Thứ Tư, 23/09/2015 | 05:02

Sau những biến động tỷ giá, một số loại vaccine dịch vụ cũng rục rịch tăng giá theo. Tuy nhiên, không phải vaccine nào cũng có mà từ gần một tháng nay, tại một số cơ sở tiêm chủng đã dán thông báo “tạm” hết nhiều loại vaccine. Còn vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí lại đang khiến không ít phụ huynh ái ngại.

Điệp khúc… chờ

7 giờ sáng ngày 21-9, từ quận 9 (TPHCM), chị Nguyễn Hồng Th. chở con gái 2 tuổi đến Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 để chích ngừa vaccine cúm. Khi đến nơi thì ngay ở quầy thủ tục mua phiếu khám bệnh thuộc Khoa Khám trẻ em lành mạnh đã thấy dán thông báo “Tạm thời hết vaccine…” một loạt, trong đó có cả vaccine cúm. Vậy là hai mẹ con lủi thủi ra về, mất công đi một quãng đường dài! Theo như thông báo của BV cập nhật tình hình thuốc chích ngừa thì vaccine cúm cho trẻ dưới và trên 3 tuổi đều đã hết. Các loại vaccine như “6 trong 1” Infanrix hexa, “5 trong 1” Pentaxim hay Tetraxim (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt)… cũng trong tình trạng như vậy.

Tương tự, trong ngày 21-9, tại Khoa Tiêm chủng – Viện Pasteur TPHCM, các loại vaccine tổ hợp như “4 trong 1”, “5 trong 1”, “6 trong 1” đều đã hết sạch, một số vaccine đơn lẻ khác như thương hàn (Typhim vi), viêm phổi do phế cầu (Pneumo 23, Synflorix), viêm gan siêu vi A cũng cạn kiệt. Nơi đây cho biết, không hiểu lý do gì mà gần đây một số vaccine lại thiếu, đặc biệt rất nhiều phụ huynh đưa con em đến xin chích vaccine “6 trong 1” nhưng đã gần cả năm nay… hết hàng!

Tiêm vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ

Trong khi đó, một số loại vaccine đang rục rịch tăng giá. Theo bảng giá hiện nay được công khai tại Khoa Tiêm chủng Viện Pasteur TPHCM (giá đã bao gồm chi phí khám, tiêm và bảo quản vaccine), vaccine ngừa viêm gan siêu vi B có tên Euvax B – 0,5ml là 100.000 đồng, Euvax B – 1ml là 145.000 đồng, trong khi trước đó không lâu có giá tương ứng 80.000 đồng và 120.000 đồng. Hay vaccine ngừa viêm não Nhật Bản B Jevax – 1ml có giá niêm yết hiện tại 100.000 đồng, trước đó là 80.000 đồng… Ghi nhận cho thấy, sau khi tình hình tỷ giá có biến động, các nhà cung cấp vaccine đang có xu hướng điều chỉnh tăng giá vaccine lên trung bình 5% – 10%, trong đó có nhiều loại tăng giá mạnh. Không những vậy, thông tin từ các đơn vị nhập khẩu và phân phối vaccine cho biết, việc tăng giá là không thể tránh khỏi khi các chi phí vận chuyển, bảo quản, tỷ giá đều tăng. 

Ngại vaccine miễn phí “5 trong 1”

Mặc dù Bộ Y tế đã trấn an, nhưng mới đây lại thêm một vụ tử vong sau tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem. Đó là trường hợp bé N.Đ.H. (gần 4 tháng tuổi, ngụ xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, Đắk Nông), bị sốc phản vệ sau tiêm ngừa vaccine Quinvaxem, tử vong trên đường đi cấp cứu. Ngay sau đó, lô vaccine Quinvaxem tiêm cho cháu H. còn lại 3.500 liều đã được Sở Y tế Đắk Nông xin tạm dừng sử dụng…

Đây không phải là trường hợp đầu tiên tử vong sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem mà đã có hàng chục trường hợp tương tự, kể từ khi vaccine này được đưa vào sử dụng tại Việt Nam năm 2010. Đỉnh điểm của những lo ngại về vaccine “5 trong 1” Quinvaxem là trong các năm 2012 và 2013, khi hàng loạt báo cáo của Sở Y tế các địa phương cho thấy có những phản ứng ngoài ý muốn có hại sau khi chích ngừa vaccine này. Tháng 5-2013, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố khẩn cấp yêu cầu tạm ngừng sử dụng vaccine “5 trong 1” Quinvaxem để “đảm bảo an toàn cho người sử dụng”. Sau đó, Cục Quản lý dược đã cho sử dụng vaccine “5 trong 1” Quinvaxem trở lại bởi qua “nghiên cứu và kiểm nghiệm” thì vaccine vẫn an toàn trong tỷ lệ cho phép. Thế nhưng, thực tế từ năm 2013 đến nay vẫn liên tục xảy ra những trường hợp phản ứng có hại sau tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem, nhưng gần như các kết quả điều tra đều cho rằng phản ứng là do “cơ địa” của trẻ chứ không phải lỗi của vaccine.

Theo các chuyên gia y tế, phản ứng sau tiêm vaccine ở một mức độ, tỷ lệ nhất định là hoàn toàn được cảnh báo, nhưng trong trường hợp một loại vaccine mà sau tiêm có số lượng, tỷ lệ phản ứng nhiều thì cần xem xét lại. Nên chăng Bộ Y tế cần có thống kê đầy đủ các trường hợp gặp sự cố phản ứng sau tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem ở các địa phương thêm một lần nữa để đảm bảo an toàn cho người dân.

Mỗi người sẽ có phần mềm theo dõi lịch tiêm chủng suốt đời

Đó là thông tin được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết sau khi hợp tác với Cục Công nghệ thông tin và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng phần mềm mang tên “Hệ thống quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia”. Hiện phần mềm đang được triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh nhằm quản lý đối tượng tiêm chủng qua hệ thống phần mềm ứng dụng trên Internet. Phần mềm sẽ quản lý từng đối tượng tiêm chủng và mỗi cá nhân sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời, gồm có thông tin về quá trình tiêm chủng của mỗi cá nhân, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm.

Vaccine “5 trong 1” Quinvaxem phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Hib, được sản xuất tại Hàn Quốc do Tổ chức Liên minh toàn cầu tài trợ cho Việt Nam. Quinvaxem được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia miễn phí cho người dân từ tháng 6-2010, tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam nhập về gần 15 triệu liều và đã sử dụng hơn 11 triệu liều.

TƯỜNG LÂM

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook