Thời gian gần đây trước một số thông tin cho rằng thuỷ ngân bay lơ lửng trong không khí tại Hà Nội khiến dư luận hoang mang lo lắng. Nhiều người cho rằng thuỷ ngân độc và rất nguy hiểm… Nhưng thực sự nguy hiểm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào đối với sức khoẻ khi bị nhiễm thì còn chưa rõ. Phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Huy Nga nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, nhiễm độc thuỷ ngân nguy hại thế nào đối với sức khoẻ con người?
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Thuỷ ngân là một kim loại nặng, chất khó phân huỷ. Bình thương ở dang lỏng nhưng rất dễ bay hơi và gây ngộ độc. Thủy ngân là khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Hơi và các hợp chất, muối của thủy ngân rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận.
Các ảnh hưởng độc hại của thủy ngân đã được biết khá rõ. Các ảnh hưởng khác gồm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tiết niệu…
Đối với hệ tiêu hóa: Viêm ruột, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm lợi, kèm vị đắng khó chịu, viêm miệng, loét niêm mạc và có thể thấy đường viền thủy ngân màu xanh ở bờ răng lợi.
Đối với thần kinh: như run cố ý, bệnh Parkinson với biểu hiện run khi nghỉ và giảm chức năng vận động.
Nếu tiếp xúc lâu dài với thủy ngân có thể gây ra run mí mắt và rối loạn thị giác, viêm màng tiếp hợp, thu hẹp thị trường. Có rất nhiều người cho rằng thuỷ ngân có thể gây ung thư, biến đổi gen và gây quái thai. Tuy nhiên chưa có bằng chứng thuỷ ngân gây ung thư.
PV: Đối với không khí thì nguồn nhiễm thuỷ ngân nguy hiểm như thế nào thưa ông? Ngoài ra, lây nhiễm thuỷ ngân nguồn nước, thực phẩm mức độ nguy hiểm ra sao?
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Thủy ngân được sử dụng khá nhiều trong công nghiệp và đời sống, chẳng hạn các loại pin thủy ngân, nhiệt kế, bình thủy, đèn neon (dạng hơi), thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, dạng khí thải từ lò đốt rác. Trong lĩnh vực y tế, thủy ngân được pha chế làm thuốc đỏ khử trùng (Mercure au chrome), hợp chất trám răng Amalgame…
Các sản phẩm có thủy ngân thải ra môi trường làm ô nhiễm không khí, mặt đất; Hầu hết thủy ngân làm ô nhiễm không khí và nước đều xuất phát từ việc khai thác quặng, sản xuất công nghiệp nặng và từ các nhà máy điện chạy bằng than…
Riêng đối thuỷ ngân gây ô nhiễm nguồn nước – đặc biệt là nguồn nước biển. Trong môi trường nước biển, các loài vi khuẩn ưa mặn sẽ biến đổi nguồn thủy ngân vô cơ (ít độc) thành thủy ngân hữu cơ (methyl mercury) có độc tính cao. Các phiêu sinh vật là nguồn cảm nhiễm đầu tiên, kế đó là các loài cá nhỏ, rồi cá lớn (cá săn mồi). Con người là chuỗi mắt xích cuối cùng nhiễm thủy ngân, sau khi ăn các loài cá có nhiễm chất này.
Sự biến đổi độc tính của thuỷ ngân sẽ tăng dần nếu có hiện tượng tích luỹ sinh học. Sự tích luỹ sinh học là quá trình thâm nhiễm vào cơ thể gây nhiễm độc mãn tính. Quá trình này diễn ra gồm hai giai đoạn: Sự tích luỹ sinh học bắt đầu bởi cá thể, sau đó được tiếp tục tích lũy nhờ sự lan truyền giữa các cá thể, từ động vật ăn cỏ, động vật ăn cá, cho đến con người. Do đó nồng độ thủy ngân được tích luỹ dần dần cho đến khi gây hại. Hiện tượng tích luỹ sinh học này rất nguy hiểm, nhất là với methyl thủy ngân – xuất phát từ môi trường lúc đầu ít ô nhiễm (nồng độ thủy ngân thấp), nồng độ đó có thể tăng lên đến hàng nghìn lần và trở thành rất độc.
Những phụ nữ có thai, những trẻ sơ sinh còn bú mẹ và các trẻ nhỏ dễ bị nguy hiểm nhất, bởi vì một lượng lớn thủy ngân có thể gây hại cho não bộ đang phát triển. Nếu bà mẹ dùng nhiều các loại cá biển (loại chứa hàm lượng thủy ngân cao), thì sự phát triển não bộ của đứa bé có thể bị ảnh hưởng và thậm chí là thủy ngân tích lũy sẽ gây biến chứng nặng về sau, hoặc gây ra những vấn đề về sự thông minh của trẻ…
Hiện tại các mỏ vàng trái phép sử dung nhiều thuỷ ngân để chế vàng và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Việt Nam đã ký công ước Minamata về loại trừ thuỷ ngân đến năm 2020. ngày 4/10/2013. Hiện nay ngành y tế đang thay thế các thiết bị chứa thuỷ ngân để năm 2020 không còn nữa.
