Thứ Ba, 22/05/2018 | 11:07

Sau hai ngày đi tiêu chảy, bé 11 tháng tuổi được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu bởi sốt cao, co giật, mệt lả.

Bé được điều trị tại khoa Nhi gần một tuần nay, đã qua nguy kịch, tỉnh táo song vẫn còn bị tiêu chảy nên phải tiếp tục nằm viện theo dõi.

Nhớ lại giây phút con nhập viện cấp cứu, mẹ bé không khỏi sợ hãi. “Lúc đó con lả đi, môi nhợt nhạt, tay chân lạnh toát nhưng lại sốt cao, co giật. Vợ chồng tôi hoảng hốt chỉ biết đứng bên cạnh, lo lắng nhìn bác sĩ cấp cứu”, người mẹ kể lại. Trước khi vào viện con khát, mẹ pha nước oresol cho vào bình bú, bé uống liền một lúc hết.

Trước đó, bé đi ngoài nhiều lần, nghĩ con bị tiêu chảy, người mẹ ra hiệu thuốc mua men tiêu hóa, thuốc oresol để bù nước cho con. Hiệu thuốc bán cho chị một chai nước nhựa khoảng 200 ml ghi chữ oresol và một vài gói bột có tác dụng bù nước, điện giải. Về sau chị mới biết cả hai loại này trên nhãn đều ghi là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung chứ không phải thuốc.

Cả hai mẹ con đều uống nước oresol nên người mẹ không biết con mình đã dùng bao nhiêu lượng nước này. Hai ngày sau bé vẫn đi tiêu chảy hơn 10 lần một ngày, mệt lả, môi nhợt, bố mẹ mới đưa con vào Bệnh viện Y học cổ truyền, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ vào viện tình trạng sốt rất cao khó hạ, mất nước ở mức độ 3. Bé co giật, bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy để loại trừ bị viêm não. Kết quả cho thấy nguyên nhân chính là trẻ bị tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, bù nước và điện giải tại nhà không đủ.

Theo tiến sĩ Dũng, đây là em bé thứ ba từ 6 tháng đến một tuổi rưỡi, bị tiêu chảy nhập viện gần đây vì mất nước rất nặng. Một bé đã không thể qua khỏi; một bé vào viện thì hôn mê. Điểm chung là cả ba trẻ đều uống thực phẩm chức năng oresol.

Về nguyên tắc oresol là thuốc cứu sống hàng triệu trẻ con bị tiêu chảy trên toàn thế giới. Tuy nhiên thị trường hiện nay xuất hiện loại thực phẩm chức năng giống oresol. Trên nhãn sản phẩm này có dòng chữ “sản phẩm không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh” nhưng rất nhỏ, ít người để ý. Điều này rất nguy hiểm.

“Tôi không biết thành phần của những loại thực phẩm chức năng này có giống thuốc oresol có tác dụng bù nước, bù điện giải cho trẻ hay không. Tuy nhiên việc ghi nhãn như vậy rất dễ gây hiểu lầm cho người dân, nguy hiểm cho sức khỏe khi dùng không đúng lúc đúng cách”, tiến sĩ Dũng nói.

Tiến sĩ Dũng cũng nhận định, người mẹ cho con uống nước oresol bằng cách pha vào bình sữa để bú là không đúng phương pháp. Nguyên tắc uống nước oresol theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, tức cho trẻ uống từng thìa nhỏ một, cứ 1-2 phút uống một ngụm và uống theo nhu cầu cơ thể.

“Chữa tiêu chảy vốn rất đơn giản. Mỗi khi bị tiêu chảy, bệnh nhân phải uống hàng nghìn ml oresol theo chỉ định của bác sĩ để bù nước và điện giải”, tiến sĩ Dũng nói.

Ông cũng lưu ý pha gói oresol theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm để đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Nếu pha quá loãng sẽ không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải kém; còn pha đậm đặc với ít nước thì trẻ bị ngộ độc muối sẽ khát thêm và nguy hiểm đến tính mạng.

Dùng nước đun sôi để nguội, khuấy tan thuốc oresol trong nước rồi mới cho trẻ uống. Không được pha oresol với sữa, nước canh, nước trái cây… và tuyệt đối không cho thêm đường. Ngoài việc bù nước, bù điện giải bằng oresol, cha mẹ cũng cần cho trẻ uống thêm nước lọc, nước cam, chanh. Liên tục theo dõi tình trạng của trẻ khi bị sốt, tiêu chảy…

Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt, khát, tiểu ít…), cần đưa bé đến viện để bác sĩ khám, chỉ định bù nước bằng truyền dịch, phòng nguy cơ mất nước rất nguy hiểm.

Phương Trang

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook