Mỗi người uống 53,6 lít nước giải khát/năm
Theo bà Mai, mặc dù lượng gạo trong bữa ăn đã giảm dần, nhưng thay vào đó là bánh mì trắng, mì ăn liền, bánh ngọt đã tăng gấp đôi trong 10 năm gần đây, từ 16 gam/người/ngày lên 33 gam/người/ngày.
Trong khi đó, lượng nước giải khát tiêu thụ ở VN cũng gia tăng nhanh. Thống kê mới nhất cho thấy năm 2015 người Việt đã tiêu thụ 53,6 lít nước giải khát/người/năm, trong đó có nhiều nước giải khát chứa đường, các chất cần hạn chế sử dụng hoặc không có lợi cho sức khỏe.
Cũng năm 2015, đã có 3,4 tỉ lít bia được tiêu dùng (tăng hơn 400 triệu lít so với 2 năm trước đó), bình quân mỗi người Việt uống 38 lít bia năm 2015, cao hơn gần gấp ba so với lượng sữa tiêu thụ (bình quân 14,8 lít/năm).
Dù chưa có thống kê lượng đường được sử dụng 5 năm gần đây, nhưng bà Mai cho rằng bánh kẹo sử dụng gia tăng.
“Trẻ em VN có thói quen dùng nhiều nước ngọt mà không thích uống nước lọc, khi uống sữa các cháu cũng thích sữa ngọt. Điều này khác hẳn với thói quen của trẻ em nước ngoài. Có nhiều gia đình cho trẻ uống nước ngọt có gas bất kỳ khi nào các con thích, mà không để ý mỗi lon nước ngọt chứa từ 36-63 gam đường, trong khi khuyến cáo mỗi người chỉ nên sử dụng 20 gam đường/ngày.
Vì dùng nhiều đường và các loại đồ ăn uống có chứa đường trong khi vệ sinh răng miệng lại chưa đúng cách, nên tỉ lệ người Việt sâu răng rất cao và đường tinh chất cũng liên quan đến sự gia tăng bệnh nhân đái tháo đường ở VN”- bà Mai cho biết.
Bà Trần Thị Thanh Hóa, phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư, cho hay sau nhiều năm khám bệnh nhân đái tháo đường, bà nhận thấy một thực tế là tuổi phát hiện bệnh đang càng ngày càng trẻ.
Bà từng có bệnh nhân đái tháo đường type 2 (type đái tháo đường liên quan đến lối sống) mới 9 tuổi, còn nhóm tuổi 18-20 đã đái tháo đường thì gặp ngày càng nhiều hơn, trong khi trước đây phải trên 40 tuổi mới bắt đầu phát hiện bệnh.
Giáo dục dinh dưỡng từ học đường
Đây là ý kiến của GS Lê Bách Quang, nguyên phó giám đốc Học viện Quân y. Theo GS Quang, VN chưa có chính sách về chế độ ăn, dinh dưỡng trong trường học, tại gia đình, nhưng đã có các biện pháp, giải pháp để dinh dưỡng hợp lý hơn.
“Có giải pháp nhưng chúng ta lại không có công cụ để thực hiện giải pháp. Chúng ta khuyến cáo người tiêu dùng cần trở thành người tiêu dùng thông thái, nhưng test nhanh để kiểm tra thực phẩm ấy có an toàn không, có nhiễm hóa chất hay tồn dư kháng sinh hay không… thì khó mua hoặc thậm chí không có. Điều này khác hẳn với nước ngoài”- GS Quang nói.
Khác với thế hệ của GS Quang là thiếu thực phẩm, thì phần lớn giới trẻ hiện nay (đặc biệt là ở thành thị) lại thừa mứa thực phẩm. Thị trường tràn ngập nước ngọt, nước có gas, các quảng cáo nước ngọt.
Theo GS Quang, nước có gas hiện nay lại rất hấp dẫn giới trẻ. Các bạn tuổi teen hiện có vô số đồ uống pha chế sẵn và đóng chai, không như thế hệ trước đó chỉ biết nước lọc, nước ngọt là xa xỉ.