PV: Xin ông cho biết cách nhận biết khi nhiễm độc thủy ngân?
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Ngộ độc thuỷ ngân cấp tính chủ yếu là do thuỷ ngân vô cơ có trong không khí nơi lao động hoặc do đánh vỡ các dụng cụ y tế chứa thuỷ ngân, thuỷ ngân bay hơi, đặc biệt là trẻ em, tổn thương phổi, da và ruột. Thuỷ ngân hợp chất thường gây ngộ độc mạn tính ảnh hưởng nhất là hệ thần kinh gồm run tay chân, rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, trẻ em bị chậm phát triển trí tuệ, ảnh hưởng lên tim mạch , thận, gan và đặc biệt là cơ quan sinh sản của cả hai giới, trẻ em sinh ra bị khuyết tật.
Khi bị bệnh nhiễm độc thủy ngân thường có biểu hiện như: Ăn không ngon, sút cân, nhức đầu. Tâm lý người bệnh dễ kích thích như: Cáu giận, mất ngủ, lo lắng, trầm uất, giảm trí nhớ, mất tự chủ.
Ngoài ra, người bị nhiễm bệnh bị viêm loét niêm mạc, viêm lợi, rụng răng, răng xám đen hoặc đường viền thủy ngân. Có biểu hiện run cố ý: Từ mép môi, lan dần đến tay chân, đặc biệt là khi xúc động, hay bị đau bụng ỉa chảy do thủy ngân; Viêm thận tăng đạm huyết. Bên cạnh đó, người bệnh còn có những dấu hiệu khác như: Dễ đỏ mặt, hay đổ mồ hôi.
Hơi thủy ngân bốc lên với nồng độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa, viêm thận, đạm huyết tăng nhanh (4-5g urê/l), giảm clo huyết, nhiễm a xit, gây viêm loét miệng, bỏng đường tiêu hóa, nôn ra máu, toàn thân suy sụp. Nạn nhân khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng và bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 -36 giờ.
Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.
PV: Thưa ông cho biết cách phòng tránh và xử trí khi nghi ngờ tiếp xúc, có biểu hiện nhiễm độc thuỷ ngân.
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Đối với trường hợp nghi ngờ nuốt hoặc hít thủy ngân, nhanh chóng loại bỏ chất độc ở da bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm. Không gây nôn (thí dụ như móc học để gây ói) nếu lỡ nuốt hay uống phải thủy ngân. Cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu nhanh nhất. Đối với trường hợp thuỷ ngân ít như: nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, cần xử lý đúng cách để không ảnh hưởng sức khỏe và môi trường. Không nên sử dụng chổi hoặc máy hút bụi vì sẽ làm tăng sự phân tán của thủy ngân trong môi trường. Có thể sử dụng một mảnh nhựa cứng để gom các giọt nhỏ thủy ngân để tạo thành giọt thủy ngân lớn hơn rồi đẩy các giọt này vào một túi nhựa, gói kín để bỏ đi. Ngoài ra, có thể rắc bột lưu huỳnh hoặc bột kẽm vào nơi thủy ngân rơi (và vùng xung quanh) rồi nhẹ nhàng gom các vật liệu này (như cách trên) vào một túi nhựa để bỏ đi”.
Đối với khu chế xuất và làm việc có thuỷ ngân nhiều cần thực hiện nghiêm túc bảo hộ lao động bảo vệ đường hô hấp cho công nhân. Cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cho công nhân tiếp xúc nghề nghiệp, nếu thấy có biểu hiện viêm miệng, run… phải định lượng Hg niệu. Nếu có tình trạng nhiễm độc phải ngừng tiếp xúc và cho chuyển nghề. Người lao động phải tắm và thay quần áo lao động sau ca làm việc. Cấm ăn uống và hút thuốc tại nơi làm việc. Rửa tay bằng xà phòng và bàn chải trước khi ăn. Rửa miệng thường xuyên bằng clorat kali 2%. Tránh uống rượu, một yếu tố thuận lợi cho sự nhiễm độc.
Các cơ quan, nhà máy phải giám sát môi trường, loại bỏ công nghệ, dụng cụ chứa thuỷ ngân, thu hồi thuỷ ngân về các kho chứa tập trung để xử lý.
PV: Trân trọng cảm ơn Ông!
Khánh Mai (Thực hiện)
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.