Thứ Ba, 12/01/2016 | 16:33

Thế giới sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên vào năm 2017. Việt Nam cũng có thể tiến hành kỹ thuật này nếu có người thích hợp.

Đó là khẳng định của GS.TS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia ngày 12/1. Vị giáo sư đầu ngành cho hay, hiện việc ghép đầu người còn nhiều tranh luận song không phải tới nay, kỹ thuật này mới được nói đến. Từ năm 1908, các nhà khoa học đã tiến hành ghép đầu chó, kết quả con vật này sống được 20 phút và có những chuyển động tối thiểu.

Đến năm 1950, ca ghép đầu lên vai một con chó khác tạo chó hai đầu được thực hiện. Con vật này có thể di chuyển, uống nước. Các ca ghép đầu khác cũng được tiến hành vào những năm sau đó. Đến năm 2013, bác sĩ phẫu thuật người Italy – ông Cavanero đã đề xuất ghép đầu người, sử dụng PEG để gắn kết tủy sống. Năm 2015, Cavanero đề xuất quy trình bảo quản tủy bằng quá trình GEMINI, sử dụng PEG và kích thích điện.

Việt Nam sẵn sàng tiến hành ghép đầu người

GS Trịnh Hồng Sơn cho biết, sẽ mời chuyên gia nước ngoài để thực hiện ghép đầu ở Việt Nam. Ảnh: Hà Quyên.

Hiện, bác sĩ Cavanero công bố, trong năm 2017, sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Valery Spiridonov (người Nga, 30 tuổi) – một bệnh nhân nam mắc phải chứng bệnh teo cơ tủy sống hiếm gặp và hiện chưa có phương pháp điều trị – đã tình nguyện tham gia ca ghép đầu người đầu tiên này.

Kế hoạch cụ thể ghép đầu gồm 3 bước: chuẩn bị người cho, người nhận và nguồn nhân lực, kỹ thuật bao gồm việc đào tạo thuần thục 150 bác sĩ và điều dưỡng trong thời gian 2 năm. Dự kiến, thời gian phẫu thuật là 2 ngày.

Quy trình: đầu làm lạnh, cắt đầu người cho bằng lưỡi dao kim cương, bảo vệ đầu bằng cách bơm ôxy liên tục lên não qua ống silicon, cắt đầu người nhận trên thân não để tim vẫn đập nuôi cơ thể. Khi bắt đầu ghép, bác sĩ sẽ nối dây thần kinh tủy sống bằng PEG, kết nối cột sống, nối mạch máu, cơ, da. Bệnh nhân được theo dõi và chăm sóc sau ghép cẩn thận.

Riêng tại Việt Nam, giáo sư Sơn khẳng định, nếu có người sẵn sàng và phù hợp cho đầu, hoàn toàn có thể tiến hành ca ghép đầu.

“Chúng tôi đang chuẩn bị về người cho, người nhận và nhân lực kỹ thuật, còn về kỹ thuật ghép đầu, có thể hoàn toàn nhờ cậy nước ngoài. Chỉ cần có người ghép đầu, bệnh việnsẽ mời ê-kíp hoàn chỉnh từ nước ngoài để thực hiện. Về mặt khoa học, chúng tôi có thể kết nối với nền y học của Italy hoặc Mỹ”, vị giáo sư cho biết.

Đối tượng đủ điều kiện để thực hiện việc ghép bộ phận đặc biệt là những bệnh nhân có bộ não nguyên vẹn nhưng cơ thể bị tổn thương: chấn thương tủy, ung thư, teo cơ, hội chứng di truyền hiếm gặp, người chết não.

“Ghép tạng Việt Nam đang phát triển mạnh vào giai đoạn 2010-2014. Do đó, trong những năm tới cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt cần phải chuẩn bị người cho – nhận để thực hiện ca ghép đầu tại Việt Nam”, giáo sư cho hay.

Đừng bỏ phí nguồn chết não

GS Hồng Sơn cho hay, bên cạnh nguồn hiến là người sống, một bộ phận rất lớn bệnh nhân không may bị chết não là đối tượng thích hợp nhất để ghép tạng, tức người bị hôn mê sâu, mất hết các phản xạ nuốt, ho, thở… Chết não dù hồi sức tích cực đến bao nhiêu vẫn không thể cứu được bệnh nhân. Một người được khẳng định chết não không thể tồn tại quá 3 ngày.

Việt Nam sẵn sàng tiến hành ghép đầu người

Hội đồng xác nhận Kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục cho đại diệnTrung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia. Ảnh: Hà Quyên.

“Hiện tại ngày nào cũng có người chết não do tai biến, tai nạn giao thông và các bệnh khác. Riêng về tai nạn giao thông, mỗi năm, trung bình nước ta có khoảng 11.000 người tử vong, đứng đầu thế giới. Trong đó, phải có ít nhất 1/3 được xác định là chết não. Nếu tất cả những nạn nhân trong những vụ tai nạn giao thông này đều đồng ý hiến tạng từ trước đó sẽ cho rất nhiều người cơ hội sống khoẻ mạnh”, giáo sư Sơn trăn trở.

Theo số liệu từ giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, tính đến ngày 31/12/2015, đã có 2.348 người đăng ký hiến tạng tại Trung tâm. Số người đăng ký hiến tạng trên cả nước là 3.542 người, trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ 57,9% với 1.359 người hiến tạng; số còn lại là nữ giới.

Tính đến ngày 30/9/2015, Việt Nam đã thực hiện được 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép thận – tủy và 1 ca ghép tim – phổi.

Theo thống kê 5 năm gần đây, chỉ tính riêng các bệnh viện Hà Nội đã có tới 1.500 ca bệnh có nhu cầu ghép gan, cả nước khoảng 4-5.000. Hiện tại, con số này lớn hơn. Về ghép giác mạc, chỉ tính riêng năm 2014, đã có hơn 1.400 người. Con số này với thận là 6.000. Ở các tỉnh đều có nhu cầu. Trong khi đó, khái niệm hiến tạng vẫn còn rất xa lạ với nhiều người khiến nguồn cho thiếu trầm trọng.

Ngày 12/1, Hội đồng xác nhận Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao cho Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia kỷ lục: Sự kiện có nhiều người nhất cùng tình nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể, người phục vụ y học sau khi chết, chết não.

Theo Zing

Nguồn: GenK

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook