Người chồng năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn luôn sát cánh cùng người vợ 78 tuổi trên hành trính chiến đấu với căn bệnh suy thận, sống nhờ vào chạy thận nhân tạo.
Ông Sơn và bà Lệ.
Con chăm cha không bằng bà chăm ông
Bà Đinh Thị Lệ là một trong những người cao tuổi của xóm chạy thận ngõ Cột Cờ, Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Lệ sống cùng chồng là ông Nguyễn Hồng Sơn 85 tuổi quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Căn nhà chưa đầy 10 mét vuông của ông bà thuê mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Với bà Lệ, đây là mái nhà đến cuối đời của mình. Căn phòng trọ đơn sơ của ông bà chẳng có món đồ gì ngoài chiếc bếp ga mini và nồi cơm điện. Những ngày nắng nóng, cả đêm hai ông bà thức chong chong vì không ngủ được.
Ông Sơn dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn ở cạnh chăm sóc bà. Ông bảo “Các cụ nói con chăm cha không bằng bà chăm ông. Bà ấy bị bệnh đi chạy thận về mệt nên tôi xuống đây ở cùng bà ấy. Có tôi, hai vợ chồng già đỡ buồn hơn. Bà cũng có động lực để chiến đấu với căn bệnh suy thận. Dù bị bệnh nhưng bà ấy vẫn lo cơm nước. Chỉ hôm nào mệt tôi mới phải nấu cơm cho bà. Già rồi, chúng tôi ở bên nhau bầu bạn, quên đi ác nghiệt của cuộc đời”.
Những người trong xóm chạy thận ai cũng kính trọng ông Sơn. Ông cao tuổi lại sống tình cảm. Ông Sơn kể “Lạ lắm, ngày còn trẻ vợ chồng va chạm, cãi nhau nhiều. Ấy vậy mà về già, bà ấy lại bị bệnh nên tôi chỉ mong chăm sóc, ở bên cạnh bà ấy thật tốt. Ở tuổi này, người ta mới thấy vợ chồng thật ý nghĩa”
Vừa chuẩn bị bữa cơm tối cho hai ông bà già, bà Lệ tâm sự với chúng tôi. Năm nay bà 78 tuổi và bị suy thận 5 năm nay. Triệu chứng của bệnh đến nhanh chóng. Những ngày đầu của bệnh bà thấy mệt mỏi, sụt cân phải đi bệnh viện cấp cứu. Lúc ấy, bác sĩ cho biết bà bị suy thận. Đến nay, thận đã teo lại. Bà phải sống nhờ chạy thận. Căn bệnh suy thận khiến bà không đi tiểu nên chỉ 2 ngày không lọc máu là bà mệt, đau đầu, phù mặt và chân tay.
Những lần đi chạy thận về, bà mệt nằm ra giường mọi chuyện cơm nước đã có chồng lo giúp. Ông Sơn tuy đã già nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông bảo “Tuy toàn người thuê trọ nhưng ở đây mọi người vẫn san sẻ yêu thương, bạn già có bạn già, bạn trẻ có bạn trẻ”. Chỉ tay về hướng dãy trọ có mấy ông cụ đã cao tuổi, ông Sơn kể ngày nào họ mệt ông lại đến phòng trọ của họ nói chuyện tiếu lâm cho ngày nhanh hết.
Nhìn người vợ già với căn bệnh quái ác, ông Sơn thở dài “Bệnh khác còn hẹn ngày về quê chứ bệnh này nếu rời xóm này coi như là chết vì không chạy thận lọc máu, không tiểu tiện được, chỉ 1 tuần là chết. Khổ thế, già rồi ông trời còn không cho ở với con, với cháu”. Ngày nào ông Sơn cũng động viên vợ cố gắng vượt qua bệnh tật, chăm chỉ đến viện chạy thận để có sức khỏe thi thoảng thuê xe về quê chơi với cháu chắt”.
Bà Lệ kể “già rồi có ông ấy ở bên cũng đỡ vất vả hơn. Hai ông bà tự chăm sóc lấy nhau”. Bữa cơm của hai vợ chồng già chỉ vài miếng thịt và rau muống luộc. Ông Sơn nói “tôi được 1 tháng hơn 2 triệu tiền lương. Hai ông bà lên đây thuê nhà và ăn uống trong khoảng đó. Còn tiền phụ viện phí, thuốc men thì con cháu phụ cấp. Bà ấy bị bệnh nhưng tôi bảo bà thích ăn gì cứ ăn không kiêng khem thứ gì. Những lúc mệt quá, hai ông bà cũng chẳng nấu cơm ăn tạm cái bánh mì cho qua bữa”
Nay ở với nhau, mai chẳng biết ai còn, ai mất
Ở xóm trọ này, ít người có người thân lên ở cùng. Người thân ở cùng là chồng, là vợ càng ít. Bác Nguyễn Văn Tấn – cư dân của xóm chạy thận rất lâu – tâm sự, ngày xưa xóm này chỉ là bờ rau muống. Lúc ấy, Bệnh viện Bạch Mai có máy chạy thận nhân tạo được xem như hi vọng sống của những bệnh nhân chạy thận nên những bệnh nhân ở khắp nơi từ Hà Tĩnh trở ra Bắc đều quy tụ về đây thuê trọ. Đây là quê hương thứ hai của họ bởi khi rời đây về quê tức là họ đã chết. Ông Tấn nói trong chua xót “Chúng tôi không có ngày về quê, ngày về có khi đã thiêu xương cốt thành tro rồi”.
Những căn nhà cấp 4 có niên hạn 20 chục năm càng lụp xụp, thấp sâu hơn với sự phát triển của phố thị. Xóm chạy thận chứng kiến biết bao người đến trọ rồi người ra đi mãi mãi. Căn bệnh nó nghiệt ngã là vậy nhưng đã đến xóm này ai cũng khao khát sống không ai muốn bỏ bệnh viện ngày nào vì đến ngày chạy thận dường như ai cũng mệt lắm rồi.
Người trẻ nằm chờ chạy thận họ còn có thể chơi điện tử giết thời gian nhưng những người già chỉ còn biết nằm mắt nhắm lim dim chờ cho qua 4 tiếng đồng hồ rồi lại đổi ca cho người bệnh khác.
Khánh Ngọc
Chưa có bình luận.