Nhóm nhà khoa học tại trường Đại học Dược Hà Nội đã bào chế thành công chế phẩm điều trị trúng đích trong chữa bệnh ung thư bằng công nghệ nano liposome đã được kiểm nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm, và giá chỉ bằng 30% chế phẩm nước ngoài hiện nay.
Thuốc điều trị ung thư trúng đích sẽ giúp làm giảm tác dụng phụ của thuốc lên các cơ quan lành. (minh họa) |
Với công nghệ này, hoạt chất diệt ung thư Doxorubocin được đưa đến trúng “đích” là khối u ác tính để tiêu diệt khối u ác tính hiệu quả mà không gây tổn thương phần lành, giảm thấp nhất tình trạng cơ thể bị nhiễm độc do thuốc.
Hiện chế phẩm trên đã được thí nghiệm thành công trên chuột mang tế bào ung thư người. Các chuyên gia của Học viện Quân Y đã cấy thành công khối u từ tế bào ung thư người trên chuột, trong đó có ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư cổ, ung thư lưỡi và một số ung thư khác.
PGS Minh Huệ cho biết: “Chúng tôi đã thử nghiệm theo tiêu chuẩn như thế giới quy định, tối thiểu 4 lô, mỗi lô 6 con chuột. Theo đó, trên các con chuột được cấy thành công khối u từ tế bào ung thư người, có con chuột mang khối u nhưng không được tiêm thuốc; Con chuột mang khối u được truyền thuốc nhưng không phải dạng nano này; Con chuột được tiêm thuốc của Mỹ; Con chuột được tiêm chế phẩm mà chúng tôi bào chế. Kết quả cho thấy khối u ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư lưỡi giảm đi rõ rệt, kéo dài thời gian sống của con vật. Kết quả này là tương đương, có phần nổi trội với chế phẩm nhập ngoại hiện nay”.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ dự định sẽ hỗ trợ giai đoạn 2 cho thí nghiệm này. Mục đích là sản xuất thuốc trên quy mô lớn thử nghiệm lâm sàng trên người, thử tương đương sinh học và đưa thuốc ra thị trường.
Được biết tại Mỹ, loại thuốc được cấp bản quyền với tính năng điều trị ung thư có chi phí rất cao, khoảng trên 350 – 500 USD/lọ. Trong khi giá trị của thuốc trúng đích nếu thành công chỉ bằng 30% giá trị trên. Ngoài ra, việc làm chủ công nghệ nano liposome sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam bào chế các thuốc “trúng đích” khác như điều trị tim, thận trong tương lai.
Theo NTD
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.