“Vì thế muốn giáo dục dinh dưỡng thì phải giáo dục từ giai đoạn học đường, cho lớp trẻ, chứ chúng ta hiện nay toàn hướng dẫn cho phần ngọn, tức là những người đã lớn tuổi, thói quen tiêu dùng đã hình thành”- GS Quang nói.
Không nên khuyến cáo suông
Thực tế có rất nhiều sai sót trong sử dụng thực phẩm và trong chế độ dinh dưỡng của người Việt. Theo khuyến cáo mỗi người chỉ nên dùng 5 gam muối/ngày, nhưng điều tra tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ gần đây cho thấy mỗi người Việt Trì được khảo sát ăn tới 15,3 gam muối/ngày, cao hơn gần gấp 3 so với khuyến cáo.
Ăn mặn là một trong số các căn nguyên dẫn đến bệnh tăng huyết áp và tính chung toàn quốc, hiện có 1/4 người Việt Nam trưởng thành có tăng huyết áp, trong khi năm 1960 tỉ lệ này chỉ ở mức 1%.
Canxi và vitamin D cần cho phát triển chiều cao, chắc xương và răng, nhưng từ năm 1985 đến nay lượng canxi tiêu thụ vẫn xung quanh 500mg/người/ngày, chỉ tương đương 50-60% nhu cầu. Thói quen sử dụng nước ngọt có gas và ăn mặn, thích ăn nhiều thịt cũng góp phần phá hủy canxi.
Hiện chiều cao trung bình của thanh niên người Việt đang thấp hơn thanh niên Thái Lan 3-4 cm, muốn đạt chiều cao trung bình này người VN cần ít nhất 3 thập kỷ nữa; tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì ở các đô thị như TP.HCM và Đà Nẵng đã tương đương các nước phát triển.
Kéo theo đó là tỉ lệ bệnh nhân mắc các chứng bệnh liên quan đến dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa tăng cao, như nhóm bệnh nhân đái tháo đường cứ sau 10 năm lại tăng gấp đôi…
Làm sao để người dân có kiến thức và thực hành phù hợp để các món ăn không tự “phá” nhau, hay việc hạn chế thực phẩm nhiều đường ngọt, nhiều tinh bột, dầu mỡ… đang là vấn đề đòi hỏi chính sách và giải pháp, chứ không chỉ là khuyến cáo của cơ quan chuyên môn như từ trước đến nay.
Chưa nói, nếu được tự do chọn lựa thực phẩm, không phải ai cũng biết thực phẩm nào thật sự cần, thật sự tốt cho sức khỏe, trong khi đó ăn uống theo sở thích (có thể không tốt) lại rất dễ dàng định hình từ thuở còn thơ và thay đổi những thói quen đó là rất khó.
Thói quen ăn uống xấu của người Việt
KHUYẾN CÁO
THÓI QUEN
Đường
20 gam/ngày
1 lon nước ngọt có 36-63 gam đường
Muối
5 gam/ngày
15,3 gam/ngày
Canxi
~_1.000mg/ngày
500mg/ngày
Ở xứ nhiệt đới, người Việt vẫn thiếu vitamin D
Bà Lê Bạch Mai rất băn khoăn khi sống ở vùng nhiệt đới nắng gió nhưng người Việt lại thiếu vitamin D, mức đáp ứng nhu cầu vitamin D ở phụ nữ chỉ đáp ứng 8% còn trẻ em chỉ đáp ứng 10,6% nhu cầu.
“80-90% nguồn cung cấp vitamin D là nhờ tác động quang hóa của ánh nắng mặt trời thì phụ nữ lại che bịt thật kín khi ra đường, kể cả trong nắng sớm và những ngày râm mát, trong khi rất cần bảo vệ mắt tránh tác hại từ ánh nắng thì chị em lại để mắt tự do”, bà Mai băn khoăn.
LAN ANH (TTO)
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.