Thứ Năm, 10/11/2016 | 16:30

Bộ Y tế vừa trao chứng nhận hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên người vắc xin phổi hợp sởi rubella do Việt Nam sản xuất, dự kiến đến năm 2017, vắc xin sẽ được cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Với công nghệ máy móc thiết bị và quy trình sản xuất vắc xin do Nhật Bản tài trợ, dự kiến mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) – Polyvac sẽ sản xuất được khoảng 7,5 triệu liều mỗi năm trong khi nhu cầu của thị trường Việt Nam mỗi năm khoảng 4 triệu liều vắc xin sởi rubella. Đây là điều kiện thuận lợi để Polyvac không chỉ đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh ở trong nước mà có khả năng đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia xuất khẩu vắc xin ra thế giới. Phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với bà Iijima Makiko – chuyên gia phụ trách tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam về vấn đề này.

 

WHO đánh giá cao khả năng sản xuất vắc xin của Việt Nam

Bà Iijima Makiko – chuyên gia phụ trách tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam

Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về chất lượng vắc-xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất?

Bà Iijima Makiko: Như chúng ta đã biết, năm 2014, POLYVAC đã sản xuất được vắc xin sởi, và nhờ có công nghệ sản xuất vắc xin sởi này, mà năm 2014, khi xảy ra đại dịch sởi ở Việt Nam, POLYVAC đã nhanh chóng, kịp thời sản xuất ra được lượng vắc xin đủ để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng tại thời điểm đó. Khả năng đáp ứng vắc xin này của POLYVAC không chỉ được trong nước mà còn cả cộng đồng các nước trên thế giới đánh giá rất cao.

Năm 2011, đã từng xảy ra đại dịch rubella ở Việt Nam, đối tượng mắc có cả ở trẻ em và người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Việc này đã dẫn đến hậu quả đau lòng là một số trẻ em khi sinh ra đã bị mắc một số dị tật bẩm sinh như não úng thủy, mù lòa.

Vắc xin kết hợp sởi – rubella do POLYVAC sản xuất trong dự án hiện nay đã phòng bệnh đối với cả 2 nguy cơ trên, tôi cho rằng đây là một thành quả rất tuyệt vời.

Hiện nay, theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam thì mới chỉ thực hiện tiêm miễn phí cho đối tượng là trẻ em, tuy nhiên, vắc xin MR do POLYVAC sản xuất có thể tiêm được và có tác dụng, hiệu quả với cả trẻ em và người lớn đến độ tuổi 45, trong đó có phụ nữ mang thai, nên có khả năng phòng tránh được dịch bệnh này ở cả trẻ em và người lớn. Tôi đánh giá rất cao việc này.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về khả năng sản xuất vắc xin của Việt Nam?

Bà Iijima Makiko: Có rất ít quốc gia trên Thế giới có thể tự sản xuất được vắc xin để cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia như Việt Nam, và WHO cũng như các quốc gia khác đánh giá rất cao việc này.

Năm 2015, cơ quan NRA của Việt Nam đã chính thức được tổ chức WHO cấp phép (PV: Năm 2015, Việt Nam đã đạt chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin đạt tiêu chuẩn của WHO), và nhờ đó, các vắc xin mà Việt Nam sản xuất không những có thể sử dụng được trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài, dưới sự giám sát của cơ quan NRA của Việt Nam.

Phóng viên: Vậy WHO có thể làm gì để hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu vắc xin sang các nước khác, đặc biệt sang một số nước khác đang phải nhập khẩu vắc xin?

Bà Iijima Makiko: Tôi xin nói kỹ hơn để các bạn hiểu. Về mặt cơ cấu: trước tiên cơ quan NRA của Việt Nam cần được WHO cấp phép, việc này Việt Nam đã làm được. Tiếp theo là phải xin pre -qualification (cấp phép trước) – bước này do WHO cấp phép. Sau đó, thông qua LHQ, vắc xin sẽ được xuất khẩu.

Về phía WHO, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho NRA của Việt Nam, cũng như ở bước cấp phép pre-qualification.

Về phía Bộ Y tế và các nhà sản xuất vắc xin tại Việt Nam, cũng cần có sự cố gắng hơn nữa trong các bước để hướng tới việc xuất khẩu được vắc xin.

Liên quan đến vắc xin MR, hiện nay trên thế giới mới chỉ có Ấn Độ là nước xin được pre-qualification (cấp phép trước) của WHO cho vắc xin phối hợp sởi rubella (MR). Đối với vắc xin MR do POLYVAC sản xuất, với chất lượng cao như vậy, tôi hy vọng sẽ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho nhu cầu trong nước mà còn hướng tới việc xin được pre-qualification của WHO để xuất khẩu sang các nước khác.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà.

Hải Yến

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook