Thứ Năm, 28/01/2016 | 16:00

Báo cáo của chính phủ Hàn Quốc ngày 27/1 cho biết trốn tránh điều trị tâm thần và lạm dụng rượu là hai nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tự tử cao ở xứ sở kim chi.

Không chỉ liệt kê nguyên nhân, nghiên cứu trên 151 gia đình và 121 người tự tử năm 2015 của chính phủ Hàn Quốc còn nhận định nạn kỳ thị xã hội là xúc tác khiến bệnh nhân rối loạn tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện nên mặc cảm không dám tìm sự trợ giúp. Theo Asiaone, tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với khoảng 40 người tự kết thúc mạng sống mỗi ngày. Tự tử đã trở thành nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 4 tại đất nước nhân sâm.

Báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho thấy gần 90% người  tử đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần như trầm cảm, chỉ 15% điều trị trước khi qua đời. 25% họ tìm gặp bác sĩ tâm thần ít nhất một lần trong 30 ngày cuối cùng, hơn 25% nhờ cậy bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ y học cổ truyền điều trị các triệu chứng như khó tiêu hoặc mất ngủ.

Vì sao người Hàn Quốc tự tử nhiều

Một người đàn ông uống rượu trên đường phố Seoul. Hàn Quốc vốn nổi tiếng với truyền thống uống rượu. Ảnh: AFP.

Một trong những nạn nhân được báo cáo đề cập là người đàn ông khoảng 40 tuổi. Anh đến bác sĩ đa khoa vì chán ăn và sút cân. Bác sĩ kết luận anh bị mệt mỏi mạn tính và không khuyên bệnh nhân đi khám tâm lý. Trên thực tế, người này bị trầm cảm và sau đó ít tháng đã tự kết liễu cuộc đời.

Jeon Hong-jin, bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Y tế Samsung, Seoul cho biết nhiều công trình đã chỉ ra khoảng 70-90% ca tự tử trên thế giới đến từ nguyên nhân tâm lý mà điển hình là trầm cảm. Điều đáng nói ở đây, theo ông, là thói quen trốn tránh chữa trị có liên quan mật thiết đến tình trạng kỳ thị bệnh nhân rối loạn tâm thần. Khoảng 5,6% dân số Hàn Quốc (tương đương 2 triệu người) từng trải qua trầm cảm ít nhất một lần nhưng chỉ có 290.000 người tìm đến sự trợ giúp y tế. Số bệnh nhân đồng ý trị liệu lâu dài còn ít hơn: 150.000 người vào năm 2015.

“Rất nhiều người không nhận thức được tình trạng tâm lý của bản thân bởi họ không dám đến phòng khám. Điều này có thể rất nguy hiểm”, bác sĩ Jeon nói. “Khi một bệnh nhân trầm cảm nặng mà không biết mình bị trầm cảm, anh ta sẽ càng thấy tình trạng của bản thân bi đát vì thế sẵn sàng tự tử. Chẩn đoán sẽ giúp mọi chuyện dễ kiểm soát hơn. Một khi được phát hiện bệnh và hiểu rằng có phương thức can thiệp, bạn sẽ cảm thấy khá hơn”.

Bên cạnh các vấn đề tâm lý, 40% trường hợp tự tử được nghiên cứu đã uống rượu trước khi tự sát. Gần 26% số này từng dính đến rắc rối với pháp luật do rượu và 54% có người nhà từng lạm dụng đồ uống có cồn. Các chuyên gia tin rằng rượu có liên quan chặt chẽ đến nạn tử tự và kiểm soát rượu là biện pháp cần thiết để phòng tránh tình trạng này. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu dẫn đến 200 căn bệnh và tình trạng gây tổn thương bao gồm ung thư, tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử. Ngoài những hậu quả về sức khỏe, lạm dụng rượu kéo đến những thiệt hại đáng kể về kinh tế, xã hội cho cả cá nhân lẫn cộng đồng. Tổ chức nghiên cứu toàn cầu Euromonitor International năm 2014 phân tích Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu mạnh nhiều nhất thế giới.

Nếu coi trầm cảm và nghiện rượu là lý do trực tiếp khiến người Hàn Quốc tự tử thì cô lập xã hội chính là nguyên nhân gián tiếp. Theo số liệu của OECD năm ngoái, 28% cư dân đất nước kim chi không nhận được sự trợ giúp xã hội nào trong cơn khủng hoảng. “Nhu cầu tự nhiên của con người là gắn bó. Khi hạnh phúc và khỏe mạnh, chúng ta sẽ kết nối với nhau. Nếu không xây dựng mối quan hệ vì đang bị tổn thương hay cô lập, bạn sẽ cố gắng tìm kiếm một thứ gì đó đem đến cảm giác an ủi như ma túy hay rượu”, nhà báo Anh Johann Hari nhận định trong nghiên cứu về chất gây nghiện của mình.

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cho biết hơn 93% nạn nhân tự tử biểu lộ một số dấu hiệu cảnh báo như đột ngột thay đổi thói quen ăn, ngủ nhưng 81% thành viên trong gia đình họ không nghĩ đó là những triệu chứng nguy hiểm cần quan tâm.

Minh Nguyên

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook