Chủ Nhật, 21/02/2016 | 00:00

Trước xu hướng lây lan nhanh ở nhiều quốc gia và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, ngay sau kỳ nghỉ Tết, ngày 16/2, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh (Bộ Y tế) đã họp bàn về phương án đối phó với dịch bệnh do virus Zika. Bộ Y tế cho biết đang triển khai lấy mẫu để tìm virus Zika xem đã có mặt tại Việt Nam hay chưa.

Xét nghiệm miễn phí các trường hợp nghi nhiễm

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hầu hết triệu chứng của bệnh do virus Zika là nhẹ. Tuy nhiên có thể có sự liên quan giữa các trường hợp nhiễm virus Zika và sự gia tăng bất thường các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Phát biểu tại cuộc họp của Văn phòng đáp ứng dịch bệnh sáng 16/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế chủ trương xét nghiệm miễn phí các trường hợp nghi ngờ có nhiễm virus Zika nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh. Nếu như trong thời gian tới, số lượng người đến xét nghiệm quá nhiều thì Bộ Y tế sẽ có báo cáo cụ thể để tiếp tục đưa ra phương án hợp lý nhất.

Quan điểm của Bộ là tiến hành mọi biện pháp để mở rộng đối tượng giám sát. Hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM. Sắp tới, Bộ sẽ đưa vào hoạt động hai phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của BV bệnh Nhiệt đới Trung ương và BV bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Bộ Y tế khuyến cáo những người đi từ vùng có dịch trở về, dù có hay không có triệu chứng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cần đến các cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm nhằm có thể chủ động giám sát sớm. Thứ trưởng Long cho hay, ở phía Nam, Viện Pasteur TP HCM đã lấy mẫu xét nghiệm tại 8 điểm để giám sát dịch trong cộng đồng. Phía Bắc cũng sẽ tiến hành giám sát lấy mẫu trong cộng đồng vào tuần tới.

TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đa phần người bệnh không có biểu hiện triệu chứng nên sẽ rất khó để có thể phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên. Do đó, ngoài việc giám sát chặt người nhập cảnh từ các vùng dịch, cần theo dõi những trường hợp thai phụ siêu âm thấy trẻ có bất thường đầu nhỏ thì cần lấy máu làm xét nghiệm tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, trong hệ thống giám sát bệnh bại liệt mà Việt Nam đang duy trì nếu phát hiện các ca viêm đa rễ thần kinh (một trong những hội chứng liên quan đến bệnh do virus Zika) cũng cần báo cáo kịp thời.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh- Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ – trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị, cần truyền thông đúng tính chất mức độ, tránh gây hoang mang cho người dân trong khi đang còn các bệnh dịch khác. Vụ sẽ tiến hành tập huấn sớm cho các cán bộ sản khoa kiến thức về virus Zika, cũng như mối liên quan đến hội chứng đầu nhỏ, trước mắt tập trung vào các điểm quan trọng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo công dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trong tuổi sinh đẻ không có việc cần kíp không đi đến các vùng dịch. Nếu buộc phải đi cần đến cơ quan y tế để được tư vấn, hướng dẫn. Việc siêu âm thai chưa đủ để xác định chứng đầu nhỏ trừ những trường hợp có biến dạng rõ rệt. Vì vậy, phụ nữ nếu muốn bỏ thai do lo lắng về chứng đầu nhỏ nên đến các cơ sở y tế được phép cung cấp các dịch vụ và được tư vấn.

Phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi truyền bệnh đốt để tự bảo vệ mình không bị nhiễm virus Zika. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Zika đã được phát hiện trong sữa mẹ nhưng không có bằng chứng cho thấy rằng virus có thể truyền cho con trong khi bú sữa mẹ. Virus Zika cũng đã được tìm thấy trong tinh dịch, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng virus này có thể truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, cần có thêm bằng chứng.

Nghi vấn chất diệt muỗi gây bệnh đầu nhỏ là không có cơ sở

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cơ quan y tế quốc tế đang đặt nghi vấn nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là do hóa chất diệt ấu trùng muỗi (Pyriproxyfen) có trong nước sinh hoạt tại Brazil. Tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam không sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống. Hóa chất này chỉ được sử dụng trong nước thải, nước công trình xây dựng. Hóa chất Pyriproxyfen là hóa chất vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng để diệt ấu trùng muỗi trong nước.

Trong cuộc họp, ông Tony Mount- Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Mỹ tại Việt Nam cho rằng, việc dùng thuốc diệt ấu trùng muỗi tại Brazil đã áp dụng thời khá dài tại vùng có dịch sốt xuất huyết, sốt rét và hóa chất này dùng ở tất cả các quốc gia, chứ không riêng gì Brazil.

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu thì việc sử dụng hóa chất diệt muỗi không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế cũng cho biết, Việt Nam có cho phép nhập khẩu hóa chất trên từ năm 2010, từ năm 2012 mới bắt đầu nhập đến tháng 4/2014 là hơn 9.000 kg, tuy nhiên mới chỉ bán hơn 2.000 kg. Đây là hóa chất duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng trong nước sinh hoạt.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi mới nhận được, chiều 17/2, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế cho biết), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức khẳng định chưa có bằng chứng về việc ảnh hưởng của hóa chất pyriproxyfen 0,5% đối với sức khỏe con người. Hóa chất pyriproxyfen được sản xuất tại Nhật Bản và nhập khẩu vào Việt Nam với một chế phẩm duy nhất có tên thương mại là Sumilarv 0,5G. WHO đã đánh giá và chứng nhận hóa chất pyriproxyfen 0,5% có tác dụng diệt ấu trùng muỗi (loăng quăng, bọ gậy) và an toàn cho con người từ năm 2000.

Minh Vũ

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook