Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu ngành y tế thành phố chủ động đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cả nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Ông nhấn mạnh không lo xã hội hóa y tế là mất định hướng, cuối cùng nhằm để cho người dân được chăm sóc y tế tốt hơn.
Chăm sóc bệnh nhân tại phòng hồi sức tích cực BV đa khoa Bình Dương.
Tăng viện phí, tính đúng, tính đủ là việc cần làm song song với lộ trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều người kỳ vọng đợt tăng viện phí đầu tháng 3/2016 sẽ đi kèm với sự thay đổi tốt hơn chất lượng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, tăng viện phí như hiện nay vẫn chưa thể kỳ vọng nhiều vào việc tăng chất lượng khám chữa bệnh, vì chất lượng dịch vụ y tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Không ít dẫn chứng để thấy rằng, có hàng đống tiền nhưng chưa chắc đã có dịch vụ chất lượng cao như mong muốn, nhất là với ngành y tế. Bảo hiểm xã hội TPHồ Chí Minh mới đây cho biết, quỹ bảo hiểm y tế của thành phố này dự kiến kết dư tới 1.000 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, điều đó không phải là chuyện đáng vui mừng.
Bà Phạm KhánhPhong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, kết dư 1.000 tỷ đồng cũng có nghĩa là người bệnh sẽ mất đi nhiều cơ hội và các bệnh viện cũng sẽ rất mệt mỏi trong việc đấu tranh với khoản chi trả BHYT để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh như mong muốn. Thế nhưng cơ chế là… cơ chế. Người bệnh vẫn phải chấp nhận một dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa tương xứng với nhu cầu bảo đảm sức khỏe và tính mạng trong khi tiền thì có hàng đống lạnh lùng nằm trong kho bạc.
Ai cũng thấy một trong những nguyên nhân cơ bản và ảnh hưởng lớn nhất tới chất lượng khám chữa bệnh hiện nay là tình trạng quá tải nghiêm trọng của các bệnh viện tuyến trên. Hệ thống bệnh viện này từ lâu được xem là hy vọng cuối cùng, là niềm tin vào sự chiến thắng bệnh tật của người bệnh.
Sự mất cân bằng của hệ thống cuối cùng có thể thấy được do tác động tích lũy lâu dài của vấn đề liên quan tới con người và kỹ thuật chuyên môn. Khi mà tuyến dưới trong nhiều năm trôi qua, không đảm bảo được chất lượng khám chữa bệnh dẫn tới việc làm mất lòng tin của xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, đặc biệt liên quan tới chiến lược đào tạo, sử dụng con người và nhất là vấn đề đã ăn sâu vào tâm lý cộng đồng không thể chỉ trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên có thể làm ngay nhiều việc liên quan tới sự thay đổi cơ chế để tăng cường hiệu quả và tính năng động của đội ngũ cũng như hệ thống hiện tại cho mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Câu chuyện cơ sở vật chất, yếu tố “tiền đề” trong lộ trình giảm tải của các bệnh viện “nóng” lên với nhận xét của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng hôm mồng 6/3 khi ông đi thị sát một số bệnh viện trong thành phố này:
“Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, nơi làm việc của những giáo sư, bác sỹ giỏi nhất cả nước, mà lại manh mún, xập xệ, không chấp nhận được, không ra dáng một bệnh viện hiện đại của thành phố”. Chia sẻ bức xúc đó, nhiều bác sỹ tâm huyết với nghề cho biết, lâu nay chúng ta kêu giảm tải, làm hài lòng người bệnh nhưng cứ loay hoay cơ sở vật chất cũ, bình cũ rồi rượu cũng cũ thì không giải quyết được gì. Bởi lẽ, nhiều quy định ràng buộc khiến các bệnh viện không thể chủ động phát triển được cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật chuyên môn, lâu ngày tạo ra tâm lý “ngồi chờ” cấp trên chỉ đạo để làm cho chắc.
Cơ chế xin – cho không chỉ làm mất thời gian của sự phát triển mà còn nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Quan trọng nhất là không phát huy được tính chủ động sáng tạo, chất xám của đội ngũ trí thức của các bệnh viện. Có một thực trạng đau lòng là tại nhiều bệnh viện hàng đầu chúng ta có một đội ngũ trí thức hùng hậu, một quỹ “chất xám” chuyên ngành rất quý báu để làm được nhiều việc tốt cho xã hội, song nhiều nơi không phát huy được do những ngáng trở về cơ chế, chính sách.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung- Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, cho rằng nên có chính sách riêng cho bệnh viện tự chủ toàn phần và một phần. Nhiều bệnh viện có một “đống tiền” từ quỹ phát triển sự nghiệp nhưng không được phép đấu thầu mà cứ phải chờ đấu thầu tập trung nên thiếu trang thiết bị để hoạt động. Rất nhiều đồng nghiệp khác của TSDung bày tỏ sự đồng tình với đề nghị này và còn bổ sung thêm nhiều ý kiến liên quan tới việc tự chủ của các bệnh viện trong nhiều lĩnh vực khác như việc đấu thầu thuốc chữa bệnh chẳng hạn.
Đáng ghi nhận, mới đây lãnh đạo TP HCM và Bộ Y tế đã cùng bàn bạc tìm cách cải thiện cơ sở vật chất, tập trung tối đa giảm tải tại các bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Tại buổi làm việc này, Bí thưThành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu ngành y tế thành phố chủ động đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cả nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Ông nhấn mạnh không lo xã hội hóa y tế là mất định hướng, cuối cùng nhằm để cho người dân được chăm sóc y tế tốt hơn. Để có thể thực hiện việc này, ông Đinh La Thăng cho rằng phải giao quyền tự chủ cho các bệnh viện. Bệnh viện phải là nơi chịu trách nhiệm, nếu làm sai, bệnh nhân kêu ca thì trách nhiệm thuộc về giám đốc bệnh viện.
Thi công chức thanh lịch Bộ Y tế Ngày 7/3, Công đoàn Cơ quan Bộ Y tế phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ đã tổ chức Hội thi Công chức thanh lịch Cơ quan Bộ Y tế năm 2016. 21 thí sinh đến từ 6 đơn vị trực thuộc, đại diện cho hơn 1.000 đoàn viên công đoàn Cơ quan Bộ đã mang về cho sân khấu Hội thi nhiều sắc màu văn hóa, tri thức, nghệ thuật phong phú, ấn tượng, mang đậm dấu ấn của mỗi cá nhân, đơn vị. Hội thi không chỉ có phần giải thưởng cho các đội tuyển của các đơn vị mà còn các phần thưởng cho những khán giải tham dự trả lời đúng câu hỏi của chương trình nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Giải Đặc biệt thuộc về Cục Y tế dự phòng, Giải Nhất thuộc về Cục Quản lý Dược. Ngọc Kha |
Hữu Nguyên
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.