp tạng không về kịp, các bác sỹ ở đây tiếp tục đốt, mổ cho bệnh nhân ung thư gan. Đến khi xuống sân bay Nội Bài, lúc đó chúng tôi đã mở được hai phía, lấy hết gan ra đến trung tâm gan. Về đến nơi, BS.Sơn tiếp tục vào mổ tiếp và cấy gan vào cho đến khi ca mổ thành công tốt đẹp”.

Bệnh nhân được ghép tim vui cười chào PV.

Không giấu được niềm vui, bệnh nhân Trần Ngọc Hải (người được cấy ghép gan) chia sẻ: “Tôi rất vui mừng và chỉ nhớ được buổi tối tôi lên bàn mổ, thì tới hôm sau tôi đã tỉnh táo. Quả là may mắn cho tôi và gia đình…”. Còn bệnh nhân được ghép tim, lúc nhìn thấy PV có ý định chụp hình đã giơ tay chào và bộc lộ sự vui sướng tột cùng khi được cứu sống trong gang tấc.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ: “Bình thường, một ca ghép thế này ở Việt Nam chi phí khoảng 1-1,5 tỉ đồng, nhưng nếu ra nước ngoài thì có thể lên tới 5-6 tỉ đồng”. Cũng theo bác sỹ Quyết, điều quan trọng nhất là chúng ta đang thiếu nguồn hiến tạng nên bệnh nhân phải ra nước ngoài.

“Không có tuần nào, BV Việt Đức không đón bệnh nhân đi ghép tạng ở nước ngoài về đây điều trị. Về kinh nghiệm ghép tạng, điều kiện cơ sở vật chất, nước ta còn thua xa, nhưng kinh nghiệm về lâm sàng thì các bác sỹ ở Việt Nam không hề thua kém nước ngoài”, bác sỹ Quyết chia sẻ.

Nói về ý nghĩa của việc ghép tạng, GS.TS.Trịnh Hồng Sơn cho biết: “Hiến tạng là nghĩa cử vô cùng nhân văn, cao cả. Một người không may ra đi, nguồn tạng hiến từ họ cứu sống được nhiều người bệnh khác. Chúng tôi luôn nhớ những ân nhân – bệnh nhân của những ca ghép đặc biệt đó. Tại BV Việt Đức, việc tổ chức kíp phẫu thuật đã rất thuần thục, có khả năng xử trí rất nhanh, cùng lúc có các kíp lấy tạng, xử lý rồi chuyển đến các kíp phẫu thuật ghép tạng. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống với chất lượng sống tốt hơn”.

Con số giật mình

GS.TS.Sơn cung cấp: Mỗi ngày có 1-4 ca cần ghép tạng, nhưng cả 5 năm qua chỉ có mấy chục ca được ghép. “Mỗi năm nước ta có hàng chục nghìn ca chết vì tai nạn giao thông. Nếu bỏ qua các yếu tố khác, chúng ta làm tuyên truyền tốt thì những ca đó có thể giúp ích cứu sống những bệnh nhân khác. Giá mà được như vậy…”, GS.TS.Sơn chia sẻ.

Đức Kế – Nguyễn Cường

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook