Hành trình 5 năm mòn mỏi tìm con nhiều lần thất bại khiến cặp vợ chồng 42 tuổi từng chán nản bỏ cuộc. Nhờ thụ tinh bằng phương pháp mới, gia đình đã đón hai công chúa nhỏ.
Bệnh viện phụ sản thành phố Cần Thơ, cho biết vừa đỡ đẻ thành công cho sản phụ Lương Thị Ngọc Hà (42 tuổi, ngụ Cần Thơ) sinh hai bé gái.
Kết hôn vào năm 2012, hai vợ chồng luôn mong muốn có con. Dù vậy, sau nhiều năm chạy chữa, họ vẫn chưa thể có con.
Chị Hà hạnh phúc đón 2 con sau 5 năm mòn mỏi chữa bệnh hiếm muộn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sau đó, họ quyết định lựa chọn phương pháp bơm tinh trùng vào buồng trứng, nhưng nhiều lần thất bại.
Cặp đôi tiếp tục tìm đến khoa Hiếm muộn, Bệnh viện phụ sản Cần Thơ với hi vọng tìm con lần cuối. Tại đây, vợ chồng chị Hà được các bác sĩ tư vấn kỹ thuật TTTON – xin noãn do dự trữ buồng trứng thấp.
Khát khao được làm cha mẹ của cặp đôi cuối cùng cũng được đền đáp sau 5 năm chạy chữa miệt mài. Hai bé gái có cân nặng 2,5 kg và 2,7 kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình sau khi chị Hà vượt cạn thành công. Hiện, tình hình sức khỏe hai bé sau sinh ổn định, có phản xạ bú tốt.
Tập thể y bác sĩ bệnh viện chúc mừng sản phụ đón thêm thành viên mới. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ, Nguyễn Phan Vinh, Phó trưởng khoa Hiếm muộn, cho biết những trường hợp vô sinh do vợ mắc phải tình trạng giảm dự trữ buồng trứng, suy buồng trứng sớm, sẽ được thực hiện kỹ thuật TTTON – xin noãn (lấy noãn của người cho kết hợp với tinh trùng của người chồng, sau đó chuyển phôi vào buồng tử cung của người vợ). Áp dụng TTTON – xin noãn, về mặt di truyền, đứa trẻ mang gen bố, còn người vợ cũng hài lòng vì có được niềm vui mang nặng, đẻ đau”.
Bác sĩ Vinh cho biết thêm kỹ thuật trữ phôi còn giúp nâng tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn. Bởi quá trình kích thích, gây xâm lấn, cùng với việc dùng thuốc, bệnh nhân đau đớn, stress cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển phôi của lần đầu tiên. Nếu lần đầu chuyển phôi không thành công, số phôi dư được trữ đông lạnh, lần sau khi cơ thể đã hồi phục, tâm lý ổn định thì người bệnh có thể tiếp tục chuyển phôi với phôi đã được trữ, giúp giảm chi phí cho người bệnh và tỷ lệ đậu thai sẽ cao hơn.
Phú Mỹ
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.