Trong quá khứ khi nhắc tới các bức danh họa ở Châu Âu, chúng ta không thể không ngưỡng mộ khả năng hội hoạ tuyệt vời của những họa sĩ, với nét vẽ mô tả sắc thái biểu cảm tinh tế của nhân vật. Nhưng có một bức tranh mà sự huyền bí đã vượt qua vẻ đẹp mĩ thuật, nó đã gây ra rất nhiều vụ hoả hoạn bí ẩn ở vùng Yorkshire miền nam nước Anh. Tên của bức tranh này là “Cậu bé khóc” (Crying Boy).
Họa sĩ Bruno Amadio sinh năm 1911 với bút danh là Giovanni Bragolin đã vẽ nên bức tranh Cậu bé khóc – bức tranh mang lại sự nổi tiếng cho ông, trong vòng thập niên từ những năm 60 đến 70 các bức tranh được vẽ sao chép của nó tràn ngập khắp nơi trên thế giới, riêng tại Vương quốc Anh đã có thể bán được 50.000 bức – danh hoạ này qua đời vào năm 1981, sau khi ông mất được 4 năm mới xảy ra sự kiện những đám cháy “cậu bé khóc.”
Có thể thấy đây là bức tranh mô tả một cậu bé với những giọt nước mắt đang khóc, nhưng rốt cuộc nó có thể dẫn đến sự cố gì? Người ta nói rằng nếu treo bức tranh này trong nhà – không lâu sau gia đình bạn sẽ gặp hoả hoạn, toàn bộ ngôi nhà sẽ chìm trong ngọn lửa ngoại trừ bức tường treo tranh và bức tranh là còn nguyên vẹn như ban đầu, sự việc này đã khiến cho những người lính cứu hỏa phải cau mày và cảm thấy rằng mọi thứ không chỉ đơn giản là một ngọn lửa lạ.
Tin đồn về cậu bé khóc
Được biết động lực khiến nhà hoạ sĩ này vẽ nên bức tranh là do khi ông đến một trại trẻ mồ côi, tại đó ông đã vẽ chân dung của rất nhiều em. Nhưng một ngày nọ nơi đó vô tình xảy ra hoả hoạn, tất cả mọi thứ đều bị chìm trong biển lửa, chỉ còn sót lại một bức tranh duy nhất, chính là bức tranh này.
Một sự việc trùng hợp khác đó là, cậu bé được vẽ trong bức tranh còn sót lại cũng chính là người sống sót trong vụ hoả hoạn, cậu bé mồ côi đã may mắn sống sót nhưng điều khó hiểu là cùng lúc đó, cậu cũng xuất hiện khả năng khiến mọi thứ bùng cháy (một loại công năng đặc dị). Sau đó một họa sĩ đã tìm đến cậu để mời cậu làm người mẫu vẽ, thật không ngờ rằng sau khi công việc hoàn thành thì đột nhiên căn phòng bốc cháy, vì vậy, người họa sĩ bị chết trong ngọn lửa trong khi cậu bé lại có thể thoát ra, 10 năm sau cậu đã bị chết ngay tại chỗ trong một tai nạn xe hơi.
Tháng 9 năm 1985 khi tờ The Sun của Anh đăng tin này trên các phương tiện truyền thông, lúc đầu họ chỉ đơn thuần đăng tải tin tức về một vụ cháy nhưng thật không ngờ ngay sau đó đã có nhiều người gọi đến toà soạn, thậm chí còn cho biết rằng họ cũng gặp các tình huống tương tự như vậy.
Còn có người nói rằng sau khi mua bức tranh về nhà khoảng nửa năm sau ngôi nhà đã bị hoả hoạn, thậm chí có người mua về đến ngày hôm sau thì đã bị cháy, cũng có người vì bị phỏng do cháy nên được đưa vào bệnh viện. Một cửa hàng bán pizza kể rằng ông chỉ muốn treo một bức tranh nghệ thuật nhưng không ngờ rằng nó lại khiến cho mọi thứ bị cháy rụi… Những vụ tai nạn trên đều có điểm tương đồng đó là mọi thứ trong nhà đều cháy rụi, chỉ trừ bức tranh vẽ cậu bé khóc vẫn toàn vẹn và mới tinh như lúc đầu.
Cho đến nay vẫn không thể chắc chắn tổng cộng là có bao nhiêu bức tranh cậu bé khóc. Nhưng người ta có thể xác định hơn 7-8 bức là không có vấn đề.
Lúc đó bức tranh cậu bé không cần phải quảng cáo, hầu hết mọi người đều có thể dễ dàng mua được tại các cửa hàng bách hóa.
Các nhân viên cứu hỏa cho hay, ngọn lửa thực sự bùng cháy rất mạnh mẽ khiến cho toàn bộ ngôi nhà bị đốt cháy, nhưng trong tình huống đó mà bức tranh này vẫn được bảo quản một cách hoàn chỉnh như vậy, làm họ cảm thấy kinh ngạc không thể tưởng tượng nổi. Do vậy các anh hùng diệt lửa này không ai dám treo bức tranh cậu bé khóc trong nhà riêng của họ.
Trong những năm đầu, bức tranh này bị các phương tiện truyền thông thổi phồng, thậm chí các tờ báo cũng đã tung ra một bộ sưu tập lớn các bức tranh cậu bé khóc và hoạt động đốt thử nghiệm, khiến cho bầu không khí lúc đó trong dân chúng mang đầy sắc thái quái lạ và dị thường: cậu bé khóc, những vụ cháy thần bí, hoạ sĩ bí ẩn, bức tranh sống sót sau vụ cháy… Nhờ có giới truyền thông mà bức tranh mới thu hút sự chú ý đến như thế.
Vài năm sau, đài truyền hình BBC của Anh Quốc lại khơi lên, phóng viên của họ đi điều tra nguồn gốc của bức tranh, và cũng có một trải nghiệm thực tế về bức tranh này. Họ phát hiện rằng khi bức tranh bị bén lửa, ngọn lửa sẽ cháy dọc theo khung và sau đó dần dần nhỏ đi và tắt. Như vậy có lẽ khi ngọn lửa bùng phát, sợi dây treo bị đốt cháy khiến bức tranh rơi úp xuống đất, sau đó lại bị bao phủ bởi các vật liệu cháy từ ngôi nhà rơi xuống. Đây cũng có thể là lý do tại sao nó lại được bảo quản tốt như vậy trong ngọn lửa (hoặc rất có thể do các bức tranh được sao chép lúc đó sử dụng một loại sơn đặc biệt khiến cho nó bất ngờ đạt tới tiêu chuẩn chống cháy cao?). Tuy nhiên họ không giải thích được tại sao có những bức quay mặt ra ngoài nhưng vẫn nguyên vẹn.
Video: Khoảnh khắc lính cứu hỏa đối mặt đám cháy ở chung cư London
Theo NTDTV
My My biên dịch
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.